Căng thẳng ở Biển Đỏ: Chưa ghi nhận giải pháp hiệu quả nào cho cuộc khủng hoảng vận tải biển
Do căng thẳng tại Biển Đỏ, nhiều hãng vận tải lớn đã phải thay đổi hành trình, dẫn đến thời gian vận chuyển dài hơn, chi phí tăng lên.
- 09-01-2024Cha đỡ đầu một chỉ báo suy thoái lên tiếng cảnh báo về nền kinh tế 2024, chỉ mong lần này ông đã sai
- 08-01-2024Công ty xe điện của ‘chúa chổm’ Evergrande tiếp tục lận đận, cổ phiếu giảm 23% vì rộ tin sếp lớn bị bắt giữ
- 08-01-2024CNBC: Việt Nam xếp chung với Nhật Bản, Ấn Độ trong nhóm thị trường đầu tư hấp dẫn nhất châu Á – Thái Bình Dương năm 2024
80% lượng hàng hóa đi Bờ Đông nước Mỹ/Canada và EU đều qua kênh đào Suez. Hiện nhiều tàu phải vòng qua mũi Hảo Vọng, khiến hành trình mất thêm 1 đến 2 tuần. Một số tuyến vận tải thậm chí phải cắt bỏ dẫn đến thiếu chỗ và làm tăng thêm chi phí.
Hãng vận tải COSCO của Trung Quốc, hãng tàu biển lớn thứ tư thế giới, đã tạm dừng vận tải hàng hóa tới Israel, trong bối cảnh gia tăng nguy cơ an ninh hàng hải trên Biển Đỏ. COSCO chiếm đến 11% thị phần vận tải hàng hóa trên biển, do đó, quyết định dừng các chuyến tàu chở hàng tới Israel khiến nhiều nước lo lắng.
Theo các chuyên gia, việc COSCO dừng các chuyến tàu hàng tới Israel không chỉ ảnh hưởng thương mại vùng Viễn Đông, Israel mà còn ảnh hưởng tới hãng tàu lớn Zim của Israel. Hãng tàu của Israel sẽ phải chịu chi phí vận tải cao hơn.
Để tránh các cuộc tấn công, nhiều tập đoàn vận tải biển đã chuyển hướng thương mại hơn 200 tỷ USD khỏi tuyến đường thương mại quan trọng ở Trung Đông.
Theo nền tảng đặt hàng hóa Freightos, giá cước giao ngay vận chuyển một container 40 feet từ châu Á đến Bắc Âu là 4.000 USD, tăng 173% kể từ giữa tháng 12/2023. Chi phí vận chuyển từ châu Á đến Địa Trung Hải đã tăng gấp đôi, lên hơn 5.000 USD. Nhiều nhà bán lẻ hàng đầu thế giới của Mỹ, châu Âu, châu Á thêm lo lắng khi chi phí đội lên cao, nguy cơ thiếu hụt hàng hóa.
Các chuyên gia cho rằng gia tăng căng thẳng ở Biển Đỏ tới vịnh Arab cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho chuỗi cung cấp hàng hóa trên thế giới trong năm 2024. Hiện vẫn chưa ghi nhận giải pháp hiệu quả nào cho cuộc khủng hoảng vận tải biển này.
VTV