MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Căng thẳng Nga – Ukraine sẽ đẩy giá những mặt hàng này tăng cao, "túi tiền" của người dân trên toàn thế giới sẽ bị ảnh hưởng

25-02-2022 - 10:03 AM | Tài chính quốc tế

Căng thẳng Nga – Ukraine sẽ đẩy giá những mặt hàng này tăng cao, "túi tiền" của người dân trên toàn thế giới sẽ bị ảnh hưởng

Trong thời điểm lạm phát tăng nhanh nhất trong nhiều thập kỷ, quyết định mở chiến dịch quân sự ở Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể khiến giá của những mặt hàng này tăng cao hơn nữa.

Các nhà kinh tế đang chạy đua để đánh giá những tác động từ căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Họ cho rằng cuộc xung đột khó có thể đẩy nền kinh tế thế giới trở lại suy thoái. Tuy nhiên, thị trường xáo trộn, các lệnh trừng phạt và nguy cơ gián đoạn nguồn cung đã đẩy giá bán buôn năng lượng và một số sản phẩm nông nghiệp lên cao. Do đó, người tiêu dùng sẽ phải trả nhiều tiền hơn để mua xăng và thực phẩm.

Ben May, giám đốc nghiên cứu vĩ mô toàn cầu tại Oxford Economics, cho biết: "Lạm phát có khả năng đạt đỉnh cao hơn mức mà chúng tôi đã dự đoán cách đây vài ngày".

Và đây là những mặt hàng có thể trở nên đắt đỏ hơn trên khắp thế giới.

Nhiên liệu

Giá dầu toàn cầu đã tăng lên trên 105 USD/thùng trong ngày 24/2, chạm mức cao nhất kể từ năm 2014. Tại Mỹ, giá dầu đạt mức 100 USD/thùng.

Điều này sẽ khiến các tài xế phải chi nhiều tiền hơn để đổ đầy bình xăng. Tại Mỹ, giá trung bình 1 gallon xăng đã tăng từ mức 3,33 USD trong tháng trước lên 3,54 USD.

Chính quyền Tổng thống Biden đang tìm cách ngăn chặn đà tăng giá khí đốt, mặc dù chưa rõ có thể thực hiện được bao nhiêu do nhu cầu cao và nguồn cung eo hẹp.

Giá khí đốt tự nhiên cũng đang tăng đột biến. Loại nhiên liệu này được sử dụng để sưởi ấm cho các ngôi nhà và phục vụ ngành công nghiệp điện. Giá tiêu chuẩn ở châu Âu ngày 24/2 đã tăng 29% lên 127,80 USD/MWh, theo dữ liệu từ Independent Commodity Intelligence Services.

Con số này thấp hơn mức cao nhất mọi thời đại đạt được trước Giáng Sinh, nhưng vẫn sẽ ảnh hưởng đến túi tiền của người dân nếu giá tiếp tục tăng. Trước đó, Ngân hàng Mỹ ước tính các hộ gia đình châu Âu sẽ phải trả thêm 724 USD cho năng lượng trong năm 2022, nâng mức chi tiêu trung bình lên 2.061 USD.

Giá nhiên liệu tăng cao cũng sẽ làm tăng chi phí cho các doanh nghiệp. Đối với các hãng hàng không, nhiên liệu dành cho máy bay sẽ đắt hơn, do đó giá vé máy bay có thể sẽ cao hơn. Còn đối với ngành sản xuất tiêu tốn nhiều điện như sản xuất thép, các nhà sản xuất có thể sẽ chịu sức ép. Điều đó có thể lan rộng ra khắp nền kinh tế.

Thức ăn

Giá lương thực toàn cầu đã gần chạm mức cao nhất trong một thập kỷ. Giờ đây, xung đột Nga – Ukraine có thể khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn.

Nga là nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới. Trong khi đó, Ukraine cũng là quốc gia xuất khẩu một lượng lớn lúa mì, ngô cũng như dầu thực vật.

Ngày 24/2, giá lúa mì đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2012. Giá ngô cũng tăng vọt cùng với giá đậu tương.

Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ là những khách hàng nhập khẩu lượng lớn lúa mì từ Nga. Nhưng họ sẽ không phải là những quốc gia duy nhất bị ảnh hưởng nếu các chuyến hàng bị trì hoãn hoặc các lệnh trừng phạt gây gián đoạn xuất khẩu.

Theo nhà phân tích Michael Magdovitz của Rabobank, Ukraine vẫn cần xuất khẩu 15 triệu tấn ngô và khoảng 5 triệu - 6 triệu tấn lúa mì trong vụ mùa này.

Giờ đây, những người mua hàng như Trung Quốc đang chuyển sang châu Âu và Mỹ để lấp đầy khoảng trống. Nếu giao tranh kéo dài, nguồn cung thậm chí có thể bị hạn chế hơn.

Helima Croft, người đứng đầu chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC Capital Markets, cho biết nguy cơ lạm phát giá lương thực cao hơn "xuất hiện nghiêm trọng" bởi vì Nga và Ukraine cùng chiếm 25% xuất khẩu lúa mì toàn cầu, trong khi chỉ riêng Ukraine chiếm 13% xuất khẩu ngô.

Và nông dân còn phải đối mặt với một nguy cơ tiềm tàng: Nga là nhà sản xuất amoni nitrat lớn nhất, một thành phần quan trọng trong phân bón, RBC cho biết thêm.

Kim loại

Giá kim loại được sử dụng trong nhiều loại sản phẩm tiêu dùng đang tăng vọt khi các nhà đầu tư tìm hiểu hậu quả của cuộc khủng hoảng và cân nhắc xem liệu các biện pháp trừng phạt có thể ảnh hưởng đến nguồn cung hay không.

Các nhà phân tích tại S&P Global Platts cho biết: "Nga là nhà sản xuất kim loại chính bao gồm nhôm, niken và cũng là nhà sản xuất đồng lớn". Các nguồn tin thị trường tin chắc rằng các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt sẽ được áp dụng đối với thương mại Nga. Điều đó có thể bóp nghẹt nguồn cung trên các thị trường toàn cầu vốn đã eo hẹp.

Giá nhôm tại London tăng vọt lên mức cao kỷ lục vào ngày 24/2.

Rusal của Nga là một trong những nhà sản xuất nhôm lớn nhất thế giới. Nếu các hình phạt mới được áp dụng, giá cả có thể sẽ tăng chóng mặt.

Giá đã tăng vì các nhà máy luyện kim ở châu Âu phải cắt giảm sản lượng do giá điện tăng. Ngay cả khi Rusal không bị trừng phạt, đợt tăng giá năng lượng mới nhất có thể khiến tình hình thêm trầm trọng.

Các kim loại như nhôm được sử dụng trong hàng nghìn sản phẩm trên khắp thế giới, từ đồ hộp đựng thực phẩm, đồ uống đến xe cộ và thiết bị điện tử.

Tham khảo CNN

https://cafef.vn/cang-thang-nga-ukraine-se-day-gia-nhung-mat-hang-nay-tang-cao-tui-tien-cua-nguoi-dan-tren-toan-the-gioi-se-bi-anh-huong-20220225093926629.chn

Khánh Ly

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên