MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Căng thẳng thanh khoản hệ thống ngân hàng: Những đợt sóng cục bộ nhưng vẫn cần phải kiểm soát

17-12-2018 - 14:41 PM | Tài chính - ngân hàng

Thanh khoản đang có biểu hiện căng thẳng cục bộ ở một số ngân hàng. Nguyên nhân gây ra tình trạng này trong thời gian qua do nhiều yếu tố, có khách quan từ bên ngoài, tuy nhiên chủ yếu vẫn là yếu tố chủ quan của các ngân hàng.

PGS.TS. Đỗ Hoài Linh
PGS.TS. Đỗ Hoài Linh
Viện Ngân hàng Tài chính - Đại học Kinh tế Quốc Dân
16 bài viết

Thanh khoản của ngân hàng thương mại (NHTM) được xem như khả năng đáp ứng những nhu cầu tức thời về tiền của NHTM như rút tiền gửi và giải ngân các khoản tín dụng đã cam kết, chi trả chi phí hoạt động hay những nhu cầu cần phải thanh toán bằng tiền khác. Thanh khoản hệ thống các NHTM trong giai đoạn 2006-2017 có thể thấy về cơ bản được đảm bảo an toàn. Tình trạng khủng hoảng thanh khoản diện rộng không xảy ra. Song, có những giai đoạn xảy ra căng thẳng thanh khoản và những khó khăn thanh khoản cục bộ đối với một số NHTM.

Thứ nhất, căng thẳng thanh khoản của hệ thống trong giai đoạn có 3 lần xảy ra với diễn biến và tính chất khác biệt nhau. Cụ thể từng lần như sau:

Căng thẳng thanh khoản hệ thống ngân hàng: Những đợt sóng cục bộ nhưng vẫn cần phải kiểm soát - Ảnh 1.

Lần thứ nhất là vào năm 2008, khi tỷ lệ tín dụng/huy động vốn của hệ thống vượt qua mức 100% từ tháng 1/2008 thì ngay từ tháng 2/2008, lãi suất huy động vốn và cho vay tăng cao. Cụ thể, các NHTM phải áp dụng nhiều hình thức khuyến mại bằng tiền, hiện vật để tìm cách thu hút nguồn vốn. Xuất hiện tình trạng huy động vốn với kỳ hạn rất ngắn, tương tự như thị trường liên ngân hàng (LNH) với mức lãi suất rất cao. Các kỳ hạn đã được huy động là từ 2 đến 6 ngày với mức lãi suất hấp dẫn từ 0,45-0,65%/tháng. Tình trạng này kéo dài đến tháng 7 khiến cho mặt bằng lãi suất trên thị trường bán lẻ liên tục tăng. Mức tăng bình quân theo tháng từ 1 đến 2%/năm. Kết quả là mức lãi suất huy động vốn kỳ hạn 6 tháng tăng mạnh lên mức 10,5%/năm, vượt ngưỡng hơn 0,61%/năm so với quy định về mức lãi suất không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản. Đồng thời, mức lãi suất cho vay cũng tăng lên đáng kể. 

Đến tháng 7/2008, mức lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân của các NHTM tăng lên mức 13,8%/năm, trước tháng 2/2008 dao động ổn định quanh mức 12,3-12,7%/năm. Tình hình căng thẳng hơn khi chịu thêm ảnh hưởng của thị trường chứng khoán. Bởi vì, các NHTM không thể thực hiện bán giải chấp với các khoản vay kinh doanh chứng khoán khi thị trường sụt giảm. Nguyên nhân là do VNIndex sụt giảm trên 60% trong 6 tháng đầu năm 2008. Để tránh tình trạng trở nên tệ hơn, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã vận động ngừng bán giải chấp cổ phiếu.

Lần thứ hai thanh khoản NHTM có biểu hiện căng thẳng là tháng 12/2009 khi lãi suất tái cấp vốn ở mức 8%/năm. Tỷ lệ vốn thanh khoản/tiền gửi huy động từ nền kinh tế tháng 12/2009 giảm ở tất cả các nhóm NHTM so với cuối năm 2008. Trong đó: Nhóm NHTM nhà nước giảm từ 34,5% xuống 25,8%; Nhóm NHTM cổ phần giảm từ 47,2% xuống 43,4%; Nhóm NH liên doanh và NH nước ngoài giảm từ 65,3% xuống 60,8%.

Cuối tháng 12/2009, số dư huy động vốn của các NHTM từ thị trường LNH tăng 65,8% so với cuối năm 2008. Riêng tháng 12/2009, huy động vốn trên thị trường LNH tăng đột biến (gần 21%) so với tháng 11/2009. Theo đó: Tỷ lệ huy động vốn từ thị trường LNH so tổng dư nợ cho vay nền kinh tế tăng từ 21,6% năm 2008 lên 26%; Tỷ lệ chênh lệch (tổng dư nợ tín dụng - huy động vốn trên thị trường I) so với huy động vốn trên thị trường LNH tăng từ -25,3% năm 2008 lên 5,4% năm 2009. Lãi suất LNH qua đêm và 1 tuần tăng mạnh. Trong khi lãi suất thị trường mở và tái cấp vốn chỉ tăng 1% từ mức 7% lên 8%/năm vào tháng 12/2009 thì lãi suất LNH bình quân tăng từ mức trung bình 6%/năm ở các tháng trong năm lên gần 11%/năm vào tháng 12 đối với kỳ hạn qua đêm, tăng từ 8%/năm lên 12%/năm đối với kỳ hạn 1 tuần.

Lần thứ ba trong giai đoạn từ tháng 10/2010 - 1/2011, tỷ lệ tín dụng/huy động vốn VND của toàn hệ thống TCTD tăng đáng kể từ mức 98,6% tháng 10/2010 lên mức 100,07% tháng 11/2010. Mặc dù đến thời điểm cuối năm 2010, tỷ lệ này đã giảm nhẹ xuống còn 99,1%. Nhưng ngay sau đó, vào tháng 1/2011, mức 100% lại tiếp tục bị vượt qua và duy trì đến tháng 5/2011. Nguyên nhân chủ yếu do tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh hơn tăng trưởng huy động vốn bằng VND liên tục diễn ra trong vòng 6 tháng kể từ tháng 10/2010. Thậm chí trong 3 tháng đầu năm 2011, số dư huy động vốn VND vào hệ thống NHTM liên tiếp giảm so với các tháng liền trước. 

Trên thị trường LNH, mức lãi suất qua đêm tăng liên tục. Mặc dù, trước đó, lãi suất đang duy trì xu hướng giảm từ đầu năm 2010 thì xu hướng ngược lại đã được xác lập từ tháng 7 đến cuối năm. Từ tháng 7/2010 đến tháng 10/2010, mức tăng bình quân tháng của mặt bằng lãi suất LNH liên tục là từ 0,1-0,5%/năm. Đến tháng 11/2010, chỉ trong vòng 1 tháng, mức lãi suất đã tăng cao đột biến 2,8%/năm lên mức 10,3%/năm vào tháng 11/2010. Lãi suất bình quân các kỳ hạn từ 1 tuần đến 12 tháng dao động xung quanh mức 13,3-13,5%/năm, cao hơn mức ổn định 7-11%/năm trong các tháng trước đó. 

Đồng thời, các NHTM tăng vay mượn trên thị trường LNH từ tháng 8/2010. Mức tăng mạnh nhất diễn ra vào tháng 10/2010 với mức tăng theo tháng đạt 19,3%. Sự gia tăng lãi suất này chính là nguyên nhân giúp cho tỷ lệ dư nợ/huy động vốn của các NHTM có dấu hiện sụt giảm nhẹ vào cuối năm. Bởi vì, số dư huy động vốn VND của các NHTM từ thị trường LNH trong 11 tháng đầu năm tăng khá so với cuối năm 2009, đạt 14,34%. Tỷ lệ vốn huy động từ thị trường LNH/tổng vốn huy động tăng từ mức phổ biến 14% trong 7 tháng liền trước lên mức 17,1% tháng 11/2010 và tăng lên mức cao nhất 21,03% vào tháng 1/2011.

Thứ hai, đối với trường hợp khó khăn thanh khoản cục bộ, hai trường hợp đã xảy ra và đều được xử lý tích cực với sự hỗ trợ từ NHNN. Do đó, kết quả đã không gây ảnh hưởng đến toàn hệ thống. Cụ thể như sau:

Lần thứ nhất, năm 2011, NHNN chính thức công bố thực hiện hợp nhất ba ngân hàng thương mại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (Saigon Commercial Bank, SCB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank, TNB) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đệ Nhất (Ficombank, FCB). Nguyên nhân là "ba ngân hàng nói trên trong thời gian qua đã có sự lạm dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nên đã gặp khó khăn về thanh khoản. Cho đến khi nguồn vốn ngắn hạn không còn dồi dào, ba ngân hàng này đã mất khả năng thanh toán tạm thời". 

Trước đó, trong năm 2010 và 2011, NHNN và một số NHTM lớn đã hỗ trợ thanh khoản cho cả ba NHTM này. Ngoài ra, một số công việc chuẩn bị cho quá trình hợp nhất cũng đã được thực hiện. Đầu tiên là cam kết hỗ trợ thanh khoản của BIDV với Ficombank (hạn mức tín dụng là 5.000 tỷ đồng). Tiếp đó là thỏa thuận hợp tác chiến lược ký kết giữa Quỹ Đầu tư Australia Macquarie, tập đoàn tài chính đang quản lý số tài sản trị giá khoảng 317 tỷ USD, với cả ba NH Đệ Nhất (Ficombank), Sài Gòn (SCB) và Tín Nghĩa (TinNghiaBank). Vì vậy, mặc dù công bố là các NH này tự nguyện hợp nhất, nhưng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) được chỉ định làm đại diện cho phần vốn nhà nước trong ba NH và tham gia toàn diện vào quá trình hợp nhất. Theo cơ quan quản lý, sự tham gia của BIDV sẽ đảm bảo các NH sau hợp nhất không bị phá sản, bảo vệ lợi ích của người gửi tiền và giữ nguyên quyền lợi của các cổ đông hiện hữu.

Lần thứ hai, cựu lãnh đạo ACB bị bắt ngày 20/8/2012 để điều tra các sai phạm trong hoạt động kinh tế. Chỉ trong vòng 2 ngày làm việc sau đó, các khách hàng đã rút hơn 8.000 tỷ đồng khỏi ACB. Mức độ rút ngày càng cao, trong ngày 21/8 là 3.000 tỷ đồng thì sang ngày 22/8 số tiền bị rút tăng lên 5.000 tỷ đồng. Ngay lập tức, thanh khoản trên thị trường tiền tệ bị ảnh hưởng. Lãi suất cho vay LNH tăng thêm 0,8%/năm. Để đối phó lại, ACB đưa ra thông báo khẳng định "ông không còn là cổ đông lớn, cũng không còn là thành viên của Hội đồng quản trị, và không tham gia ban điều hành của ACB". 

Ngay từ tối 20/8, toàn thể ban lãnh đạo của ACB đã tiến hành họp bàn để thống nhất các kịch bản cụ thể để đối phó với tình hình thanh khoản. Ban Lãnh đạo ACB đã phải chuẩn bị kịch bản cho 5 tình huống gồm có các mức độ: bình thường, hơi đông, hỗn độn, khẩn cấp và khủng hoảng. Trong ba ngày cao điểm từ 21-23/8, nhiều cách thức trấn an khách hàng, ổn định tình hinh đã được sử dụng. Thậm chí, NHNN phải can thiệp bằng phát biểu của Thống đốc Nguyễn Văn Bình trên sóng truyền hình vào tối 21/8. Sau đó, NHNN phải triệu tập Lãnh đạo của các NHTM khác trong hệ thống yêu cầu hỗ trợ thanh khoản cho ACB. Tình huống sau đó được giải quyết ổn thỏa, tuy nhiên, trường hợp khó khăn thanh khoản của ACB hoàn toàn không liên quan đến hoạt động của NHTM mà là do ảnh hưởng của uy tín ban lãnh đạo ngân hàng.

Nguyên nhân gây ra tình trạng rủi ro thanh khoản của các NHTM trong thời gian qua là do nhiều yếu tố, từ điều kiện khách quan đến các yếu tố chủ quan của NHTM. Điều kiện khách quan có thể kể đến là ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, điều kiện kinh tế vĩ mô trong nước. Nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là các yếu tố chủ quan của hệ thống khi các NHTM không đáp ứng được các yêu cầu về đảm bảo an toàn thanh khoản của NHNN đưa ra cũng như vấn đề về xử lý khủng hoảng thông tin liên quan đến uy tín, ảnh hưởng của Ban Lãnh đạo ngân hàng. 

Những trường hợp căng thẳng thanh khoản của hệ thống NHTM có thể được nhận biết thông qua biến động lãi suất trên thị trường. Trường hợp khó khăn thanh khoản cục bộ của một số NHTM riêng lẻ thường kéo theo làn sóng rút tiền tăng đột biến. Nhìn lại quá trình phát triển của hệ thống có thể thấy, các vấn đề về thanh khoản của hệ thống đã luôn được NHNN hết sức quan tâm và điều hành sát sao. Bởi vì, chính những yếu kém về thanh khoản là nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc phải thực hiện cơ cấu lại hệ thống để đảm bảo an toàn và phát triển lành mạnh.

TS Đỗ Hoài Linh, NCS Lại Thị Thanh Loan (ĐH Kinh tế Quốc dân)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên