MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Càng xa nhà, càng thấy tết đáng trân trọng hơn: Những nỗi buồn của người con xa xứ, bồi hồi nhớ về quê hương

18-02-2018 - 15:19 PM | Sống

Tết đến là dịp để mọi người trở về nhà đoàn tụ cùng gia đình nhưng vẫn có những người vì hoàn cảnh mà không thể trở về sum vầy bên người thân…

Sau một năm bận rộn công việc với nhiều lo toan, dự định, Tết là dịp ông bà, con cháu trong gia đình sum vầy. Ngày Tết bởi vậy được coi như là "ngày trở về" với cội nguồn. Bất cứ ai, dù đi đâu, làm gì, ngày Tết cũng chung niềm mong mỏi được về bên những người thân yêu. Vậy những người con đang sống xa Tổ quốc, họ cảm thấy như thế nào?

1. Trương Anh Tú - CHLB Đức: Cảm thấy nợ mẹ một buổi đi chợ, nợ bố một buổi dọn dẹp nhà cửa

Trong khi cô con gái của anh rất hào hứng về việc mình được đón hai cái Tết thì với anh, đứng ngắm chợ Giáng sinh nơi xứ người, anh lại thấy mình nợ một buổi đi chợ Tết cùng mẹ, đỡ trên tay mẹ vài cân gạo nếp, một gói đỗ xanh, một gói miến, những bó rau thơm…; thấy mình nợ bố một buổi dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị quét vôi đón năm mới…

"Với chúng tôi, chẳng cần phải đến Tết mới nhớ Tết, mới chuẩn bị đón Tết. Bất chợt, khi gặp những bông tuyết đầu mùa, hình ảnh quê hương cùng những tháng ngày tuổi thơ - như một cuốn phim quay chậm - đã kịp giăng mắc "trước mắt những người xa xứ"...".

Càng xa nhà, càng thấy tết đáng trân trọng hơn: Những nỗi buồn của người con xa xứ, bồi hồi nhớ về quê hương - Ảnh 1.

"Với chúng tôi, chẳng cần phải đến Tết mới nhớ Tết, mới chuẩn bị đón Tết. Bất chợt, khi gặp những bông tuyết đầu mùa, hình ảnh quê hương cùng những tháng ngày tuổi thơ - như một cuốn phim quay chậm - đã kịp giăng mắc "trước mắt những người xa xứ"...".

2. Nguyễn Thị Tạo, cô dâu người Việt tại Daegu, Hàn Quốc: Càng gần đến Tết càng nhớ nhà nhiều

"Em nhận thấy ngày Tết là ngày mà các cô dâu Việt thường vất vả nhất và cũng nhớ nhà nhiều nhất. Với bản thân em, xa nhà đã lâu và cũng không hay được về nên càng gần ngày Tết thì càng nhớ nhà nhiều. Với người Hàn, họ có phong tục ăn Tết trung thu lớn nên vào dịp Tết âm lịch thì cũng không quá rầm rộ, mọi hoạt động thường chỉ gói gọn trong 3 ngày.

Người con dâu trong gia đình Hàn cũng giống hệt như con dâu trong gia đình Việt – thường phải đảm nhiệm rất nhiều công việc dọn dẹp nhà cửa, bếp núc, nấu cỗ cúng lễ tổ tiên, mời họ hàng đến ăn… Mọi việc lo cho Tết khá giống ở Việt Nam nên cảm giác cũng thấy gần gũi. Tuy nhiên, do người phụ nữ chúng em phải làm nhiều nên cũng không có nhiều thời gian cho bản thân nhưng kiểu gì thì cứ đến giao thừa là nhớ Việt Nam nhiều lắm, là phải gọi điện về thăm hỏi, chúc mừng người thân ở nhà".

Càng xa nhà, càng thấy tết đáng trân trọng hơn: Những nỗi buồn của người con xa xứ, bồi hồi nhớ về quê hương - Ảnh 2.

"Tết là ngày mà các cô dâu Việt thường vất vả nhất và cũng nhớ nhà nhiều nhất".

3. Nguyễn Hương Giang (sinh viên trường Đại học London (UCL): Đây là lần đầu tiên mình cảm nhận được không khí tết sau 3 năm du học

"Trước khi đi du học thì Tết là dịp để gia đình có thể quây quần bên nhau nhưng sau khi sang Anh thì không còn như vậy vì nghỉ Tết của mình là ngày đi học bình thường. Tuy nhiên, hàng năm mình vẫn họp mặt bạn bè Việt Nam để chia sẻ cho nhau miếng bánh chưng, bánh giò mà bạn nào đó may mắn được bố mẹ gửi sang.

Thói quen ngày Tết có lẽ không thể quên dù khó thực hiện hơn. Không khí Tết ở nhà và ở đây khác nhau rất nhiều. Ở Việt Nam, không khí Tết lan tỏa từ nhà ra phố, còn ở đây dù bạn bè cũng cùng nhau trang trí cho có không khí nhưng thực sự không gì bằng không khí của nhà mình. Năm ngoái, Hội sinh viên Việt Nam trường mình đã đặt đồ ăn truyền thống ở một nhà hàng Việt Nam tại London và cùng nhau tổ chức liên hoan. Một số bạn sinh viên nước ngoài cũng đã tham gia và muốn tìm hiểu ngày Tết Việt Nam. Đây là lần đầu tiên mình cảm nhận lại được không khí Tết sau 3 năm du học".

Càng xa nhà, càng thấy tết đáng trân trọng hơn: Những nỗi buồn của người con xa xứ, bồi hồi nhớ về quê hương - Ảnh 3.

"Ở Việt Nam, không khí Tết lan tỏa từ nhà ra phố, còn ở đây dù bạn bè cũng cùng nhau trang trí cho có không khí nhưng thực sự không gì bằng không khí của nhà mình".

4. Đinh Kiều Anh, sinh viên chuyên ngành Quản lí Quốc tế trường Đại học West of England: Cảm xúc đón Tết xa quê là sự đan xen lẫn lộn giữa vui và buồn

"Cảm xúc đón Tết xa quê thực sự lẫn lộn. Vui cũng có mà buồn cũng có. Buồn vì mình phải xa gia đình, không được nghỉ xả láng vì ở bên này vẫn phải đi học. Nhưng nhìn theo góc độ khác thì việc này cũng cho mình trải nghiệm mới mẻ hơn.

Mình thường đón Tết cùng các bạn xa nhà để chia sẻ sự đồng cảm, cùng nhau nấu các món ăn truyền thống và biểu diễn văn nghệ cho nhau nghe. Tết bên này đương nhiên không có cành mai, cành đào như ở nhà. Tất cả mình chỉ biết được qua facebook của bạn bè hoặc bố mẹ gửi ảnh cho mình xem. Lúc gọi điện về nhà mình cũng rơm rớm vì đón Tết bên này không thể giống như ở nhà 100% được".

Càng xa nhà, càng thấy tết đáng trân trọng hơn: Những nỗi buồn của người con xa xứ, bồi hồi nhớ về quê hương - Ảnh 4.

"Lúc gọi điện về nhà mình cũng rơm rớm vì đón Tết bên này không thể giống như ở nhà 100% được".

5. Tạ Minh Vượng (sinh viên trường Ngành Thương mại trường Grenoble Ecole, Pháp): Không đi xa thì không biết mùi sướng khổ

"Tết ở bên Pháp với mình cũng vui nhưng cảm giác cô đơn nhiều hơn. Năm nào không vào đợt thi hay bận công việc thì bọn mình lại tụ tập tổ chức đón Tết với bạn bè, còn nếu bận thì mình cũng chỉ đón Giao thừa bằng skype với gia đình. Nhiều lúc cảm thấy tủi thân vì xa gia đình và không được đón Tết như các bạn ở Việt Nam nhưng những lúc như thế mới biết mình quý những năm Tết còn ở nhà như thế nào, mới thấm câu không đi xa thì không biết mùi sướng khổ".

Càng xa nhà, càng thấy tết đáng trân trọng hơn: Những nỗi buồn của người con xa xứ, bồi hồi nhớ về quê hương - Ảnh 5.

Tạ Minh Vương (trái): "Không đi xa thì không biết mùi sướng khổ".

6. Nguyễn Minh Phương (học viên Cao học tại trường Baruch, bang New York, Mỹ): Nếu có cơ hội, chắc chắn mình sẽ về Việt Nam đón Tết 

"Đã 7 năm rồi mình không được ăn Tết ở nhà. Sắp tới là cái Tết thứ 8. Thực ra, ban đầu mình cũng không cảm thấy nhớ Tết cho lắm vì có lẽ lúc đó mình mới sang. Nhưng xa nhà càng nhiều năm, càng thấy ngày Tết đáng trân trọng và có ý nghĩa hơn rất nhiều. Vì thế, bọn mình tổ chức tết cho sinh viên để phần nào nguôi ngoai nỗi nhớ nhà và gia đình.

Năm nay, bọn mình sẽ tổ chức sự kiện Tết lớn cho sinh viên với đồ ăn Việt Nam, các tiết mục văn nghệ, cuộc thi Miss Thanh niên và các gian hàng trò chơi truyền thống Việt Nam. Mình mong là qua những hoạt động này, mình và các bạn đều được thỏa phần nào nỗi nhớ quê hương và gia đình. Nếu có cơ hội, chắc chắn mình sẽ về Việt Nam đón Tết nhưng đây vẫn là giấc mơ chưa biết bao giờ mới thực hiện được".

Càng xa nhà, càng thấy tết đáng trân trọng hơn: Những nỗi buồn của người con xa xứ, bồi hồi nhớ về quê hương - Ảnh 6.

Nguyễn Minh Phương (bên trái): "Càng xa nhà lâu càng trân trọng Tết".

7. Phan Hà Anh, định cư ở thành phố Lubeck – CHLB Đức: Cứ tới Tết, mình viết thư cho các con như là cách thể hiện tình cảm bằng văn chương

"Cứ tới Tết, mình viết thư cho các con như là cách thể hiện tình cảm bằng văn chương. Mình kể cho các con nghe về ngày Tết ở Việt Nam có những gì, ví dụ như gói bánh chưng, đi chùa, được tiền mừng tuổi, được mặc quần áo đẹp, được đốt pháo… Hai đứa rất hào hứng nghe và hỏi han, nhiệt tình hưởng ứng mẹ làm cỗ ngày Tết".

Theo Hà Anh, việc cô cố giữ gìn những truyền thống ngày Tết khi sống ở nước ngoài, trước hết là cho chính bản thân mình, để khi nhìn thấy mọi người ở Việt Nam vui vẻ, mình cũng không có cảm giác bị lẻ loi, cô độc. Sau đó, mình hướng cho con cái và chồng hiểu thêm về văn hoá Việt Nam…

Càng xa nhà, càng thấy tết đáng trân trọng hơn: Những nỗi buồn của người con xa xứ, bồi hồi nhớ về quê hương - Ảnh 7.

"Cứ tới Tết, mình thường viết thư cho các con về ngày Tết ở Việt Nam".

Theo VŨ ANH SPIDERUM

Helino

Trở lên trên