MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cảnh báo mối nguy khi lạm dụng thuốc ngủ trong đại dịch COVID-19

16-05-2021 - 15:59 PM | Sống

Cảnh báo mối nguy khi lạm dụng thuốc ngủ trong đại dịch COVID-19

Mất ngủ, trầm cảm… là bệnh lý nhiều người mắc phải, nhất là trong đại dịch COVID-19. Để cải thiện giấc ngủ, nhiều người đã tự mua thuốc điều trị cho mình thay vì đi khám và uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Mất ngủ vì đại dịch

Anh Đỗ Văn Thông (Hà Nội) chia sẻ, trước đây anh là một người có nhiều năm làm trong lĩnh vực du lịch cho khách quốc tế. Nhưng hơn 1 năm qua do dịch bệnh COVID-19, anh gần như không có việc làm, chỉ ở nhà đưa con đi học. Công việc ít, thu nhập cũng giảm vì thế chi phí cho sinh hoạt hàng ngày cũng khá khó khăn. Lo lắng, căng thẳng khiến anh khó ngủ và có tự mua thuốc để chữa mất ngủ nhưng không có chuyển biến. Lúc này anh mới vào viện để khám.

Tại đây, các bác sĩ đã đưa ra phương pháp điều trị, chế độ sinh hoạt kết hợp với dùng thuốc, sau một thời gian, anh đã có thể có giấc ngủ ngon vào mỗi tối.

Cảnh báo mối nguy khi lạm dụng thuốc ngủ trong đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Dịch COVID-19 kéo dài khiến nhiều người căng thẳng, mất ngủ.

ThS.BS. Đinh Hữu Uân (Thành viên Hiệp hội Tâm thần Mỹ, nguyên BS. Bệnh viện tâm thần Trung ương I) cho hay, gần đây tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của mọi người. Bên cạnh những ảnh hưởng về kinh tế, tình trạng sức khỏe tâm thần cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Số lượng người phải đến khám vì những bệnh lý tinh thần như lo âu, mất ngủ, trầm cảm cũng tăng. Nguyên nhân của tình trạng này là sự lo lắng căng thẳng về việc làm, thu nhập bị ảnh hưởng trầm trọng bởi dịch COVID-19, nhất là những người làm trong lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ…

Có thể nghiện thuốc ngủ nếu lạm dụng

DS. Trần Hồng Linh (Trường đại học Dược Hà Nội) cho hay, có rất nhiều thuốc để ứng phó với tình trạng này. Ví dụ: Dẫn xuất benzodiazepin (triazolam, estazolam, temazepam, quazepam, flurazepam); dẫn xuất barbiturat (amobarbital, pentobarbital, secobarbital…); thuốc chống trầm cảm (doxepin, trazodon, mitazapin, amytriptylin, imipramin…), thuốc chống loạn thần (quetiapin, olanzapin, risperidon), thuốc kháng histamin H1 (diphenhydramin, doxylamin…), suvorexant, melatonin…

Với cơ chế tác dụng thông qua các chất dẫn truyền thần kinh điều hòa giấc ngủ, thuốc sẽ có tác dụng tạo cảm giác buồn ngủ và duy trì giấc ngủ, điều trị các triệu chứng mất ngủ. Lưu ý rằng do tác dụng ức chế thần kinh trung ương nên các thuốc điều trị mất ngủ cũng có thể gây ra những tác dụng phụ bất lợi như: Buồn ngủ vào ban ngày, giảm tỉnh táo, khó tập trung, giảm khả năng phán đoán và phối hợp động tác, cản trở các kỹ năng vận động, đặc biệt ở người cao tuổi.

Các dẫn xuất benzodiazepin còn có thể gây lú lẫn, giảm trí nhớ, nhìn mờ, ảo giác, tăng động, hạ huyết áp, táo bón… Các thuốc chống trầm cảm, kháng histamin H1 có thể gây khô miệng, bí tiểu, hạ huyết áp thế đứng, ảnh hưởng đến nhịp tim… Các thuốc chống loạn thần còn có thể gây tác dụng bất lợi nghiêm trọng như hội chứng chuyển hóa và hội chứng ngoại tháp…

Đặc biệt, các thuốc an thần ngủ dẫn xuất benzodiazepin và barbiturat còn có nguy cơ gây nhờn thuốc, lệ thuộc thuốc, nghiện thuốc nếu dùng kéo dài. Khi dừng thuốc đột ngột sẽ dẫn đến hội chứng cai thuốc với các biểu hiện lo lắng, mất ngủ, rối loạn tiêu hóa, đau đầu, run cơ… thậm chí là biến dạng tri giác, ảo tưởng và co giật.

Có nên điều trị mất ngủ bằng thuốc?

Để dễ dàng đi vào giấc ngủ, nhiều người đã tìm đến thuốc ngủ như một giải pháp đặc hiệu. Nguy hiểm là nhiều người bệnh đã tự mua thuốc mà không cần bác sĩ kê đơn.

ThS.BS. Đinh Hữu Uân cho hay, có có tới 50% những người tự mua thuốc ngủ gặp phải tác dụng phụ, như buồn ngủ vào ban ngày, lú lẫn hoặc hay quên vào sáng hôm sau, làm lu mờ những triệu chứng của bệnh rối nhiễu tâm trí nào đó... Ngoài ra, rất nhiều bệnh nhân khi tự điều trị cũng không có hiệu quả. Nguyên nhân là do dùng thuốc không đúng bệnh, dùng không đúng liều lượng và thời điểm… Bởi mỗi loại thuốc, mỗi bệnh nhân lại có phương pháp điều trị khác nhau. Việc uống thuốc gì, thời gian dùng thuốc bao lâu, cách giảm dần thuốc như thế nào để không gây mất ngủ trở lại thì cần có ý kiến và chỉ định của bác sĩ.

Cảnh báo mối nguy khi lạm dụng thuốc ngủ trong đại dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Thuốc ngủ chỉ có tác dụng tạm thời.

ThS.BS. Đinh Hữu Uân nhấn mạnh, thuốc ngủ chỉ có tác dụng tạm thời chứ không chữa được bệnh mất ngủ. Việc xác định nguyên nhân mất ngủ rất quan trọng trong điều trị. Vì vậy, cần thăm khám tại các cơ sở uy tín để được chẩn đoán và xác định đúng nguyên nhân gây bệnh thì mới có thể giải quyết triệt để được mất ngủ.

ThS. BS. Đinh Hữu Uân (Thành viên Hiệp hội Tâm thần Mỹ, nguyên BS. Bệnh viện tâm thần Trung ương I):

Mất ngủ là tình trạng người bệnh khó đi vào giấc ngủ, hay bị tỉnh giấc giữa đêm và khó ngủ trở lại, thời gian ngủ không đủ 6 tiếng. Mất ngủ là một triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau, như lo âu, trầm cảm, rối loạn stress, phụ nữ tiền mãn kinh… Triệu chứng mất ngủ có khi chỉ xuất hiện đơn độc (trong mất ngủ tiên phát) nhưng cũng có khi kết hợp với nhiều triệu chứng khác như bồn chồn, bốc hỏa, đau đầu, lo lắng, đa nghi…

Hệ lụy của mất ngủ là ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và thể chất. Việc ngủ không đủ giấc làm tăng nguy cơ mắc bệnh khi tiếp xúc với virus và làm chậm quá trình phục hồi cơ thể, thiếu năng lượng, giảm tập trung trong ngày hôm sau, bệnh tim mạch, rối loạn tâm sinh lý...

Nếu không được cải thiện sớm và triệt để sẽ dẫn đến mất ngủ mạn tính. Mất ngủ kéo dài có thể làm não teo, tăng nguy cơ đột quỵ, rối loạn tâm lý, cảm xúc, dễ béo phì, da xấu đi nhanh chóng, đe dọa hệ tim mạch, suy giảm sinh lý, nguy cơ bệnh ung thư…

TS.BS. Trịnh Thị Bích Huyền (Chuyên gia tâm thần học):

Trong thời gian đại dịch COVID-19, để tránh tình trạng lo lắng căng thẳng dẫn đến tình trạng mất ngủ, chúng ta cần phải xác định đây là giai đoạn khó khăn, và có thể còn kéo dài. Hệ lụy của đại dịch COVID-19 sẽ khiến cho kinh tế sẽ bị ảnh hưởng, công việc lẫn sinh hoạt trong gia đình sẽ xáo trộn. Vì thế cần xác định chung sống an toàn với dịch bệnh: Học tập, làm việc, vui chơi, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe an toàn.

Nên có kế hoạch để cải thiện giấc ngủ: Thiết lập thói quen ngủ đúng giờ, đủ giấc; thư giãn trước khi ngủ; tránh ngủ nhiều ban ngày; tập thể dục thường xuyên; tránh những kích thích làm khó ngủ; sử dụng các bài thuốc dân gian như tâm sen, lạc tiên… Mỗi người cần chủ động phòng chống dịch, hạn chế lây nhiễm theo đúng hướng dẫn của Chính phủ, đồng thời cần có những kế hoạch cho công việc của mình một cách hợp lý.

Theo Nguyễn Hạnh

SKĐS

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên