Cảnh báo mới từ khủng hoảng nước
Một báo cáo mới đã cảnh báo cuộc khủng hoảng nước có thể đe dọa đến an ninh lương thực, khiến GDP toàn cầu sụt giảm
- 17-10-2024Hàn Quốc lo ngại "khủng hoảng kim chi" vì thiếu bắp cải
- 17-10-2024Thị trường tài chính có thể tránh được những cú sốc giá dầu ngay cả khi Trung Đông rơi vào khủng hoảng?
- 14-10-2024Khủng hoảng ngành bảo hiểm tại Mỹ: Đại lý không thể thanh toán theo hợp đồng, khách hàng bức xúc vì quyền lợi ít nhưng phí tăng gấp 3
Cuộc khủng hoảng nước có thể đe dọa đến hơn một nửa sản lượng lương thực thế giới vào năm 2050, trừ khi các hành động khẩn cấp được thực hiện để bảo tồn nguồn nước và chấm dứt sự hủy hoại các hệ sinh thái mà nguồn nước ngọt của chúng ta phụ thuộc. Đó là cảnh báo được đưa ra trong báo cáo mới được Ủy ban Toàn cầu về kinh tế nước (GCEW) công bố ngày 17-10.
Theo báo cáo của GCEW, việc hủy hoại đất và quản lý tài nguyên nước không hiệu quả, kết hợp với cuộc khủng hoảng khí hậu ngày một tồi tệ, đã khiến chu trình nước đối mặt sức ép chưa từng có. Một nửa dân số thế giới hiện đối mặt tình trạng khan hiếm nước và con số này dự kiến sẽ tăng lên khi cuộc khủng hoảng khí hậu trở nên tồi tệ hơn.
Các khu vực có mật độ dân số cao, như Tây Bắc Ấn Độ, Đông Bắc Trung Quốc, Nam và Đông Âu đặc biệt dễ bị tổn thương trước tình trạng thiếu nước. Ngoài ra, các khu vực phụ thuộc vào mức độ tưới tiêu cao cũng bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm khả năng trữ nước.
Theo thống kê, gần 3 tỉ người và hơn một nửa sản lượng lương thực của thế giới hiện ở những khu vực mà tổng lượng nước dự trữ được dự báo sẽ giảm. GCEW cảnh báo nếu cuộc khủng hoảng nước không được giải quyết, không chỉ an ninh lương thực bị đe dọa mà GDP toàn cầu cũng có thể giảm 8% vào năm 2050.
Theo trang The Guardian, GCEW được thành lập bởi Hà Lan vào năm 2022, thu hút sự tham gia của hàng chục nhà khoa học và kinh tế hàng đầu.
Công việc của họ nhằm mang đến cái nhìn toàn diện về tình trạng của các hệ thống thủy văn toàn cầu và cách chúng được quản lý. Báo cáo dài 194 trang nói trên của GCEW là nghiên cứu toàn cầu lớn nhất nhằm xem xét tất cả khía cạnh của cuộc khủng hoảng nước và đề xuất giải pháp cho các nhà hoạch định chính sách.
Theo báo cáo, các tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu trước tiên được cảm nhận trên các hệ thống thủy văn của thế giới. Tại một số khu vực, những hệ thống này đang phải đối mặt tình trạng gián đoạn nghiêm trọng, thậm chí sụp đổ.
Hạn hán ở Amazon, lũ lụt ở châu Âu và châu Á, sự tan chảy của các sông băng trên núi là những ví dụ về tác động của thời tiết cực đoan có khả năng trở nên tồi tệ hơn trong tương lai gần. Việc con người lạm dụng nước cũng đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu.
Vì thế, GCEW kêu gọi đầu tư vào hạ tầng quan trọng, cũng như loại bỏ các khoản trợ cấp bị xem là có hại trong các lĩnh vực sử dụng nước nhiều hoặc điều chỉnh chúng hướng tới các giải pháp tiết kiệm nước, cũng như hỗ trợ người nghèo và các nhóm dễ bị tổn thương.
Theo báo cáo của GCEW, hơn 700 tỉ USD trợ cấp mỗi năm được chi cho nông nghiệp, phần lớn được phân bổ không đúng cách, khuyến khích nông dân sử dụng nhiều nước hơn mức cần thiết cho tưới tiêu hoặc các hoạt động khác.
Tổng thống Singapore Tharman Shanmugaratnam, đồng chủ tịch GCEW, nhấn mạnh các quốc gia phải bắt đầu hợp tác về quản lý tài nguyên nước trước khi quá muộn.
Trong đó, tập trung vào những vấn đề như bảo tồn nguồn nước ngọt, sử dụng nước hiệu quả hơn, bảo đảm nước ngọt có sẵn cho mọi cộng đồng… Ông Shanmugaratnam nhấn mạnh cần phải xem khủng hoảng nước như một vấn đề toàn cầu, từ đó có sự đổi mới và đầu tư nhằm tìm giải pháp.
"Cuối cùng, sẽ cần tới một hiệp ước nước toàn cầu. Sẽ mất vài năm để đạt được điều đó nhưng chúng ta sẽ bắt đầu quá trình này" - ông Shanmugaratnam cho biết.
Dù vậy, một số chuyên gia lo ngại tình trạng khan hiếm nước ngày một nghiêm trọng có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng địa chính trị, dẫn đến việc giảm hợp tác giữa các quốc gia.
Người Lao động