MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cảnh báo nóng: Không dùng sim rác để tránh rủi ro pháp lý

20-05-2023 - 11:30 AM | Kinh tế số

Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị người dùng di động không mua, không sử dụng SIM rác để tránh rủi ro pháp lý có thể gặp phải trong quá trình sử dụng đồng thời thực hiện hóa thông tin thuê bao nếu chưa chính xác.

Sáng nay (19/5), Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị trực tuyến chỉ đạo, quán triệt triển khai thanh tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về quản lý thông tin thuê bao dịch vụ viễn thông di động mặt đất.

Thành lập 82 đoàn thanh tra “sim rác” trên toàn quốc

Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành kế hoạch triển khai thanh tra diện rộng trên toàn quốc việc chấp hành pháp luật về quản lý thông tin thuê bao đối với các Chi nhánh của doanh nghiệp viễn thông, Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, các tổ chức/cá nhân đăng ký số lượng lớn sim.

Theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay trên toàn quốc có 82 Đoàn thanh tra với tổng số 445 cán bộ đang triển khai thanh tra đồng loạt trên cả nước. Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai 8 Đoàn, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh triển khai 74 Đoàn.

Cảnh báo nóng: Không dùng sim rác để tránh rủi ro pháp lý - Ảnh 1.

Hội nghị trực tuyến chỉ đạo, quán triệt triển khai thanh tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về quản lý thông tin thuê bao dịch vụ viễn thông di động mặt đất sáng nay (19/5).

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, mục tiêu của đợt thanh tra diện rộng lần này tập trung vào việc xử lý nghiêm tình trạng lợi dụng, sử dụng thông tin của người khác để đăng ký sim thuê bao, tình trạng cố tình đăng ký nhiều sim thuê bao để lưu thông ra thị trường nhưng không thực hiện chuyển quyền sử dụng.

Đối tượng thanh tra trọng tâm là các tổ chức, cá nhân đăng ký nhiều sim thuê bao, các Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông sử dụng trái phép thông tin của tổ chức/cá nhân hoặc sử dụng thông tin của mình để đăng ký, kích hoạt trước nhiều sim để lưu thông ra thị trường.

Thứ trưởng Phạm Đức Long yêu cầu các đoàn thanh tra cần tập trung làm rõ những tồn tại, sai phạm về quản lý thông tin thuê bao phát sinh trong quá trình đăng ký, quản lý thông tin thuê bao.

Đặc biệt, xử lý dứt điểm tình trạng lợi dụng, sử dụng trái phép thông tin của người khác để đăng ký, kích hoạt sẵn sim hàng loạt, kích hoạt nhiều sim và bán, lưu thông ra thị trường, mua, sử dụng sim đã đăng ký thông tin của người khác không đúng quy định, không thực hiện thay đổi lại thông tin khi chuyển quyền sử dụng theo quy định, giả mạo, sửa đổi giấy tờ tùy thân để đăng ký thông tin thuê bao.

Ngoài ra các đối tượng đăng ký, kích hoạt sim số lượng lớn nhưng không chứng minh được mục đích sử dụng cũng sẽ bị sờ gáy.

Chánh Thanh tra Bộ cũng đề nghị người sử dụng dịch vụ viễn thông nghiêm túc chấp hành pháp luật về quản lý thông tin thuê bao, chủ động đến các Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông để đăng ký thông tin thuê bao của chính mình, không mua sim đã đăng ký thông tin, kích hoạt sẵn, không sử dụng sim đăng ký bằng thông tin của tổ chức/cá nhân khác để tránh các rủi ro pháp lý khi sử dụng các sim không chính chủ.

Những rủi ro gặp phải khi dùng sim rác

Theo Đại diện nhà mạng Viettel, số điện thoại gắn với rất nhiều tài khoản khác chứa các thông tin cá nhân, nhạy cảm, quan trọng của khách hàng như tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, bảo hiểm.

Cảnh báo nóng: Không dùng sim rác để tránh rủi ro pháp lý - Ảnh 2.

Việc sử dụng sim không chính chủ sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro về pháp lý.

Trường hợp số điện thoại thông tin không chính xác dẫn đến nguy cơ khách hàng bị mất các tài khoản này. Thuê bao sai thông tin cũng sẽ gặp khó khăn trong việc làm tài khoản cấp mã định danh công dân, cấp hộ chiếu, thị thực nếu thông tin thuê bao không trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đại diện Viettel khuyên người dùng phải chuẩn hóa thông tin cá nhân để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, hạn chế tình trạng tranh chấp số, đặc biệt với những sim số đẹp, góp phần loại bỏ sim rác, hạn chế tình trạng tin nhắn rác/cuộc gọi rác, tin nhắn/cuộc gọi lừa đảo.

Đại diện nhà mạng VinaPhone cũng chia sẻ, thực tế có những trường hợp dùng sim không chính chủ, khi bị mất sim, không thể báo khóa thuê bao cũng như khôi phục, thậm chí còn bị người khác sử dụng với mục đích xấu.

Ngoài ra, việc dùng số thuê bao không chính chủ có thể ảnh hưởng đến quá trình sử dụng các dịch vụ hành chính công, nhất là các dịch vụ yêu cầu thông tin của số điện thoại khai báo phải chính xác và có các thông báo/xác nhận qua số điện thoại di động.

Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, việc chuẩn hóa thông tin thuê bao cũng sẽ góp phần giảm đáng kể tình trạng cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo nhức nhối thời gian qua.

Theo Nguyễn Hoài

Tiền Phong

Trở lên trên