Cảnh báo sự hồi sinh của virus "thây ma" 48.500 năm trong băng vĩnh cửu ở Bắc Cực
Các nhà khoa học cảnh báo, virus "thây ma" đã trải qua 48.500 năm bị đóng băng trong lòng đất có thể thức tỉnh trở lại khi lớp băng vĩnh cửu tan chảy do biến đổi khí hậu.
- 15-12-2022Vào chung kết, tuyển Pháp đối diện nỗi lo từ... virus
- 04-12-2022Các nhà khoa học "đánh thức" 13 loại virus thời tiền sử từ lớp băng vĩnh cửu ở Siberia
- 29-11-2022Giới khoa học lo ngại khi virus cổ đại 'hồi sinh' sau gần 50.000 năm chôn vùi dưới băng vĩnh cửu
Nhiệt độ ấm hơn đáng kể ở Bắc Cực đã làm tan lớp băng vĩnh cửu ở Bắc Cực, lớp băng vĩnh viễn bên dưới bề mặt Trái đất.
Các nhà nghiên cứu hiện đang cố gắng đánh giá mức độ rủi ro mà vi khuẩn và virus "ngủ đông" bên trong băng có thể gây ra cho con người, và họ đang cẩn thận hồi sinh một số virus trong quá trình này.
"May mắn thay, chúng ta có thể hy vọng rằng dịch bệnh gây ra bởi một loại vi khuẩn gây bệnh thời tiền sử được hồi sinh có thể nhanh chóng được kiểm soát bằng các loại thuốc kháng sinh hiện đại mà chúng ta sử dụng, mặc dù vi khuẩn mang gen kháng kháng sinh dường như phổ biến một cách đáng ngạc nhiên ở vùng đất đóng băng vĩnh cửu", các tác giả của một nghiên cứu được công bố vào tháng 2 trên tạp chí Viruses viết.
Nghiên cứu cảnh báo, "tình hình sẽ còn thảm khốc hơn nhiều trong trường hợp các bệnh ảnh hưởng tới thực vật, động vật hoặc con người có nguồn gốc từ virus cổ xưa chưa được biết đến" hồi sinh mà chưa có phương pháp điều trị cụ thể hoặc vaccine ngay lập tức.
Sự tan chảy của lớp băng vĩnh cửu ở Siberia có liên quan đến sự bùng phát bệnh than ở tuần lộc, vì mùa hè nóng đặc biệt ở đó đã khiến những bào tử bệnh than cổ đại tái xuất hiện từ các khu chôn cất động vật.
Pithovirus sibericum được phóng đại bằng máy tính được phân lập từ một mẫu băng vĩnh cửu 30.000 năm tuổi vào năm 2014. (Ảnh: CNRS-AMU)
Trong nghiên cứu mới nhất này, nhà nghiên cứu người Pháp Jean-Michel Claverie và nhóm của ông đã báo cáo rằng họ đã thành công trong việc phân lập và hồi sinh một số loại virus cổ đại từ lớp băng vĩnh cửu, bao gồm một chủng virus khổng lồ (Pithovirus) được tìm thấy trong một mẫu băng vĩnh cửu 27.000 năm tuổi chứa rất nhiều lông voi ma mút.
Hầu hết các virus phân lập thuộc họ Pandoraviridae, một họ virus DNA sợi kép lây nhiễm amip, những sinh vật rất nhỏ, đơn giản chỉ gồm một tế bào.
Các tác giả viết: "Nghiên cứu này xác nhận khả năng lây nhiễm của các virus DNA lớn lây nhiễm Acanthamoeba sau hơn 48.500 năm tồn tại trong lớp băng vĩnh cửu sâu".
Để đảm bảo an toàn, Claverie và cộng sự đã tập trung vào việc hồi sinh các loại virus thời tiền sử nhắm vào amip đơn bào, thay vì động vật hoặc con người.
Các nhà khoa học khác ở Nga hiện đang săn lùng virus tiền sử trực tiếp từ xác voi ma mút, tê giác lông cừu hoặc ngựa thời tiền sử được bảo quản trong băng vĩnh cửu.
Họ cảnh báo rằng có khả năng các loại virus chưa được biết đến sẽ được giải phóng khi băng vĩnh cửu tan chảy.
Họ cho biết: "Những virus này có thể duy trì khả năng lây nhiễm trong bao lâu sau khi tiếp xúc với các điều kiện ngoài trời (ánh sáng tia cực tím, oxy, nhiệt) và khả năng chúng gặp và lây nhiễm một vật chủ phù hợp trong khoảng thời gian đó là không thể ước tính được.
Tuy nhiên, rủi ro chắc chắn sẽ tăng lên trong bối cảnh Trái đất nóng lên, trong đó quá trình tan băng vĩnh cửu sẽ tiếp tục tăng tốc và nhiều người sẽ sinh sống ở Bắc Cực hơn".
VTV