Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo qua hình thức xem video, đọc báo soát lỗi chính tả
Đọc báo soát lỗi chính tả, xem video, điểm danh hàng ngày hoặc viết review sản phẩm… được quảng cáo là những công việc nhàn hạ, mang lại nguồn thu nhập ổn định hàng tháng, thế nhưng thực tế thì sao?
- 02-09-20209 người ‘sập’ bẫy lừa đảo 72 tỷ đồng của một phụ nữ
- 30-06-2020Vợ Giám đốc Sở Tư pháp lừa đảo: 'Dựng' cả người chết dậy điểm chỉ
- 20-06-2020Cảnh báo lừa đảo bán vé máy bay từ Hàn Quốc về Việt Nam
Trong một lần nói chuyện với người bạn cùng quê lâu không gặp, N.Kiều (Phú Bình - Thái Nguyên) được giới thiệu về công việc xem video và đọc báo soát lỗi chính tả với thu nhập khá cao. Chỉ cần online khoảng 2 tiếng mỗi ngày sẽ có thể nhận về hàng chục triệu đồng hàng tháng.
Những bài tuyển dụng đầy hấp dẫn.
Để bắt đầu làm việc, Kiều được yêu cầu đóng khoản tiền 250 nghìn đồng để mua một khóa học hướng dẫn các bước cụ thể. Sau đó, người quản lý nhóm cung cấp cho Kiều đường link truy cập kèm theo một mã mời, dựa vào mã này để giới thiệu cho người khác và nhận về hoa hồng. Thấy công việc nhàn hạ, không yêu cầu kỹ năng, bằng cấp, lại mang đến nguồn thu nhập gấp đôi mức lương công nhân hiện tại, không cần suy nghĩ quá lâu, Kiều nhanh chóng đồng ý tham gia.
Sau hơn 10 ngày làm thử, Kiều mời được 20 người, chủ yếu là đồng nghiệp trong công xưởng và cùng khu nhà trọ. Với việc tranh thủ 2 tiếng vào buổi tối để xem video và đọc báo, tài khoản trên website của Kiều ghi có số xu tương ứng có thể quy đổi được 1,7 triệu đồng.
Người tham gia phải đóng tiền để được hướng dẫn hoặc kích hoạt tài khoản. |
Sau khi đổi 50 nghìn bằng mệnh giá thẻ cào điện thoại, Kiều tiếp tục gửi yêu cầu rút 1,5 triệu đồng về tài khoản ngân hàng và được thông báo thời gian chờ 8 ngày. Tuy nhiên, mới chỉ đến ngày thứ 3, website này đã không thể truy cập được và toàn bộ nhóm Zalo làm việc bị xóa.
Những người được Kiều giới thiệu cũng chia sẻ công việc cho khá nhiều bạn bè nhưng không có ai kịp nhận được đồng hoa hồng nào, kể cả thẻ cào điện thoại.
Trước đó không lâu, Phương, em gái Kiều là sinh viên năm 3 của một trường đại học ở Thái Nguyên cũng bị lừa với phương thức tương tự. Chỉ khác là công việc yêu cầu review các địa điểm du lịch hoặc quán ăn dù Phương chưa một lần đặt chân tới và phải đóng 500 nghìn để kích hoạt tài khoản trước khi tham gia.
Biến tướng lừa đảo đa cấp. |
Trên thực tế, hình thức xem video và đọc báo kiếm tiền hay viết review đã xuất hiện từ khá lâu. Có không ít ứng dụng và nền tảng khai thác khía cạnh kiếm tiền online (hay còn gọi là MMO) này. Trải qua thời gian, hình thức này dần bị biến tướng và trở thành thủ đoạn lừa đảo đa cấp của những kẻ trục lợi.
Ngoài khoản lợi nhuận và hoa hồng ban đầu có thể nhận được, hầu hết những người tham gia sau trong hệ thống đều trở thành nạn nhân. Trường hợp của chị em Kiều, Phương chỉ là một trong số rất nhiều người bị "sập bẫy" mà không biết kêu ai. Họ đành chấp nhận vì số tiền bị lừa không phải quá lớn, chủ yếu là công sức bỏ ra và uy tín với người thân, bạn bè khi lỡ giới thiệu công việc.
Đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho nhóm các bạn trẻ, sinh viên, "mẹ bỉm sữa", hay những người có nhu cầu về một công việc thụ động hoặc việc tay trái trong thời điểm rảnh rỗi.
ICT News