"Canh chừng" lạm phát
Chính sách kiểm soát lạm phát nên tiếp tục phối hợp đồng bộ, hiệu quả hơn, tính toán mức tăng tối ưu giá của các mặt hàng do Nhà nước quản lý góp phần giảm áp lực lạm phát, vừa tạo dư địa tăng cung tiền hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
- 06-03-2023Đề xuất bổ sung nhiều quy định mới về hoạt động của TCTD
- 06-03-2023Ngân hàng "kén" tài sản đảm bảo, doanh nghiệp nhỏ làm thế nào để tiếp cận vốn giá rẻ?
- 06-03-2023Nghị định 08 có phải là lời giải cho trái phiếu bất động sản?
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê ngày 28/2, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 0,45% so với tháng trước, tăng 0,97% và tăng 4,31% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân hai tháng đầu năm 2023, CPI tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022. Đóng góp chính cho mức tăng 0,45% của CPI tháng 2 là từ nhóm giao thông có mức tăng cao nhất, tăng 2,11% chủ yếu do giá xăng, dầu tăng 5,66% (làm CPI chung tăng 0,2 điểm phần trăm) do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu vào ngày 13/02/2023 và 21/02/2023.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 2 tăng 0,25% so với tháng trước, tăng 4,96% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy tốc độ tăng lạm phát cơ bản đã chậm hơn so với tháng đầu năm.
Báo cáo kinh tế vĩ mô của Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV vừa công bố cũng đưa ra nhận định: Lạm phát cơ bản tháng 2/2023 tăng 0,25% so với tháng trước và tăng 5,08% so với cùng kỳ, thấp hơn mức lạm phát cơ bản tháng 1/2023 (5,21%) song cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 4,6%) và là mức lạm phát cơ bản cao nhất so với cùng kỳ trong vòng 7 năm, cho thấy lạm phát do nhập khẩu (trừ năng lượng và thực phẩm) và cung tiền còn cao. Lạm phát của Việt Nam dự báo sẽ đạt đỉnh cuối quý I/2023 sau đó có thể giảm nhiệt do có các yếu tố hỗ trợ kiềm chế lạm phát (giá hàng hóa thế giới kỳ vọng hạ nhiệt, vị thế chủ động trong cung ứng hàng hóa thiết yếu, tỷ giá và lãi suất tương đối ổn định…). Tuy nhiên, áp lực lạm phát vẫn còn rất lớn, chủ yếu do giá dầu thế giới được dự báo sẽ tiếp tục đứng ở mức cao khi Trung Quốc mở cửa trở lại, trong khi trong nước còn do lộ trình tăng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, đặc biệt là giá điện.
Do đó, Nhóm nghiên cứu kiến nghị: chính sách kiểm soát lạm phát nên tiếp tục phối hợp đồng bộ, hiệu quả hơn, tính toán mức tăng tối ưu giá của các mặt hàng do Nhà nước quản lý góp phần giảm áp lực lạm phát, vừa tạo dư địa tăng cung tiền hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Tuần qua thị trường chứng kiến hàng loạt ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Lãi suất cho vay cũng giảm 1-2% khi nhiều TCTD tung ra các gói tín dụng ưu đãi; có ngân hàng áp dụng mức lãi suất cho vay thấp hơn đến 2% so với cho vay thông thường. Cũng trong tuần qua, hàng loạt hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp được tổ chức khắp các tỉnh thành trên cả nước, các doanh nghiệp kỳ vọng những gì họ kiến nghị đã và sẽ tiếp tục được tháo gỡ, đặc biệt là nhiều doanh nghiệp kỳ vọng mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục giảm.
Tuy nhiên, xét trên nhiều yếu tố có thể thấy thiếu những cơ sở vững chắc để mặt bằng lãi suất giảm nhanh mà không gây áp lực lên kiểm soát lạm phát trong mục tiêu 4,5%. Đơn cử, lương cơ bản tăng từ tháng 7 tới đây sẽ tác động đến giá cả hàng tiêu dùng; Fed vẫn chưa ngừng tăng lãi suất; hay cuộc chiến giữa Nga- Ukraine leo thang khiến địa chính trị thế giới ngày càng bất định, giá dầu thế giới duy trì ở mức cao… Chưa kể, khi lãi suất giảm, cầu tín dụng sẽ tăng mạnh, trong khi các tổ chức tài chính quốc tế đã nhiều lần cảnh báo tăng trưởng tín dụng quá cao so với mức tăng của GDP sẽ dẫn đến nhiều rủi ro, hệ lụy.
Theo báo cáo cập nhật của các chuyên gia Standard Chartered, CPI bình quân cả năm nay có thể ở mức 5,5%, tức vượt mục tiêu trong khoảng 4,5% đặt ra. Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Standard Chartered nhận định: Các thành tố có thể khiến lạm phát năm nay cao hơn đến từ giá lương thực thực phẩm, dịch vụ giáo dục, lạm phát nhập khẩu, tiêu dùng trong nước phục hồi... Do đó, kiểm soát lạm phát nên là một trong những ưu tiên chính sách...
Thời báo ngân hàng