Cảnh giác thủ đoạn giả danh CSGT báo phạt nguội
Do không nắm rõ quy trình xử lý của lực lượng chức năng, thời gian qua, nhiều người dân bị một số đối tượng lừa đảo, giả danh CSGT thông báo kết quả phạt nguội.
- 07-09-2024Bộ Công an thông tin về tình trạng lừa đảo có tổ chức qua Zalo, Facebook
- 06-09-2024Ổ cờ bạc trực tuyến 250 tỷ bị công an đánh sập, nhiều xe sang bị tạm giữ
- 05-09-2024Công an đang quyết liệt đấu tranh với đối tượng "sử dụng hội nhóm trên mạng kêu gọi, hô hào đầu tư một nhóm mã cổ phiếu để thao túng giá"
Bất thường nội dung tin nhắn
Một ngày cuối tháng 8/2024, anh L.H.P (SN 1995, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bất ngờ nhận được tin nhắn qua điện thoại với nội dung rất dài. Người nhắn tin tự nhận là cán bộ Đội CSGT thuộc Phòng CSGT Công an TP Hà Nội.
Nội dung tin nhắn thông báo về việc lực lượng chức năng ghi nhận anh P điều khiển xe gắn máy có hành vi lạng lách, đánh võng; nêu rõ số tiền xử phạt là từ 6-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 2-4 tháng.
Người nhắn tin còn trích dẫn các điều, khoản trong Nghị định 100/2019 để làm căn cứ, đồng thời "đề nghị chủ xe cầm theo giấy tờ xe, đăng ký xe, căn cước công dân lên Đội CSGT để xử phạt theo quy định của pháp luật".
Đáng chú ý, nội dung cuối cùng của tin nhắn còn có lời răn đe: "Nếu có hành vi chống đối lực lượng CSGT thi hành công vụ có thể bị xử phạt lên tới 7 năm tù…".
Thấy có sự bất thường, anh P đến tận Phòng CSGT Công an Hà Nội để hỏi và được cán bộ tại đây giải thích: "Tin nhắn nêu trên hoàn toàn là giả mạo, do đối tượng lừa đảo gửi đến số điện thoại của người dân nhằm chiếm đoạt tài sản".
Chiêu thức tinh vi
Công an TP Hà Nội cho biết, thời gian gần đây xuất hiện thủ đoạn lừa đảo như các đối tượng liên hệ qua điện thoại, tin nhắn tự xưng là CSGT thông báo yêu cầu nộp phạt nguội.
Thủ đoạn chung của các đối tượng này là tự xưng CSGT thông báo hành vi vi phạm giao thông. Tuy nhiên, do đã quá thời hạn xử lý, đề nghị người vi phạm cung cấp số biên bản.
Nếu người vi phạm chưa nhận được biên bản, các đối tượng giả danh này yêu cầu người vi phạm cung cấp một loạt thông tin như: tên, tuổi, địa chỉ, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, số hộ chiếu, số tài khoản ngân hàng… để lực lượng chức năng cung cấp số biên bản, hành vi vi phạm, hình thức xử lý, số tiền xử phạt.
Sau đó, kẻ gian yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng. Những người có tâm lý nhẹ dạ, không cảnh giác sẽ trở thành "con mồi" cho kẻ chiếm đoạt tài sản.
Hồi đầu tháng 4/2024, một tài xế ở tỉnh Hà Nam cũng gặp tình huống tương tự. Cá biệt, người này nhận được cả cuộc gọi lẫn tin nhắn điện thoại từ số lạ. Khi trò chuyện, phía gọi điện tự nhận mình là cán bộ CSGT công an tỉnh, thông báo yêu cầu nạn nhân nộp phạt nguội do điều khiển xe ô tô vi phạm luật giao thông.
Khi gọi điện thoại, kẻ gian yêu cầu người nghe chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp, hoặc cung cấp mã OTP nhằm chuyển tiền vào tài khoản lạ để "xác minh, điều tra, xử lý phạt nguội".
Cách nào nhận biết thật - giả?
Theo một cán bộ chuyên trách xử lý vi phạm hành chính thuộc Phòng CSGT Công an Hà Nội, Thông tư số 32/2023 của Bộ Công an quy định, với các trường hợp vi phạm bị phạt nguội, CSGT đều gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện hoặc người liên quan đến trụ sở cơ quan công an (nơi xảy ra vi phạm) để làm việc.
Trường hợp chủ xe hoặc người liên quan gặp khó khăn về khoảng cách địa lý, hoặc không có điều kiện trực tiếp đến trụ sở, họ có thể đến công an cấp huyện, cấp xã nơi cư trú, đóng trụ sở để giải quyết vụ việc vi phạm hành chính đó.
"Để phân biệt giấy thông báo nào do cơ quan công an gửi, người vi phạm có thể quan sát con dấu kèm chữ ký trên giấy. Ngoài ra, các giấy thông báo này đều có số điện thoại của cơ quan nơi ban hành giấy để người dân kiểm tra, đối chiếu", vị cán bộ này hướng dẫn.
Theo quy trình phạt nguội, đầu tiên cơ quan công an hoặc đơn vị CSGT sẽ gửi giấy thông báo qua đường bưu điện lần thứ nhất. Sau 20 ngày nếu chủ xe hay người liên quan không đến làm việc, hoặc địa chỉ thường trú của chủ xe/người liên quan đã thay đổi, cơ quan chức năng sẽ gửi giấy lần thứ 2.
Việc gửi lần thứ 2 này sẽ được thực hiện thông qua công an địa phương nơi chủ xe/người liên quan đó đăng ký thường trú. Trường hợp địa chỉ có sự thay đổi, nhà chức trách sẽ tra cứu dữ liệu.
CSGT khuyến cáo, để tránh việc bị kẻ xấu lừa đảo, thông báo vi phạm sẽ được gửi bằng văn bản giấy hoặc bằng phương thức điện tử (khi đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin). Đồng thời đăng trên Trang thông tin điện tử của Cục CSGT để người dân chủ động tra cứu.
Đáng chú ý, Công an Hà Nội khẳng định, khi có yêu cầu xử lý vi phạm giao thông, các đơn vị CSGT không nhắn tin, không gọi điện thoại yêu cầu người vi phạm cung cấp thông tin cá nhân, không yêu cầu họ chuyển tiền để nộp phạt trực tuyến.
VTV