MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cảnh giác “việc làm ma” lừa đảo, tiền mất tật mang dịp cận Tết

12-01-2023 - 07:36 AM | Kinh tế số

Cảnh giác “việc làm ma” lừa đảo, tiền mất tật mang dịp cận Tết

Cuối năm, nhiều người có tâm lý muốn tìm việc làm thời vụ để có thêm thu nhập dịp Tết. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng đăng tin trên mạng xã hội, thậm chí gọi điện thoại, kết bạn zalo để “bẫy” người lao động vào những công việc với mác “việc nhẹ lương cao”.

N.T.H, sinh viên năm nhất ĐH Giao thông Vận Tải cho biết, vì được nghỉ Tết khá sớm nên muốn tìm một việc làm thêm những ngày giáp Tết để có thêm tiền mua vé tàu xe, quà Tết cho gia đình. Lên facebook, zalo tìm việc làm thêm, N.T.H được một người tư vấn công việc khá đơn giản là xem video trên tiktok và thả tim, bình luận, mỗi bình luận được tính 20.000 đồng. Theo tư vấn, thì mỗi ngày mức lương có thể lên đến vài trăm nghìn đồng. Tuy nhiên, để nhận việc, Hà cần trả mức phí môi giới 500.000 đồng.

Đối tượng tư vấn thuyết phục rằng, số tiền này chỉ bằng 2 ngày lương nếu nhận việc, đây hoàn toàn là một khoản đầu tư “có lời”.

Chưa có kinh nghiệm làm thêm, N.T.H nhanh chóng chuyển khoản số tiền môi giới, nhưng sau đó lại không nhận được bất kỳ công việc nào.

Tương tự, chị N.T.T (Gia Lâm, Hà Nội) cũng đã lên mạng xã hội để tìm việc làm thêm tại nhà. Khi thấy quảng cáo về vị trí tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng online chị Tú đã nhiệt tình ứng tuyển. Với 5 đơn hàng đầu tiên, chị Tú đã nhận được số tiền 1,5 triệu đồng tiền hoa hồng cùng số tiền gốc ứng ra để nhận giao hàng cho khách. Thấy lợi nhuận cao, lại được làm việc ở nhà, không tốn nhiều thời gian, chị Tú tiếp tục tham gia, nhưng đến khi số tiền ứng ra để nhận đơn hàng lên đến hơn 100 triệu đồng thì chị Tú không thể liên lạc được với các đối tượng.

Trong vai người tìm việc làm thêm online cuối năm trên mạng, phóng viên nhanh chóng nhận được tin nhắn từ một nhân viên tư vấn. Theo tư vấn của người này, thì chỉ cần có tài khoản ngân hàng, internet banking, ví điện tử Momo hay Viettel Pay là đã có thể nhận việc làm thêm lại nhà.

Cảnh giác “việc làm ma” lừa đảo, tiền mất tật mang dịp cận Tết - Ảnh 1.
Cảnh giác “việc làm ma” lừa đảo, tiền mất tật mang dịp cận Tết - Ảnh 2.
Cảnh giác “việc làm ma” lừa đảo, tiền mất tật mang dịp cận Tết - Ảnh 3.

Người này tiếp tục cho biết: “Công việc chính là soát dữ liệu mã sản phẩm bảo mật trên app cho hệ thống. Xong gói nào nhận tiền gói đó. Thời gian làm việc chỉ từ 5-10 phút mỗi ngày là xong. Mỗi ngày có thể kiếm được tư 300.000-900.000 đồng. Ví dụ một cách dễ hiểu và thực tế hơn thì em sẽ giúp mình đăng ký và hoàn thiện tài khoản. Sau đó chuyên gia sẽ cho mình một con số bất kỳ từ 1-9, mình chỉ cần nhấn vào số đó và đợi kết quả hoàn thành là đã có lợi nhuận và đi rút tiền thôi”.

Ngoài ra, người này cũng nói thêm rằng để nhận công việc này, ban đầu chỉ cần kích hoạt tài khoản với số vốn 50.000 đồng, sau đó sẽ được tặng 66.000 đồng tiền hoa hồng, tương tự, khi số tiền bỏ ra ban đầu càng cao thì số hoa hồng rút về càng lớn.

Thực tế đây là những hình thức lừa đảo khá phổ biến trên mạng xã hội thời gian gần đây. Bộ Công An cũng đã liên tục phát đi tin nhắn cảnh báo tới các thuê bao di động về việc tội phạm lừa đảo đăng tin tuyển cộng tác viên bán hàng online trên các trang mạng xã hội (zalo, facebook, tiktok..), bỏ tiền tạm ứng, thanh toán qua tài khoản các đơn hàng ít tiền để đặt hàng, sau đó lại nhận lại tiền tạm ứng và tiền công kèm theo lãi đơn hàng và tiền thưởng. Đến những lần tiếp theo, thanh toán đơn hàng với lượng tiền lớn thì bị chiếm đoạt đồng thời nhận được yêu cầu nộp thêm tiền để hệ thống xử lý lỗi và hoàn trả, nhưng không được hoàn trả.

Bộ Công an đề nghị người dân cảnh giác, không tham gia các hoạt động nêu trên, khi phát hiện trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất để được giải quyết.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng lưu ý, thời điểm cuối năm, người lao động cần tránh những “bẫy việc làm”, lừa đảo.

Cảnh giác “việc làm ma” lừa đảo, tiền mất tật mang dịp cận Tết - Ảnh 4.

Ông Vũ Quang Thành lưu ý người lao động cần cảnh giác với những "bẫy" việc nhẹ lương cao.

“Mạng xã hội phát triển, nhiều doanh nghiệp cũng sử dụng mạng xã hội để đăng các thông tin tuyển dụng lao động, cuối năm, người lao động cũng mong muốn tìm kiếm việc làm thêm để có thêm thu nhập trang trải ngày Tết. Lợi dụng tâm lý này, nhiều đối tượng mạo danh đưa ra những việc làm “ảo” với lời mời chào mức lương hấp dẫn để lừa đảo người lao động.

Người lao động cần biết rằng sẽ không có chuyện việc nhẹ lương cao, tất cả các vị trí việc làm đều hết sức cụ thể. Các thông tin trên mạng về những công việc chỉ cần ngồi tại nhà vẫn có thể hưởng lương cao là không thể. Khi tìm kiếm việc làm, người lao động cần tìm hiểu kỹ thông tin, cách thức ký hợp đồng, cách chi trả lương sao cho đảm bảo nhất.

Nếu chưa đủ tin tưởng, người lao động có thể đến các điểm sàn giao dịch tại các Trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố để kết nối với doanh nghiệp”, ông Thành lưu ý.

Theo Nguyễn Trang

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên