Theo Công an tỉnh Bình Thuận, thời gian vừa qua, xuất hiện tình trạng người dân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi tham gia đầu tư trên các sàn giao dịch chứng khoán, tiền kỹ thuật số, ngoại hối… trên không gian mạng với các chiêu thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân.
Các đối tượng thông qua mạng viễn thông, mạng Internet thực hiện nhiều cuộc gọi, nhắn tin đến người dân, tự nhận là nhân viên các công ty chứng khoán và mời người dân tham gia đầu tư, kết bạn và đưa người dân vào các trang, hội, nhóm trên các ứng dụng như Zalo, Telegram….
Chúng đưa ra nhiều thủ đoạn để người dân tin tưởng tham gia đầu tư như: Đưa ra thông tin giả mạo những doanh nghiệp phát hành cổ phiếu riêng lẻ hoặc cổ phiếu cho người lao động khiến nhà đầu tư tin tưởng và mời chào mua lại suất của cán bộ, công nhân viên với giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường; để nhận các ưu đãi, nạn nhân được hướng dẫn truy cập vào các đường link website hoặc cài các ứng dụng (app) trên thiết bị di động do đối tượng cung cấp, thường có tên giống với một số Công ty đầu tư chứng khoán, một số Quỹ đầu tư có danh tiếng.
Cho xem các giấy tờ pháp lý của Quỹ đầu tư, được cung cấp, chia sẻ thông tin về lợi nhuận đầu tư của các nhà đầu tư khác (thực tế là các tài khoản ảo do chúng tạo lập), người dân sẽ được tư vấn mua cổ phiếu bởi các “chuyên gia”, “thầy hướng dẫn”… Với những tài liệu mà đối tượng đưa ra, nạn nhân dễ dàng tra cứu thông tin trùng khớp trên mạng internet làm tăng niềm tin vào hoạt động đầu tư này.
Nạn nhân được hứa hẹn lãi suất cao khi đầu tư, nếu đầu tư thua lỗ thì các Quỹ đầu tư sẽ bù thiệt hại và giá mua các mã cổ phiếu thông qua kênh của Quỹ đầu tư thấp hơn từ 15-30% so với giá đang giao dịch trên các sàn chứng khoán. Trong một vài phiên giao dịch đầu, bằng thủ đoạn tạo các giao dịch ảo trên website và ứng dụng do các đối tượng cung cấp, khi nạn nhân có một khoản tiền nạp vào ứng dụng để tiến hành giao dịch, tài khoản liên tục có lợi nhuận, thậm chí gấp nhiều lần số tiền đã nạp vào tài khoản, tuy nhiên khi muốn rút tiền thì ứng dụng báo lỗi hoặc báo chưa đủ hạn mức đối ứng của Quỹ.
Các đối tượng tiếp tục dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc nạn nhân chuyển thêm tiền vào tài khoản của chúng với nhiều lý do như: Nộp sai nội dung nên hệ thống chưa ghi nhận được, nộp các khoản thuế, phí để rút tiền. Nhiều nạn nhân do đã chuyển số tiền lớn vào tài khoản nên rất dễ bị thao túng tâm lý và phải chuyển thêm tiền để không bị mất số tiền đã nộp trước đó. Khi thấy các nạn nhân không còn khả năng chuyển tiền, các đối tượng vô hiệu hoá tài khoản của nạn nhân hoặc khiến cho các tài khoản của nạn nhân không đăng nhập được nhằm chiếm đoạt số tiền mà nạn nhân đã nạp. Khi nạn nhân phát hiện bị lừa đảo thì các đối tượng đã xoá tài khoản của nạn nhân khỏi các ứng dụng, hội nhóm và chặn liên lạc với nạn nhân.
Công an tỉnh Bình Thuận khuyến cáo người dân một số vấn đề như sau:
- Người dân cần phải tìm hiểu kỹ càng thông tin trước khi tham gia đầu tư tài chính trên không gian mạng; chỉ nên tham gia đầu tư những sàn giao dịch uy tín.
- Hoạt động đầu tư tài chính luôn có rủi ro do đó cần có kiến thức chuyên môn về đầu tư, người dân cần thường xuyên tìm hiểu thông tin liên quan đến lĩnh vực đầu tư, luôn đối chiếu, so sánh thông tin, tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn khác nhau trước khi tham gia đầu tư.
- Tuyệt đối không nên nghe và làm theo lời dụ dỗ về việc đầu tư tài chính trên không gian mạng từ những đối tượng không quen biết, chưa bao giờ gặp mặt, nhất là khi bản thân không có kiến thức về đầu tư tài chính và chứng khoán, tuyệt đối không chuyển tiền vào tài khoản của cá nhân không rõ danh tính.
Khi gặp phải trường hợp nghi ngờ bị lừa đảo đầu tư tài chính, chứng khoán phải nhanh chóng thông tin, tố giác với cơ quan Công an gần nhất để được kiểm tra, hướng dẫn xử lý theo quy định.