Cảnh giác với những bất thường khi dùng thẻ tín dụng
Xu hướng sử dụng thẻ tín dụng trong thanh toán không dùng tiền mặt được Nhà nước khuyến khích, đồng thời cũng tạo ra nhiều thuận tiện cho chủ thẻ. Tuy nhiên, việc sử dụng đã sinh nhiều vấn đề về công tác đảm bảo an toàn, cả với khách hàng lẫn các ngân hàng phát hành thẻ.
- 02-09-2019Thế chấp thẻ ATM, số BHXH, 40 người vay “tín dụng đen” lãi suất cao
- 20-08-2019Ngăn chặn hành vi 'thông đồng', trục lợi rút tiền mặt qua thẻ tín dụng
- 05-08-2019Thẻ tín dụng Apple Card sẽ không được phép mua tiền điện tử
Bài viết này để cảnh báo với chủ thẻ cần có những phản ứng cần thiết khi thẻ của mình có dấu hiệu bị "đánh cắp".
Cảnh giác với những bất thường ở cây ATM
Công an TP Vinh, tỉnh Nghệ An vừa tóm gọn nhóm đối tượng người Trung Quốc, khi các đối tượng này vừa gây án, đang chuẩn bị rời TP Vinh, ra Hà Nội để rút về nước. Khám xét phòng ở khách sạn của nhóm đối tượng, công an thu hơn 300 thẻ tín dụng, trong đó có 319 chiếc đã được nhập dữ liệu của khách hàng; 22 thẻ đã sử dụng để rút gần 300 triệu đồng; 14 thẻ trắng và nhiều thiết bị điện tử.
Trước đó, Yang Chang Cai, đối tượng cầm đầu nhóm nghi can người Trung Quốc đã cử "Cong" mang các thiết bị điện tử tới một số cây ATM trên địa bàn TP Vinh để lắp đặt. Chỉ trong vòng từ 1 đến 3 phút, tấm chắn che bàn phím ở cây ATM đã được tháo ra để thay vào đó là một tấm chắn khác có gắn camera mini. Thiết bị điện tử thứ hai cũng được khéo léo gắn vào khe cắm thẻ nhằm thu thập số tài khoản, số thẻ, số tiền, chủ sở hữu và tên ngân hàng...
Sau 4 đến 6 tiếng đồng hồ, nhóm, nhóm của Cai đến các cây ATM thu các thiết bị về, sau đó lấy cắp dữ liệu đổ vào máy tính để gửi thông tin cho đồng phạm ở Trung Quốc. Sau khi dữ liệu được giải mã sẽ được gửi ngược trở lại để nhóm Cai làm thẻ giả. Bằng thủ đoạn này, Cai cùng đồng bọn đã rút tiền trót lọt tại một số cây ATM ở TP Hà Nội, tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Hải Dương.
Vì vậy, khi chủ thẻ đến rút tiền tại các cây ATM, cần quan sát để phát hiện có gì là bất thường tại cây ATM hay không, lấy tay sờ vào mặt dưới các tấm chắn bàn phím xem có thiết bị điện tử dính vào hay không.
Nếu có người đứng cạnh thì cần cảnh giác, tránh để kẻ gian sử dụng thiết bị quay lén mật khẩu thẻ; hoặc đối tượng lưu manh lợi dụng sơ hở để cướp giật tiền vừa rút ra từ cây ATM.
Người dân cần quan sát phát hiện những điểm bất thường khi sử dụng thẻ tại cây ATM. Ảnh minh họa Internet.
Khóa ngay tài khoản khi bị mất thẻ, hoặc bị rút tiền vô cớ
Bà Lee (quốc tịch Hàn Quốc) khi đi bộ ở phố Hàng Ngang, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội đã bị mất chiếc thẻ Master Card. Chiếc thẻ này sau đó đã bị kẻ gian quẹt thẻ mua sắm với tổng số tiền thanh toán hơn 122 triệu đồng.
Cũng giống bà Lee, ông Park, người đồng hương của bà khi đi bộ trên đường Hùng Vương, quận Ba Đình, TP Hà Nội đã bị mất liền 3 thẻ tín dụng; sau đó cũng bị đối tượng xấu quẹt thẻ tiêu mất hơn 11 ngàn USD (khoảng 250 triệu đồng Việt Nam).
Khác với hai trường hợp trên, chị T (ở Hà Nội) vẫn giữ thẻ tín dụng trong người, nhưng bất ngờ nhận được tin nhắn trừ 27 triệu đồng vì đã thực hiện giao dịch tại một website mà chị T chưa hề truy cập...
Từ các trường hợp nêu trên, khuyến cáo chủ thẻ nếu bị đánh mất thẻ tín dụng hoặc bị rút tiền trong thẻ một cách vô cớ thì cần đến ngay ngân hàng phát hành thẻ để xin khóa tài khoản, tránh để kẻ gian sử dụng công nghệ cao rút tiền hoặc quẹt thẻ tiêu hết tiền trong tài khoản.
Tuy nhiên, với một số khách ngoại quốc, do thẻ tín dụng làm tại ngân hàng nước ngoài, trong khi ngân hàng đó lại không có chi nhánh tại Việt Nam nên gặp khó khăn trong trình báo khóa thẻ. Đây cũng là khó khăn trong công tác điều tra của công an vì không sao kê tài khoản để xác định các giao dịch, phục vụ công tác điều tra, truy tìm thủ phạm.
Một số khuyến cáo khác từ ngân hàng
Khi sử dụng thẻ ghi nợ (debit card) thì không nên để quá nhiều tiền trong tài khoản. Chỉ khi nào cần thanh toán một món đồ gì đó thì hãy gửi tiền vào tài khoản này để sử dụng.
Chủ thẻ nên sử dụng thanh toán trên điện thoại di động và cất giữ thẻ thật kĩ lưỡng. Luôn sử dụng mật khẩu mạnh với các tài khoản online, đồng thời sử dụng bảo mật 2 lớp.
Hiện nay nhóm 7 ngân hàng của Việt Nam có số lượng thẻ ATM chiếm khoảng 70% tổng số thẻ trên cả nước đã đăng ký chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip theo tiêu chuẩn EMV. Đây là loại thẻ có mức độ bảo mật cao hơn, hạn chế rủi ro, mất cắp thông tin. Vì vậy, chủ thẻ có thể đề nghị ngân hàng đổi thẻ hoặc làm thẻ mới để sử dụng công nghệ tiên tiến hơn, đáp ứng nhu cầu bảo mật thông tin cao hơn.
Chúng tôi được biết, hiện nay, một vài ngân hàng khoán cho các nhân viên để làm sao phát hành được nhiều thẻ tín dụng của ngân hàng mình càng nhiều càng tốt dẫn tới tình trạng dễ dãi, mở thẻ tràn lan, không chú ý đến việc nâng cao chất lượng bảo mật thông tin, góp phần làm nảy sinh nhiều loại tội phạm liên quan đến lĩnh vực này.
Ở một số quốc gia tại Châu Âu, châu Mỹ, khi thanh toán tại các điểm quẹt thẻ thì nhân viên luôn so sánh tên và chữ ký được in trên thẻ với người đang thanh toán, nếu khớp thì mới đồng ý.
Nhưng ở Việt Nam, thẻ không thể hiện chữ ký hoặc thông tin cá nhân của chủ thẻ. Đây là vấn đề mà cơ quan quản lý trong ngành ngân hàng cần xem xét, nhằm nâng cao chất lượng bảo mật thông tin thẻ tín dụng, đáp ứng yêu cầu phát triển sử dụng thẻ tín dụng trong các giao dịch thanh toán, hướng tới một xã hội hạn chế tối đa sử dụng tiền mặt.
Công an nhân dân