Cảnh hoang tàn trong siêu dự án 25.000 tỉ đồng của Công ty Sài Gòn Đại Ninh
Hàng ngàn ha thuộc dự án 25.000 tỉ đồng kéo dài hơn chục năm của Công ty Sài Gòn Đại Ninh vắng bóng người, đồi núi bị cạo trọc nhiều mảng, đất đai xơ xác.
- 17-03-2023Thúc tiến độ 3 dự án giao thông trọng điểm vốn đầu tư gần 10.000 tỉ đồng
- 17-03-2023Trình Thủ tướng dự án cao tốc 8.400 tỷ đồng nối Ninh Bình - Hải Phòng
- 17-03-2023Vì sao dự án khu tứ giác Mả Lạng ở trung tâm TPHCM bị thu hồi?
Vừa qua, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phối hợp Công an Lâm Đồng triệu tập làm việc và khởi tố ông Nguyễn Ngọc Ánh - Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng - vì nhận hối lộ có liên quan dự án khu đô thị Nam Đà Lạt (nay là dự án khu đô thị thương mại, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh - gọi tắt là KĐT-DL Đại Ninh) của Công ty cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh (gọi tắt là Công ty Sài Gòn Đại Ninh).
Doanh nghiệp này hiện do ông Nguyễn Cao Trí là người đại diện pháp luật. Dự án KĐT-DL Đại Ninh có tổng mức đầu tư 25.243 tỉ đồng trên diện tích 3.595ha, trải rộng trên 4 xã Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine và Ninh Loan của huyện Đức Trọng. Dự án gần như bao trọn hồ Đại Ninh, bên trong có nhiều đảo nhỏ - được người dân ví là vịnh Hạ Long thu nhỏ ở huyện Đức Trọng.
Kể từ thời điểm được cấp giấy chứng nhận đầu tư cuối năm 2010, đến nay dự án đã kéo dài 13 năm vẫn trong tình trạng dang dở. Do chậm tiến độ nhiều năm, Thanh tra Chính phủ công bố Kết luận Thanh tra số 929, yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đối với dự án KĐT-DL Đại Ninh. Thế nhưng sau đó, siêu dự án này thoát cảnh thu hồi khi Thanh tra Chính phủ thông báo sửa đổi một số nội dung trong kết luận thanh tra, rút lại yêu cầu chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đối với dự án.
Phóng viên đi quanh nhiều khu vực của dự án nhưng trong các ngôi nhà được xây dựng không xuất hiện bóng người nào. Theo báo cáo của Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng, tính đến ngày 11-11-2021, Công ty Sài Gòn Đại Ninh chỉ mới đầu tư vào dự án khoảng 2.000 tỉ đồng, xây dựng được 15 nhà làm việc của chuyên gia, 1 hội trường, 6 trạm dừng chân, khoảng 20km đường nội bộ.
Công ty Sài Gòn Đại Ninh cũng thành lập Ban quản lý rừng để quản lý diện tích rừng được giao, cho thuê nhưng nhiều thời điểm nơi này không có cán bộ nào làm việc. Cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng xác định hơn 257ha rừng tại đây đã bị phá.
Sau 13 năm, nhiều ngọn đồi trong siêu dự án gần 3.600ha này trở thành đồi trọc, loang lổ vết cháy, chỉ còn sót lại một ít cây rừng non và bụi cỏ dại.
Một số khu vực được đổ trụ bê tông cốt thép nhưng rồi bỏ hoang, không biết sử dụng vào công trình gì, công nhân cũng vắng bóng.
Những con đường dự án cắt xẻ ngang dọc qua các ngọn núi chạy ra bờ hồ Đại Ninh. Nhìn từ trên cao, một số khu vực rừng rất thưa thớt. Đối với 140ha rừng bị phá, xác định trữ lượng vào năm 2016, số tiền mà Công ty Sài Gòn Đại Ninh phải bồi thường số tiền gần 6,7 tỉ đồng.
Một khoảng đồi rộng lớn đã bị san sủi, vẫn còn vết cháy nham nhở trong siêu dự án 25.000 tỉ đồng của đại gia Nguyễn Cao Trí.
Không chỉ để mất 257ha rừng, dự án kéo dài hơn thập kỷ của Công ty Sài Gòn Đại Ninh còn để 111ha đất rừng bị lấn chiếm. Một số ngọn đồi bị cạo trọc, cây rừng bị chặt phá.
Cuối tháng 10-2021, Công ty Sài Gòn Đại Ninh đã thống nhất với số liệu mất rừng theo Kết luận thanh tra số 2094/KL-UBND của tỉnh và đã chấp hành nộp đủ số tiền bồi thường vào ngân sách nhà nước. Như vậy, diện tích 257ha rừng bị mất tại dự án KĐT-DL Đại Ninh, chủ đầu tư phải bồi thường khoảng 18,8 tỉ đồng.
Với tình trạng hiện tại, người dân xung quanh không biết đến bao giờ dự án này mới được hoàn thành để gần 3.600ha đất của 4 xã mới thoát cảnh "treo" hơn thập kỷ. Ngày 13-3-2023, ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư mời đại diện chủ đầu tư làm việc, yêu cầu cam kết tiến độ triển khai dự án theo quy định.
Người Lao động