MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cảnh sát Trung Quốc đeo kính nhận diện khuôn mặt như phim viễn tưởng để đảm bảo an ninh cho cuộc di dân thường niên lớn nhất hành tinh

08-02-2018 - 14:30 PM | Tài chính quốc tế

Cảnh sát ở Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, Trung Quốc được trang bị chiếc kính nhận diện khuôn mặt nhằm đảm bảo an ninh cho đoàn người hồi hương đón tết.

Tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, cho biết, chiếc kính thông minh giống với thiết bị của Google Glass đang được dùng để đảm bảo an ninh tại những khu vực tập trung đông người về quê đón tết. Tới thời điểm hiện tại, ít nhất 7 tên tội phạm đã bị bắt nhờ thiết bị công nghệ cao này.

Chiếc kính được kết nối trực tiếp với kho cơ sở dữ liệu của cảnh sát Trung Quốc, giúp phát hiện tội phạm hình sự trà trộn vào đám đông. Theo công ty phát triển LLVision Technology, chiếc kính có khả năng nhận diện 10.000 khuôn mặt trong 100 mili giây. Mọi loại tội phạm, từ người vi phạm giao thông tới tội phạm hình sự như buôn bán người đều có thể bị phát hiện.

Tại Trung Quốc, người dân phải trình giấy tờ tùy thân để được phép lên tàu. Quy định này giúp ngăn chặn một số trường hợp bị hạn chế di chuyển. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên nhà chức trách Trung Quốc sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt này để phát hiện các đối tượng tình nghi. Hiện tại, Bắc Kinh đang phát triển một hệ thống giúp nhận dạng 1,3 tỷ cư dân nước này trong vòng 3 giây.

Hiện tại, Trung Quốc đang căng mình đảm bảo an ninh cho cuộc di dân thường niên lớn nhất năm, khi hàng trăm triệu người sẽ rời các thành phố lớn để về quê đón tết. Theo ước tính, người Trung Quốc sẽ thực hiện khoảng 3 tỷ chuyến đi trong dịp nghỉ tết năm nay. Từ nhiều tháng trước, nỗ lực chuẩn bị cho cuộc di cư thường niên này đã được tiến hành.

Hiện tại, Trung Quốc dường như là quốc gia đầu tiên sử dụng chiếc kính để nhận diện khuôn mặt một cách rộng rãi. Trước đó, người ta chỉ có thể nhìn thấy thiết bị này trong các bộ phim điện ảnh viễn tưởng. Trong vài năm trở lại đây, nhiều công ty công nghệ đã thử nghiệm các thiết bị tương tự nhưng chúng chưa thực sự góp mặt thường xuyên trong đời sống.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên