MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Canh tác hữu cơ đối mặt nhiều thách thức

Mặc dù được chứng minh là có lợi cho sức khoẻ và tăng trưởng nhanh nhưng nông nghiệp hữu cơ chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ cho nhu cầu an ninh lương thực và chỉ phục vụ một nhóm khách hàng giầu có.

Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) cho biết, nông nghiệp hữu cơ (NNHC) đã có sự tăng trưởng cao trong những năm gần đây. Nếu năm 1999, diện tích đất NNHC toàn cầu chỉ khoảng 11 triệu ha, chiếm 0,2% diện tích đất canh tác thì đến năm 2015, con số này đã đạt mức 50,9 triệu ha, chiếm 1,1% tổng diện tích đất canh tác toàn cầu.

Châu Đại dương hiện có diện tích NNHC lớn nhất với 22,8 triệu ha, tiếp đó là châu Âu với 12,7 triệu ha, châu Mỹ la tinh với 6,7 triệu ha trong khi châu Á có khoảng 4 triệu ha đất sản xuất áp dụng NNHC. Liên đoàn Nông nghiệp hữu cơ thế giới (IFOAM) cũng cho biết, hiện có khoảng 179 nước có sản xuất NNHC, thị trường nông sản hữu cơ toàn cầu tăng trưởng từ 10 – 15%/năm trong nhiều năm qua.

Tại Việt Nam, có khoảng 18 doanh nghiệp được chứng nhận theo tiêu chuẩn USDA – NOP và 12 doanh nghiệp được chứng nhận theo tiêu chuẩn EC 834/2007. Cả nước có khoảng 43.000ha đất sản xuất NNHC, đứng thứ 56 thế giới và xếp thứ 3 trong khối ASEAN, sau Indonesia và Philippines. NNHC ở Việt Nam chủ yếu diễn ra trong lĩnh vực trồng trọt với sản phẩm được xuất khẩu đi thị trường Mỹ và châu Âu như chè, gia vị, rau củ quả…

TS Nguyễn Đăng Nghĩa – Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp Nhiệt đới, nhận định, khó khăn khi triển khai sản xuất NNHC ở Việt Nam là tìm được nguồn đất trồng đạt tiêu chuẩn.

Nguyên nhân là việc lạm dụng phân bón, sử dụng thuốc BVTV không đúng cách… đã khiến hầu hết đất tại Việt Nam hiện tại có phản ứng chua (pH <6.0), nghèo dinh dưỡng đa lượng, trung lượng, đặc biệt là các chất dễ tiêu…Do đó, rất khó có thể tìm được một diện tích đất trồng trọt có đủ tiêu chuẩn sạch để thỏa mãn các yêu cầu và quy chuẩn của IFOAM, USDA và các tổ chức sản xuất hữu cơ khác. Hơn nữa, sản lượng phân hữu cơ sản xuất tại Việt Nam còn quá nhỏ so với yêu cầu của sản xuất thực tiễn, chỉ mới khoảng 3 triệu tấn.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Linh – Tổng giám đốc Công ty CP hữu cơ Daito cho rằng, theo các tiêu chuẩn của IFOAM về nguyên liệu đầu vào trong canh tác hữu cơ thì việc sử dụng các loại phân bón tương đối hạn chế, căn cứ trên thành phần nguyên liệu và các phương pháp chế biến.

Theo ông Linh, ở Việt Nam, nguyên liệu tạo sự quan tâm nhiều nhất là phân gia súc nhưng cho tới nay, việc thu gom và xử lý số nguyên liệu trên còn nhiều vấn đề vướng mắc, trong đó quy trình công nghệ, mặt bằng, ô nhiễm môi trường… là những trở ngại lớn.

Ngoài ra, các chất phế thải từ công nghệ chế biến nông sản thực vật như khoảng 100.000 tấn bã cà phê do các nhà máy thải ra hằng năm và số lượng lớn bã dong riềng ở các tỉnh miền núi phía Bắc, bã khoai mì ở các tỉnh miền núi phía Nam… cũng là nguồn nguyên liệu cần xử lý làm thức ăn chăn nuôi hoặc phân bón.

Thế nhưng, do độ ẩm rất cao (trên 65%) và đặc thù công nghệ chế biến nên đòi hỏi quy trình xử lý khó hơn và tốn kém. Do đó, mặc dù một số cơ sở sản xuất phân hữu cơ từng thử sử dụng làm nguyên liệu nhưng không kinh tế, đòi hỏi những điều kiện để xử lý khá công phu nên đã không tiếp tục.

Ngoài ra, còn có một số nguyên liệu tự nhiên khác như rác thải sinh hoạt, rong biển, quặng phosphorite, than bùn… trong đó riêng than bùn Việt Nam có khoảng 7,1 tỷ m3 phân bố rải rác trên cả nước, nhất là tại vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, theo tiêu chuẩn IFOAM, than bùn bị cấm sử dụng và các nước trên thế giới cũng không sử dụng than bùn là một nguyên liệu làm phân bón.

Ông Nguyễn Đại Thắng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP trang trại Bảo Châu (Hà Nội) thì cho rằng, nguồn thức ăn cho vật nuôi là khâu khó nhất trong chăn nuôi hữu cơ ở VN hiên nay. Nguyên nhân là do các sản phẩm nông sản như gạo, ngô, đậu tương… đạt tiêu chuẩn để làm thức ăn cho vật nuôi hầu như rất ít hoặc có thể nói là chưa có.

Cần nhiều phương thức sản xuất tồn tại song song

Theo TS Nguyễn Văn Bộ - Nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, để phát triển NNHC ở Việt Nam thành công cần thống thống nhất các quan điểm rằng, phải phát triển nông nghiệp cần hài hòa, bền vững, trong đó sản xuất theo hướng thâm canh, hóa học hóa vẫn là chủ yếu.

Nguyên nhân là Việt Nam là quốc gia có diện tích đất canh tác trên đầu người thuộc loại thấp nhất trên thế giới, dân số tăng nhanh, sản xuất nông nghiệp cần đáp ứng mục tiêu an ninh lương thực và xuất khẩu.

Song song đó, nắm bắt cơ hội phát triển cho NNHC ở VN với sự lựa chọn chính xác chủng loại sản phẩm và vùng sản phẩm thích hợp cho các thị trường xác định, trong đó ưu tiên sản phẩm đặc sản bản địa, gắn với nông nghiệp du lịch tại các vùng ít bị ảnh hưởng bởi môi trường ô nhiễm.

Về việc duy trì nhiều đồng thời nhiều mô hình canh tác nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) định nghĩa sự tồn tại đồng thời (co-existence) là một phương thức canh tác cùng lúc các loại cây trồng theo cách truyền thống, hữu cơ, cây trồng bảo đảm nhận dạng và cây trồng biến đổi gen (BĐG) hoặc cây trồng công nghệ sinh học tại các khu vực tiếp giáp nhau, phù hợp với sở thích của người tiêu dùng và lựa chọn của nông dân.

Một số nghiên cứu đã được tiến hành nhằm kiểm tra tính khả thi của việc canh tác đồng thời cây trồng BĐG và không BĐG trên diện rộng. Theo nghiên cứu năm 2004 tại Đức, sự chênh lệch về thời gian ra hoa của ngô BĐG và không BĐG không làm tăng mức độ BĐG cần dán nhãn là 0.9%. Nghiên cứu được thực hiện tại 30 điểm, với khoảng cách cơ bản giữa hai ruộng là hoảng 20m, ngăn cách với nhau bởi các loại thực vật làm hàng rào thụ phấn.

Một nghiên cứu khác tại Tây Ban Nha cũng cho thấy, hiện tượng thụ phấn chéo giữa ngô Bt và ngô thông thường tại 2 khu vực được quyết định bởi sự tương đồng trong thời gian ra hoa, cũng như khoảng cách giữa các cánh đồng cho và nhận phấn hoa.

Mô hình tồn tại đồng thời cây ngô hữu cơ, truyền thống và BĐG tại châu Âu cũng đã được ứng dụng thành công ở Tây Ban Nha. Năm 2014, Tây Ban Nha canh tác hơn 131.500ha cây ngô Bt, chiếm 92% diện tích ngô Bt tại EU. Bên cạnh diện tích rộng lớn trồng ngô BĐG, các cánh đồng lân cận đồng thời trồng ngô Bt hoặc ngô thường để làm thức ăn chăn nuôi. Tuy có một số báo cáo về sự pha tạp không cố ý của gen biến đổi trong ngô hữu cơ, nhưng đó là do việc triển khai chưa tốt các thực hành đồng canh tác phù hợp.

Còn tại Anh Quốc, các cánh đồng thử nghiệm phạm vi nông trại đã canh tác thành công đồng thời cây trồng BĐG với cây trồng hữu cơ và thông thường. Báo cáo cho thấy không cây trồng nào được canh tác gần khu vực thử nghiệm bị pha tạp gen biến đổi, dẫn tới thiệt hại kinh tế hoặc mất đi nhận dạng hữu cơ được ghi nhận tại các cánh đồng lân cận.

Thu Huyền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên