MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cạnh tranh gay gắt thị trường thẻ tín dụng: Ai đang làm chủ cuộc đua?

18-05-2019 - 13:01 PM | Tài chính - ngân hàng

Nhiều ngân hàng có tốc độ tăng trưởng "vũ bão" ở mảng sản phẩm thẻ tín dụng trong năm qua, cả về doanh số giao dịch lẫn số thẻ phát hành mới. Chẳng hạn VPBank tuyên bố là ngân hàng có số thẻ tín dụng đang hoạt động lớn nhất thị trường, VIB dẫn đầu về chi tiêu thẻ bình quân trong các ngân hàng nội,...

Kể từ khi những chiếc thẻ đầu tiên được Vietcombank và ACB phát hành vào năm 1996, thẻ tín dụng đã có hơn 20 năm tồn tại ở Việt Nam và cho đến nay, hầu hết tất cả các ngân hàng thương mại đều đã triển khai sản phẩm này. Thậm chí, một ngân hàng phát hành tới hàng chục loại thẻ tín dụng với những tính năng, ưu đãi khác nhau.

Với hơn 70 triệu người trưởng thành, tốc độ tăng trưởng thu nhập và chi tiêu thuộc hàng đầu khu vực, cùng với thói quen thanh toán của người dân đã dần có những thay đổi, các chuyên gia nhận định rằng thị trường thẻ tín dụng của Việt Nam còn nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển.

Trên thực tế, dù xuất hiện tại Việt Nam hàng chục năm nhưng thẻ tín dụng mới bắt đầu phát triển vũ bão trong 5 năm trở lại đây, với tốc độ rất nhanh. Việc đầu tư vào thẻ tín dụng mang lại nguồn lợi nhuận lớn cho các nhà băng bởi lãi suất cao hơn so với cho vay thông thường. Các khoản thu phí từ thẻ như phí thường niên, phí rút tiền mặt, phí phạt thanh toán chậm,…mang lại nguồn thu lớn cho nhà băng và đây cũng là nguồn thu được cho rất ổn định. Chưa kể, dịch vụ thẻ tín dụng còn giúp các ngân hàng bán chéo thêm các sản phẩm khác.

Vì lẽ đó, cuộc đua phát hành thẻ tín dụng giữa các ngân hàng ngày càng trở nên gay gắt hơn bao giờ hết.

Theo khảo sát, mức phí thường niên áp dụng cho các loại thẻ tín dụng ở các ngân hàng đang có sự chênh lệch tương đối lớn, các ngân hàng thương mại nhà nước có mức phí nhìn chung thấp hơn so với các ngân hàng tư nhân và ngân hàng nước ngoài.

Có thể thấy, cuộc đua giữa các ngân hàng đang tập trung vào những chính sách ưu đãi hơn là phí dịch vụ để thu hút và giữ chân khách hàng. "Hoàn tiền lên đến 5%", "miễn lãi trọn đời", "hoàn phí phường niên trọn đời", "tặng vali du lịch", "phát hành thẻ chỉ trong 3 ngày",...là những "chiêu" được nhiều nhà băng tung ra thời gian qua, gây được sự chú ý lớn của khách hàng. 

Thị trường thẻ tín dụng những năm trước đây chủ yếu nằm trong tay những ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, VietinBank, VPBank, Techcombank,…Tuy nhiên, theo những công bố của một số ngân hàng mới đây, thị phần trên thị trường "béo bở" này có thể đã có những thay đổi đáng kể. 

Chẳng hạn, VIB cho biết, theo số liệu của tổ chức thẻ MasterCard, tỷ lệ thẻ hoạt động của ngân hàng này đạt mức 65%, cao gần gấp 2 lần so với bình quân thị trường (36%) và tỷ lệ khách hàng đóng thẻ kiềm chế chỉ ở mức 2%, thấp hơn 3,5 lần so với bình quân thị trường (7%).

Số thẻ tín dụng mở mới của VIB trong năm 2018 tăng trưởng 75%. Theo ngân hàng này, VIB đã dẫn đầu về chỉ tiêu bình quân thẻ trong các ngân hàng nội. Tổng chi tiêu thẻ tăng trưởng 300% năm 2018, chi tiêu thẻ bình quân tăng 200% so với năm 2017, riêng tháng 12/2018 đã đạt mức kỷ lục trên 1.000 tỷ/tháng. Nhà băng này tiếp tục đặt mục tiêu dẫn đầu thị trường về bán mới thẻ tín dụng trong năm 2019.

Trong khi đó, cuối năm 2018, VPBank tuyên bố là ngân hàng dẫn đầu thị trường về số thẻ tín dụng phát hành và doanh số chi tiêu trung bình qua thẻ trên một khách hàng. Với hơn 400.000 thẻ của ngân hàng mẹ và hơn 1 triệu thẻ của FE Credit, VPBank cho biết đang là ngân hàng có số thẻ tín dụng đang hoạt động lớn nhất thị trường. Tổng chi tiêu qua thẻ thuộc nhóm lớn nhất thị trường.

Tính đến cuối năm 2018, VPBank đã phát hành hơn 3,8 triệu thẻ tín dụng và ghi nợ, tăng gấp đôi so với thời điểm 2017. Nhà băng này cho biết đã vươn lên trở thành ngân hàng đứng đầu về số lượng thẻ phát hành, với khoảng 240.000 thẻ mở mới, tăng trên 20% so với năm trước.

Giá trị chi tiêu thẻ tín dụng đạt hàng ngàn tỷ đồng mỗi tháng, tăng 65% so với năm 2017. Đến cuối năm 2018 tổng khối lượng giao dịch của VPBank chiếm khoảng 18% tổng giá trị thị trường. Số dư nợ thẻ tín dụng tính đến cuối năm 2018 cũng tăng gần 50% so với năm 2017. Tăng trưởng tốt giúp thẻ tín dụng đạt lợi nhuận 314 tỷ đồng, tăng trưởng 67% so với cùng kỳ.

Tại ĐHĐCĐ thường niên, ông Nguyễn Đức Vinh, TGĐ VPBank cho biết, thẻ tín dụng là 1 cách tiếp cận của nhà băng để tiến lên phân khúc cao hơn. Hiện FE Credit và VPBank đang chiếm 20% tổng số lượng thẻ tín dụng tại Việt Nam.

Tại báo cáo thường niên, Techcombank cũng cho biết đối với sản phẩm thẻ tín dụng, năm 2018, tổng khối lượng thanh toán tăng trưởng hơn 53% so với năm 2017. Nhà băng này cũng cho biết trở thành ngân hàng dẫn đầu thị trường về doanh số thanh toán qua thẻ Visa (đối với cả thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ) trong năm 2018. 

Một ngân hàng lớn khác cũng có tốc độ tăng trưởng ở mảng thẻ tín dụng vượt trội trong năm qua là SCB. SCB cho biết, trong năm 2018, doanh số thẻ tín dụng SCB tăng 206,7% so với năm 2017. Trong đó có hơn 66.000 khách hàng sử dụng thẻ tín dụng quốc tế SCB và hơn 240.000 khách hàng sử dụng thẻ thanh toán quốc tế. 

Các công ty tài chính cũng đang "tấn công" mạnh vào thị trường này. Sau khi được cấp phép hoạt động, Lotte Finance liền ra mắt 2 sản phẩm thẻ tín dụng gồm Lotte Finance Visa và Lotte Finance Visa Platinum. Sản phẩm có nhiều tính năng và ưu đãi như hoàn phí thường niên trọn đời, giảm giá và tích lũy điểm thưởng tại hệ thống cửa hàng đồ ăn nhanh, quán café, rạp chiếu phim... của Tập đoàn Lotte. 

Trong khi đó, Shinhan Finance vừa chính thức đi vào hoạt động sau khi được NHNN cấp giấy phép. Công ty con của tập đoàn Shinhan là Shinhan Card đã sở hữu công ty tài chính tại Việt Nam thông qua việc chi hơn 150 triệu đô la Mỹ để mua lại công ty tài chính Prudential. Công ty tài chính này được cấp tín dụng dưới các hình thức: cho vay, bao gồm cả cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng, phát hành thẻ tín dụng.

Hải Vân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên