Cùng nuôi heo, bán thịt sạch như heo ăn chuối, heo ăn chay, Meatdeli... GreenFeed của ông Lý Anh Dũng lãi hơn 1 tỷ mỗi ngày trong cơn bĩ cực của ngành
Nếu như năm 2022 là một năm khó khăn của các "đại gia" nuôi heo với những khoản lỗ lớn bất ngờ thì GreenFeed Việt Nam vẫn lãi to - dù sụt giảm so với năm trước.
- 18-06-2023Cầm cự qua "cơn bĩ cực”, doanh nghiệp nuôi heo đã có lãi trở lại khi giá heo vừa vượt mốc 60.000 đồng/kg?
- 15-06-2023BAF nói gì khi trại nuôi heo bị phạt do xả thải ô nhiễm môi trường?
- 07-06-2023Một doanh nghiệp xin xây nhà cao tầng để nuôi heo ở Thanh Hóa
Được biết đến là một trong những công ty nằm trong hệ sinh thai nông nghiệp đồ sộ của doanh nhân Lý Anh Dũng (SN 1966), CTCP GreenFeed Việt Nam thành lập từ năm 2003, có trụ sở chính tại xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công là ông Lý Anh Dũng.
Công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm và thủy sản.
Đến nay, Greenfeed đã có hệ thống 10 nhà máy tại Việt Nam, Campuchia, Myanmar, Lào với tổng công suất trên 2 triệu tấn sản phẩm hàng năm và phân phối bởi hệ thống trên 3.000 đại lý cùng các trang trại mua trực tiếp.
Không chỉ có thức ăn chăn nuôi, Công cũng lấn sân sang lĩnh vực chăn nuôi và mạnh tay đầu tư 50 triệu USD để xây dựng hệ thống trại heo giống hạt nhân. Để hoàn thiện chuỗi 3F, vào năm 2018 Greenfeed xây Nhà máy Chế biến Thực phẩm Đồng Nai.
Cũng trong năm 2018, Greenfeed thành lập công ty thực phẩm Feddy với thương hiệu thịt sạch G. Sau hơn 1 năm ra mắt đã giới thiệu hơn 90 sản phẩm thịt mát và sản phẩm chế biến.
Trong đó, công ty này xây dựng được thương hiệu thịt mát G Kitchen, thịt heo Mamachoice và cửa hàng thịt sạch G Kitchen... tương tự như mô hình của MeatDeli, Heo Bapi của bầu Đức, Siba Food của "heo ăn chay" hay Dabaco.
Tuy nhiên, nếu như năm 2022 là một năm khó khăn của các "đại gia" nuôi heo với những khoản lỗ lớn bất ngờ thì GreenFeed Việt Nam vẫn lãi to - dù sụt giảm so với năm trước.
Cụ thể, theo công bố tình hình tài chính năm 2022, GreenFeed Việt Nam ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong năm đạt gần 417 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ. Trung bình mỗi ngày, công ty lãi khoảng 1,14 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/VCSH của công ty giảm từ 20,5% xuống 12,4%.
Vốn chủ sở hữu của công ty tại thời điểm cuối năm 2022 là 3.595 tỷ đồng, tăng 15% so với hồi đầu năm. Hệ số nợ phải trả/ vốn chủ sở hữu là 1,71 tương đương với giá trị nợ phải trả ở mức 6.147 tỷ đồng, trong đó, nợ trái phiếu hơn 1.000 tỷ đồng.
Giá trị tổng tài sản của GreenFeed thời điểm cuối năm đạt 9.742 tỷ đồng, tăng gần 16% so với thời điểm đầu năm.
Nếu so với 1 doanh nghiệp có mô hình khá tương đồng là Masan MeatLife (MML) thì GreenFeed Việt Nam có tổng tài sản thấp hơn (MML có tổng tài sản hơn 13.000 tỷ) nhưng trong khi MML lỗ 233 tỷ thì GreenFeed ghi nhận lợi nhuận vượt trội.
Theo thông tin công bố trên HNX, tháng 11/2021, GreenFeed đã phát hành 1 lô trái phiếu mã GFVCH2128001 với tổng giá trị phát hành 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn tối đa 84 tháng. Một nhà đầu tư nước ngoài đã mua toàn bộ lô trái phiếu trên là Công ty Tài chính Quốc tế - International Finance Corporation (IFC). Mục đích phát hành trái phiếu là tăng quy mô vốn hoạt động và/hoặc thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của GreenFeed.
Số trái phiếu trên được đảm bảo bằng 100% phần vốn góp tại Công ty TNHH GreenFarm Asia và 100% phần vốn góp tại Công ty TNHH LinkFarm thuộc sở hữu của GreenFeed; tất cả các quyền, quyền sở hữu, lợi ích và thu nhập liên quan đối với bất kỳ các khoản phải thu nội bộ giữ GreenFeed và GreenFarm, LinkFarm.
Lãi trái phiếu là cố định 6,53%/năm, áp dụng trong suốt kỳ hạn trái phiếu. Trong năm vừa rồi công ty đã chi gần 33 tỷ đồng để trả lãi trái phiếu.
Tháng 8/2022, GreenFeed Việt Nam đã tăng vốn lên 1.507,5 tỷ đồng, trong đó, vốn nước ngoài 66,42%, công ty TNHH Oriental Ford Holding (Hồng Kông, Trung Quốc) nắm 63,02% và GreenFeed (Thái Lan) nắm 3,4%.
Ngoài Greenfeed ông Lý Anh Dũng còn là chủ tịch Công ty TNHH Thương Mại Quang Dũng, một doanh nghiệp được thành lập từ năm 1999, chuyên kinh doanh các mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam.
Công ty này đã hợp tác với Tập đoàn Bunge (Mỹ) để thành lập nhà máy Bunge Việt Nam có tổng vốn đầu tư 100 triệu USD vào năm 2011. Với công suất sản xuất lên tới 2.500 tấn khô dầu đậu nành/ngày, nhà máy này đủ khả năng cung ứng 30% sản lượng khô dầu đậu nành mà Việt Nam phải nhập khẩu mỗi năm và còn có thể xuất khẩu sang các quốc gia lân cận.
Nhịp sống thị trường