MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cao nhân khuyên: Giữa bạn bè, giữ khoảng cách mới là tôn trọng; giữa người thân, lạnh nhạt vừa đủ mới là chân tình; giữa vợ chồng, dành không gian riêng mới là tình đẹp

12-05-2020 - 14:40 PM | Sống

"Cuộc đời như cây thước, phải có khấc độ, tình cảm như ranh giới, tối kỵ nhất là vượt giới hạn".

01

Mối quan hệ tốt nhất giữa người với người đó là quen nhưng không vượt quá quy củ

Có người nói nỗi sợ xã giao của người trưởng thành đó là không sợ tẻ nhạt chỉ sợ quen thân.

Nếu chỉ đọc lướt qua sẽ không thấy hợp tình hợp lý lắm. Nhưng nếu suy ngẫm kỹ sẽ thấy đạo lý ẩn chứa trong đó. Vì quá quen dễ dẫn tới thân, thân quá dễ gây mất chừng mực, dễ hình thành lỗ hổng gây rạn nứt tình cảm.

Giữa bạn bè, vợ chồng, bố mẹ và con cái với nhau cũng vậy.

Giống như những gì mà nhà văn Kevin Tsai đã từng nói: "quá nhiệt tình không phải là phương pháp tốt để duy trì những mối quan hệ. Xã giao với người khác tốt nhất nên ‘lạnh nhạt một chút’, giữ khoảng cách nhất định với thế giới bên ngoài".

Có khoảng cách mới có sự tôn trọng; Phải có sự tôn trọng thì mối quan hệ mới bền vững lâu dài.

Mối quan hệ tốt nhất giữa người với người đó là quen thân nhưng không được phá vỡ quy củ. Bởi nếu quá thân cận với ai cũng đều là một kiếp nạn.

 Cao nhân khuyên: Giữa bạn bè, giữ khoảng cách mới là tôn trọng; giữa người thân, lạnh nhạt vừa đủ mới là chân tình; giữa vợ chồng, dành không gian riêng mới là tình đẹp  - Ảnh 1.

02

Giữa bạn bè với nhau không nhất thiết phải ngọt như mật

Trần Đạo Minh có cách kết bạn độc đáo của riêng mình. Ông nói: "Có người nói tôi không thích kết bạn, thực ra không phải vậy, chỉ là cách kết bạn khác nhau mà thôi. Tôi luôn cho rằng, bạn bè không nhất thiết phải ngọt như mật. Bởi bạn bè đến lúc thân thiết sẽ chẳng cách ngày chia xa là mấy".

"Ngọt như mật", "thân thiết" mà ông muốn nói ở đây là chỉ cảm giác giới hạn không rõ ràng.

Những người có cảm giác giới hạn rõ ràng, họ biết đâu là chuyện riêng của bạn, mình không được can thiệp quá sâu, không ép buộc bạn bè phải tiếp nhận quan điểm cũng như cách nhìn nhận của mình.

Những người không có cảm giác giới hạn rõ ràng, dễ quá nhiệt tình đi sâu vào không gian riêng của bạn bè. Không quan tâm tới sự thật và ý kiến của bạn bè, can thiệp quá sâu vào cuộc sống của đối phương theo lô-gíc của riêng mình. Hậu quả khó tránh của điều này đó là hai bên trở mặt.

Tôi có cô bạn cấp ba tên Mỹ Lệ. Lệ là người thích giúp đỡ bạn bè giải quyết vấn đề, giúp bày mưu tính kế, thậm chí có lúc còn ép buộc bạn bè làm theo suy nghĩ của mình.

Có lần, Lệ giúp bạn thân và người yêu cãi nhau, rồi khuyên hai người họ chia tay. Điều khiến Lệ không thể ngờ được rằng, cô bạn thân và anh người yêu không lâu sau làm lành lại với nhau, đồng thời còn liên thủ mắng Lệ.

Lệ hỏi bạn thân: "Sao lúc cậu nhờ tớ cãi nhau với người yêu cậu?"

Bạn thân bữu môi: "Cậu chỉ hy vọng bọn tớ chia tay thôi? Ai cần cậu giúp chứ? Đồ nhiều chuyện!".

Vì chuyện đó mà Lệ buồn mất mấy hôm. Dĩ nhiên, kể từ đó Lệ và bạn thân như hai người lạ. Nhưng đây vẫn chưa phải là người bạn đầu tiên xa cách với Lệ.

Lệ rất thích tập gym. Cuối tuần, nếu không có việc gì Lệ thường tới phòng tập gym. Lệ có hai người bạn tốt nhưng lại "hay ăn thích nằm".

Trông vóc dáng của bạn ngày càng "biến dạng", Lệ thao thao bất tuyệt đủ các kiểu tai hại của việc béo. Lôi bằng được hai cô bạn cùng đi tập gym để giảm béo. Kiên quyết đến nỗi khiến hai cô bạn cảm thấy phản cảm, dần dần xa lánh Lệ.

Những gì mà Lệ đã trải qua nói cho chúng ta biết rằng: một trong những nguyên tắc quan trọng khi kết giao với bạn bè đó là thân nhưng phải có không gian, mật nhưng phải có khoảng cách.

Tuân thủ được giới hạn này, tình bạn sẽ lâu dài. Còn nếu vượt quá giới hạn trên, tình bạn khó tránh bị giảm nhiệt hay thậm chí là đóng băng.

Có một câu nói rất hay rằng: "Điều đáng quý nhất không phải là chúng ta giống nhau mà là rõ ràng biết ‘chúng ta khác nhau’ nhưng vẫn có thể tôn trọng, thấu hiểu nhau. Qua lại độc lập với nhau trên tiền đề giữ cá tính riêng, không đánh đồng, không hạ thấp, không xu nịnh và không vượt quá giới hạn".

Khiến người khác vui khi vừa mới kết giao không bằng khiến người khác không cảm thấy ghét khi đã kết giao lâu. Giữa bạn bè với nhau phải "chơi với nhau lâu mà không thấy ghét". Nhất định không được quá ngọt ngào, quá thân cận. Mà phải tương tác không vượt quá giới hạn, nói phải có chừng, hành động phải có mực.

Mối quan hệ dù tốt đến mấy, một khi mất đi những chừng mực cần thiết chỉ khiến đối phương ngày càng xa lánh bạn, tạo vách ngăn lớn giữa hai người.

 Cao nhân khuyên: Giữa bạn bè, giữ khoảng cách mới là tôn trọng; giữa người thân, lạnh nhạt vừa đủ mới là chân tình; giữa vợ chồng, dành không gian riêng mới là tình đẹp  - Ảnh 2.

03

Giữa cha mẹ và con cái phải yêu thương nhưng không bao bọc

Tôi có đứa em họ tên Hương, học đại học tài chính. Năm cuối đại học, nhà trường sắp xếp Hương đi thực tập ở một đơn vị tài chính xa nhà tận trong thành phố Hồ Chí Minh.

Ở một thời gian, Hương thấy thích nơi đây nên muốn ở lại phát triển. Thấy vậy, cô tôi hết lòng khuyên can: "Con phải nghĩ thật kỹ, xa nhà, gặp phiền phức gì không có ai có thể chia sẻ cùng con được đâu".

Nhưng Hương vẫn khăng khăng quả quyết nói rằng: "Con đã nghĩ kỹ lắm rồi, con quyết tâm muốn ở lại thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp".

Thấy vậy, cô chú tôi không khuyên ngăn gì thêm nữa.

Hai năm sau, Hương mang theo chàng rể miền Nam về nhà. Cô tôi thấy cậu ta cũng bình thường nhưng vì con gái thích nên hai vợ chồng cô chú tận tình tiếp đãi.

Sau đám cưới, hai vợ chồng Hương định cư trong Nam. Vợ chồng chung sống khó tránh khỏi bất đồng cãi vã. Mỗi lần nhận được điện thoại kể lể của con gái, cô tôi thường nói qua quýt: "Chuyện thường mà con, mẹ với bố con cãi nhau suốt ngày vẫn sống với nhau cả đời đây? Vợ chồng cãi vã vài câu là chuyện thường, hai ba ngày lại thôi ấy mà".

Hương không bao giờ tìm thấy sự an ủi từ phía cha mẹ, lại còn được "thỉnh giảng" một tràng. Lâu dần, nếu vợ chông có cãi nhau, Hương cũng tự giải quyết hòa bình.

Năm ngoái, Hương sinh em bé, nhưng cô tôi không vào Nam chăm sóc con gái và cháu nội, cô nói: "Con rể được cái nấu ăn ngon, con gái có bầu con rể hoàn toàn có thể tự chăm sóc; Sinh cháu xong, ông bà thông gia gần gũi sẽ qua chăm cháu. Thế nhưng, mình cũng nên trợ cấp về kinh tế, bỏ tiền thuê ô-sin, bảo mẫu cho con gái và con rể".

Cách làm của vợ chồng cô chú tôi khác hoàn toàn với nhiều các bậc cha mẹ khác. Bề ngoài trông có vẻ "ích kỷ", lạnh nhạt với con cái nhưng thực ra lại rất sáng suốt.

Không chỉ giúp con cái sống tự lập hơn còn tôn trọng không gian riêng của chúng, tránh được phát sinh những va chạm hay xung đột không cần thiết.

Giống như những gì mà tiểu thuyết gia Tất Thục Mẫn từng nói: "Với con cái, chúng ta như thầy cũng như bạn, yêu thương nhưng không bao bọc".

Trong cuộc sống hiện thực, rất nhiều các bậc cha mẹ không làm được điều này. Họ giương cờ hiệu yêu thương, can thiệp quá sâu vào đời sống của con cái. Không chỉ khiến bản thân mệt mỏi mà còn tốn công vô ích, khiến con cái phản cảm, quan hệ ruột thịt căng thẳng.

Kahlil Gibran nói: "Con cái của bạn, nhờ bạn mà đến được thế giới này, nhưng chưa chắc là đến vì bạn. Những gì mà bạn cho chúng là tình yêu chứ không phải là tư tưởng. Bạn có thể bảo vệ sức khỏe của chúng nhưng không thể bảo vệ được linh hồn của chúng".

 Cao nhân khuyên: Giữa bạn bè, giữ khoảng cách mới là tôn trọng; giữa người thân, lạnh nhạt vừa đủ mới là chân tình; giữa vợ chồng, dành không gian riêng mới là tình đẹp  - Ảnh 3.

04

Giữa vợ chồng với nhau cần phải cho nhau chút không gian

Romain Rolland từng nói: "Hạnh phúc là ở biết được giới hạn của ai đó và yêu cái giới hạn đó. Khoảng cách và giới hạn giữa vợ và chồng thực ra chính là tình yêu và sự tôn trọng".

Nhiều người nói rằng mối quan hệ vợ chồng tốt đẹp là phải thân mật không có "kẽ hở" mà không biết rằng, mối quan hệ tình cảm thiếu không gian riêng không phải là tình yêu và sự tôn trọng thực sự. Nó sẽ khiến đối phương cảm thấy không thoải mái, hay thậm chí là ức chế. Và kết quả luôn là sự xa cách giữa vợ chồng với nhau.

Tuần trước, Hoa cô bạn thân đại học mệt mỏi tâm sự, vì Hoa nhiều lần xâm phạm không gian riêng của chồng, cuối cùng khiến chồng đi ngoại tình.

Hoa luôn cho rằng, yêu một người nào đó cần phải thuộc lòng từng tế bào của họ, biết mọi động thái của họ, quan tâm tới mọi nhu cầu của họ. Tóm lại là phải dính lấy nhau 360 độ và không có góc chết.

Chính vì vậy mà Hoa quan tâm chồng từng li từng tý: điều tra tìm hiểu rõ ràng từng người bạn của chồng, theo dõi từng động thái của chồng, kiểm tra điện thoại của chồng…

Hoa vốn cho rằng, tình yêu của mình giống như một mái nhà ấm áp, khiến đối phương không thể rời xa. Nhưng điều bất ngờ là chồng Hoa lại thấy mình như "người máy" của vợ, không có tự do và không gian riêng, khiến anh ta cảm thấy ngột ngạt.

Thế là người chồng cứ tan ca là về nhà trước kia thường lấy lý do tăng ca, ngày càng về muộn; Người chồng vốn quan tâm vợ hết mực ấy bắt đầu lạnh nhạt và không ngó ngàng gì tới vợ.

Đứng trước sự thay đổi đó của chồng, Hoa không những không tự kiểm điểm lại vấn đề của mình, ngược lại kiểm soát hành tung của chồng nghiêm ngặt hơn: kiểm tra điện thoại, gọi điện thoại, thậm chí còn chơi trò theo dõi.

"Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh", chồng Hoa ngày càng thân thiết với nữ đồng nghiệp trong công ty, cuối cùng tiến tới ngoại tình.

Tại sao "tình yêu đẹp" trong mắt Hoa lại khiến chồng ngột thở?

Bởi sự quan tâm của Hoa đối với chồng vốn không phải là tình yêu mà là kiểm soát. Hoa không biết rằng, tình yêu thực sự là phải chấp nhận chứ không phải thay đổi, phải ủng hộ chứ không phải chi phối.

Quan hệ vợ chồng dù tốt đến mấy, hai người dù gì vẫn là hai cá thể độc lập, không phải là vật sở hữu của bất cứ ai, không thể tùy ý chi phối mọi hành động của đối phương.

Lưu Nhược Anh cho rằng: nguyên tắc sống chung tốt nhất giữa vợ chồng với nhau đó là "sống trong nỗi cô độc từ tận đáy lòng của đối phương". "Khoảng cách sản sinh cái đẹp", chỉ khi giữ không gian riêng, tôn trọng và quý trọng lẫn nhau thì gia đình mới êm ấm, hôn nhân mới bền lâu.

 Cao nhân khuyên: Giữa bạn bè, giữ khoảng cách mới là tôn trọng; giữa người thân, lạnh nhạt vừa đủ mới là chân tình; giữa vợ chồng, dành không gian riêng mới là tình đẹp  - Ảnh 4.

05

Cuộc đời giống như cây thước phải có khấc độ

Nhà tâm lý học nổi tiếng người Trung Quốc Võ Chí Hồng từng đưa ra một khái niệm mang tên "logic hồ dán".

"Logic hồ dán" là chỉ mối quan hệ xã giao đặc sệt giống như hồ dán. Dính chặt lấy nhau, của bạn là của tôi, của tôi là của bạn, không phân biệt lẫn nhau.

Nếu sống theo mối quan hệ đặc sệt này sẽ khiến người với người sát gần nhau, dễ phát sinh mâu thuẫn và xung đột.

Đối lập với "logic hồ dán" là "ý thức giới hạn", hay còn gọi là cảm giác giới hạn. Đơn giản đó là: tôi là tôi, bạn là bạn, việc của tôi là việc của tôi, việc của bạn là việc của bạn.

Chỉ khi tránh được "logic hồ dán", gia tăng "ý thức giới hạn" mới khiến mối quan hệ giữa người với người được lâu dài.

Giữa bạn bè với nhau, giữ khoảng cách mới là tôn trọng;

Giữa người thân với nhau, lãnh nhạt vừa phải mới là chân tình;

Giữa vợ chồng với nhau, dành không gian riêng mới là tình cảm đẹp.

"Cuộc đời như cây thước, phải có khấc độ, tình cảm như ranh giới, tối kỵ nhất là vượt giới hạn".

Thân cận quá với ai cũng đều là một kiếp nạn. Mong rằng chúng ta đều có thể thân cận với người khác một cách có khoảng cách, thân quen có mức độ, nhìn nhau không thấy ghét, chơi với nhau không thấy mệt.



Theo Ngọc Thuỷ

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên