MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc đang xuất khẩu lạm phát ra toàn thế giới như thế nào?

09-09-2021 - 15:25 PM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc đang xuất khẩu lạm phát ra toàn thế giới như thế nào?

Chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc tăng mạnh nhất kể từ 2008 nhưng CPI của nước này không biến động mạnh. Trái lại CPI Mỹ đang chịu áp lực lớn.

Chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc vừa chạm mốc cao nhất trong 13 năm trở lại đây. Điều này tạo ra áp lực rất lớn cho chỉ số giá tiêu dùng toàn cầu vốn, chỉ số vốn đang bị đẩy tăng bởi nhiều yếu tố gồm giá hàng hóa bùng nổ, chi phí vận chuyển tăng vọt và đà hồi phục chập chờn của kinh tế thế giới.

Theo báo cáo vừa được Tổng cục thống kê Trung Quốc công bố sáng nay (9/9), chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 8 của Trung Quốc tăng 9,5% so với 1 năm trước, chủ yếu do giá hàng hóa tăng. Tuần sau Mỹ mới công bố chỉ số lạm phát nhưng CPI Mỹ được dự báo sẽ có tháng thứ 3 liên tiếp ở mức trên 5%. Các doanh nghiệp buộc phải tăng giá hàng hóa và dịch vụ vì áp lực quá lớn, bất chấp Cục dự trữ liên bang vẫn khẳng định áp lực giá cả hiện nay chỉ là tạm thời.

Tại Mỹ, tình trạng thiếu nguyên vật liệu, các nút thắt cổ chai về vận tải và những khó khăn trong tuyển dụng lao động sẽ tiếp tục gây áp lực lớn lên giá cả trong những tháng sắp tới. Các nhà nhập khẩu ở cả Mỹ và châu Âu còn phải chịu mức phí vận chuyển cao kỷ lục, trong khi lượng hàng mua từ Trung Quốc cũng tăng lên mức kỷ lục. Do đó PPI của Trung Quốc lập đỉnh 13 năm là điều rất bất lợi ngay tại thời điểm họ đang tăng cường tích trữ hàng hóa cho mùa mua sắm cuối năm.

Theo Ding Shuang, chuyên gia kinh tế trưởng tại Standard Chartered, có mối quan hệ khá chặt chẽ giữa chỉ số PPI của Trung Quốc và CPI của Mỹ. Nhóm nghiên cứu của ông dự báo PPI Trung Quốc sẽ còn tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm, trước khi hạ nhiệt vào đầu năm tới. Do đó tác động lên Mỹ sẽ còn kéo dài.

8 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc sang Mỹ tăng hơn 30% so với 2020. Cả số lượng và giá trị đều tăng mạnh do nhu cầu lớn và giá cả tăng. Ngoài ra chi phí vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến Mỹ hay bất cứ đâu đều tăng mạnh do thiếu container, nhiều cảng tắc nghẽn, Covid-19 và một số yếu tố khác.

Theo Dong Lijuan, một cán bộ của Tổng cục thống kê Trung Quốc, PPI tăng chủ yếu do giá than đá, hóa chất và thép tăng mạnh. Trong tháng 8 giá than đã tăng 57,1% so với 1 năm trước. Fitch Ratings nhận định giá than sẽ còn tiếp tục tăng ở Trung Quốc vì hiện cầu đang lớn hơn cung, đặc biệt trong bối cảnh chính phủ nước này quyết tâm giảm ô nhiễm và phát thải carbon. Ngoài ra giá cũng bị ảnh hưởng từ lệnh cấm nhập khẩu than từ Australia.

Tuy nhiên có vẻ như lạm phát giá sản xuất hiện chưa được chuyển sang người tiêu dùng Trung Quốc. Chỉ số CPI của Trung Quốc vẫn ổn định do nhu cầu đi ngang, giá thực phẩm giảm và chi tiêu cho các hoạt động đi lại, du lịch giảm sau khi áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát dịch bệnh trong tháng 8.

Điều này cho phép NHTW Trung Quốc (PBOC) chưa phải vội vàng điều chỉnh chính sách tiền tệ. PBOC vẫn nhận định áp lực lạm phát hiện ở trong tầm kiểm soát, và việc đà phục hồi kinh tế bị mất đà trong thời gian gần đây sẽ làm giảm áp lực lạm phát.

Trong khi đó tại Mỹ các nhà hoạch định chính sách của Fed cũng có thể vững tin với nhận định lạm phát hiện nay ở Mỹ chủ yếu xuất phát từ các nguyên nhân liên quan đến chuỗi cung ứng chỉ không phải do lãi suất siêu thấp.

Tham khảo Bloomberg

Thu Hương

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên