MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cao sao vàng lên Amazon có giá 7 USD, phin pha cà phê giá 10 USD, chổi đót gần 20 USD: Bán hàng trên Amazon thực sự dễ đến vậy sao?

18-01-2019 - 09:02 AM | Doanh nghiệp

Cuộc chơi trên Amazon là cuộc chơi chỉ dành cho những kẻ vốn lớn và hiểu luật.

Thông tin Bộ Công Thương gần đây bắt tay Amazon, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước bán sản phẩm trên trang thương mại điện tử lớn nhất thế giới đang khiến nhiều người Việt xôn xao. Không chỉ giới hạn ở thị trường Việt, Amazon hiện đang là một đại thị trường với quy mô lên tới 300 triệu tài khoản người mua, trong đó có hơn 100 triệu khách hàng Prime cũng như hàng triệu đại lý mua hàng sỉ ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đang mở ra phía trước.

Quan trọng nhất, ai cũng hiểu sản phẩm bán trên Amazon có giá trị gấp nhiều lần bán trong nước. Trên trang Amazon của Mỹ, chổi đót Việt Nam có giá 14,99 USD, tương đương khoảng 300.000 đồng/cây. Trong khi tại Việt Nam, loại chổi này có giá không đầy 30.000 đồng. Hay phin pha cà phê giá chỉ 40.000 đồng tại siêu thị Việt Nam thì lên Amazon giá 9,99 USD (230.000 đồng); cao sao vàng chưa đến 10.000 đồng/hộp được bán với giá 7 USD (hơn 150.000 đồng).

Cao sao vàng lên Amazon có giá 7 USD, phin pha cà phê giá 10 USD, chổi đót gần 20 USD: Bán hàng trên Amazon thực sự dễ đến vậy sao? - Ảnh 1.

Các mẫu chỏi đót Việt Nam bán trên Amazon.

Tuy nhiên, bán hàng trên Amazon thực tế không hề dễ dàng như vậy.

Hãy nhìn số liệu của Bộ Công Thương thống kê vào tháng 3/2018: Tại thời điểm đó, có khoảng 200 doanh nghiệp Việt Nam bán hàng trên Amazon, trong khi số doanh nghiệp Việt Nam bán hàng trên Alibaba có khoảng 100.000. Bởi bán hàng trên Amazon không phải khó, mà là khó vô cùng.

Chơi lớn cần vốn lớn

Theo thông tin chia sẻ bởi group Digital marketing Ctrl A, bán hàng trên Amazon cần có vốn lớn. Nếu chỉ để gia nhập thì số vốn ban đầu khoảng 10-40 triệu đồng là đủ. Vấn đề là số vốn này quá nhỏ, người bán sẽ "không lời lãi gì mà lỗ luôn" vì họ chỉ có thể nhập về các sản phẩm giá trị thấp.

Khoản vốn vài chục triệu chỉ đủ để người bán học hỏi tham khảo, còn để kiếm tiền và sinh lời thì người bán cần chừng 15.000 USD, tương đường hơn 300 triệu đồng.

"Người tham gia càng mới càng phải nhiều vốn, vì bây giờ sân chơi Amazon là sân chơi hấp dẫn, nên khá nhiều người nhảy vào càn quét từng ngành hàng. Nói chung, 300 triệu đồng là vốn tầm thấp, cao hơn và cao hơn nữa thì con số phải lên hàng triệu USD", group này nhận định.

Vậy tại sao bán hàng Amazon lại cần vốn lớn?

Theo lý giải, công thức tham gia Amazon là người bán phải liệt kê được nhiều hàng trên đấy, vận chuyển lại xa xôi cách trở nên họ cần vốn để "bơm hàng" liên tục. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới việc hút vốn mạnh khi bán trên Amazon. Bên cạnh đó chi phí lưu kho cao cộng thêm nhiều chi phí phát sinh lặt vặt khác cũng tốn của người bán một khoản không nhỏ.

"Bạn cứ hình dung người một nơi, của một nẻo nên hở ra việc gì cũng cần tới tiền mới xong việc. Cơ bản là vậy".

Cao sao vàng lên Amazon có giá 7 USD, phin pha cà phê giá 10 USD, chổi đót gần 20 USD: Bán hàng trên Amazon thực sự dễ đến vậy sao? - Ảnh 2.

Một kho hàng của Amazon.

Chơi lớn cần kiến thức

Theo group Digital marketing Ctrl A,câu chuyện bán hàng trên Amazon không đơn thuần là thống kê sản phẩm, đẩy hàng về kho và bán trên đó. Để thành công, người bán cần rất nhiều chiến thuật kinh doanh, góc nhìn tương lai xa gần của xu hướng, tư duy rõ ràng về sản phẩm và định hướng chiến lược.

Môi trường Amazon là môi trường cạnh tranh toàn cầu đầy khốc liệt, nghĩa là những gì hấp dẫn đều đã có người bán rồi. Còn với những sản phẩm người bán nghĩ là tiềm năng thì có khi thực tế lại không như vậy.

"Tiềm năng trong góc nhìn của bạn thôi. Khi nhập về và đẩy sản phẩm tới kho Amazon, sau đó lên quảng cáo và tối ưu mã hàng thì ế chỏng chơ. Chi phí lưu kho thì cao, lưu lâu quá thì phải hủy hàng chứ chẳng biết đổ đi đâu. Nhiều người làm kinh doanh đầy kinh nghiệm trên Amazon không ít lần dính phải vấn đề này, nên nếu như bạn chưa đủ tự tin về phân tích thị trường, hãy củng cố thật vững vàng trước khi nghĩ tới kinh doanh trên Amazon", người viết phơi bày thực tế.

Chưa kể từ trước đến nay, Amazon có chính sách bán hàng "rất khó tính" và nghiêm khắc, thường xuyên khóa tài khoản người bán bởi các lỗi về an toàn sản phẩm, hàng giả hàng nhái, bảo hộ thương hiệu,... Một khi tài khoản bị khóa, người bán phải tìm mọi cách thanh lý hàng đã gửi ở kho Amazon và thường là sẽ lỗ nặng.

Ngoài ra, câu chuyện liên quan đến vấn đề am hiểu thị trường quốc tế, về thói quen mua sắm, hành vi, tôn giáo, văn hóa,…của người phương Tây cũng rất khác với người Việt.

"Chúng ta bị ảo tưởng sức mạnh rất nhiều khi đang ở môi trường bán hàng online tại Việt Nam thành công nên ngỡ rằng bán quốc tế sẽ dễ dàng. Không, thực tế là khó hơn nhai đá", group này nhận định.

Theo Nhật Anh (tổng hợp)

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên