Cao su Phước Hoà (PHR): Dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng đến ngành cao su và dầu mỏ, năm 2020 vẫn sẽ lãi lớn nhờ bồi thường đất, cổ tức không dưới 40%
Sau quyết định thu hồi 345,77ha đất để thực hiện KCN Nam Tân Uyên mở rộng của UBND Bình Dương, Cao su Phước Hoà (PHR) sẽ ghi nhận 860 tỷ đồng trong năm 2020, trong khi hoạt động thanh lý vườn cây cao su ghi nhận hơn 100 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức ngày 11/3, cổ đông Cao su Phước Hòa (PHR) đã thông qua kế hoạch công ty mẹ với tổng doanh thu đạt 2.460 tỷ đồng, lãi trước thuế 1.148 tỷ đồng; lần lượt tăng 46% và 115% so với thực hiện 2019. Với con số trên, Công ty cho biết tỷ lệ cổ tức dự kiến không thấp hơn 40%.
Dịch COVID-19 đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên ngành cao su và dầu mỏ thế giới
Nói về kế hoạch đột biến năm 2020 đến từ những mảng nào, ban lãnh đạo cho biết lĩnh vực hoạt động chính là cao su tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, giá bán cao su ở mức thấp bình quân khoảng 32,34 triệu đồng/tấn giảm so với mức 33,41 triệu đồng/tấn năm 2019.
Chưa kể, dịch COVID-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ cao su thiên nhiên và dầu mỏ lớn nhất thế giới, kéo theo tác động làm sụt giảm gần ¼ nhu cầu dầu mỏ toàn cầu.
Các nhà đầu cơ và đầu tư trên thị trường hàng hóa dỡ bỏ vị thế đang nắm giữ để trú ẩn qua mùa dịch; hàng tồn kho tăng dần tại các kho chỉ định của Thượng Hải; tổng diện tích cao su trưởng thành của các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) dự kiến mở rộng thêm 317.000 ha trong năm 2020.
Theo đó, ANRPC dự báo sản lượng cao su thiên nhiên thế giới đạt 14,28 triệu tấn, tăng 3,8% so với năm trước; nhu cầu ở mức 14 triệu tấn, tăng 2,7%.
Kết quả, mức đóng góp kinh doanh sẽ không đáng kể thậm chí sụt giảm so với năm 2019 về mức chỉ còn 0,7-0,8% trên tổng doanh thu. Hiện, Công ty đang dần chuyển sang ký hợp đồng dài hạn với các hợp đồng cao su, tỷ lệ thực hiện đâu đó đạt 80%.
Năm 2030, diện tích cao su dự giảm xuống 5.000-6.000 ha, còn lại 10.000 ha sẽ tiến hành chuyển đổi
Ngược lại, phần lớn lợi nhuận 2020 sẽ đến từ việc bồi thường đất. Đáng chú ý, ngày 20/2/2020, UBND Tỉnh Bình Dương đã ký quyết định thu hồi 345,77 ha nằm trên địa bàn 2 xã thuộc thị xã Tân Uyên để thực hiện dự án KCN Nam Tân Uyên mở rộng (giai đoạn 2). Theo đó Công ty sẽ ghi nhận 860 tỷ đồng trong năm 2020, trong khi hoạt động thanh lý vườn cây cao su ghi nhận hơn 100 tỷ đồng.
Phần còn lại đến từ mảng kinh doanh cao su và công ty liên doanh, liên kết.
Chia sẻ sâu hơn về định hướng phát triển khu công nghiệp, chuyển đổi đất, PHR hiện đã xây dựng chiến lược phát triển 2019-2025 theo định hướng phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bình Dương. Trọng điểm phát triển giai đoạn 2020-2025 của tỉnh Bình Dường nằm ở huyện Bắc Tân Uyên và Bàu Bàng. Diện tích cao su của công ty là 14.000 ha nằm các vị trí phù hợp với quy hoạch phát triển của tỉnh Bình Dương như Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng...
Tầm nhìn đến 2030, diện tích cao su của đơn vị giảm xuống 5.000-6.000 ha và phần còn lại khoảng 10.000 ha tiến hành chuyển đổi. Công ty đã xác định xong diện tích phân bổ từng phần để phục vụ các nhu cầu phát triển của tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, việc giao đất sẽ tùy thuộc vào tốc độ phát triển của tỉnh, chủ trương phát triển dự án, tiến trình phê duyệt do vấn đề giao đất được tập đoàn và địa phương kiểm soát kỹ.
Đại hội lần này cũng chính thức thông qua miễn nhiệm Chủ tịch HĐQT Lê Phi Hùng (nghỉ hưu theo chế độ) và bầu thay thế ông Huỳnh Kim Nhựt từ ngày 10/3/2020.
Trí Thức Trẻ