MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cao su Phước Hòa (PHR) lãi hợp nhất gần 400 tỷ đồng trong quý 4/2020, chuyển dịch mạnh sang đầu tư BĐS KCN

Cao su Phước Hòa (PHR) lãi hợp nhất gần 400 tỷ đồng trong quý 4/2020, chuyển dịch mạnh sang đầu tư BĐS KCN

Phước Hòa hiện đang vận hành các khu công nghiệp tại tỉnh Bình Dương thông qua các công ty con và công ty liên kết. Phước Hòa đang tiếp tục gia tăng sự hiện diện trong mảng KCN vốn có khả năng sinh lời cao, xu hướng này sẽ tiếp diễn mạnh mẽ trong thời gian tới.

CTCP Cao su Phước Hòa (PHR) công bố KQKD hợp nhất quý 4/2020 với doanh thu 746 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế 398,5 tỷ đồng, trong khi quý 4/2019 công ty lỗ 162,3 tỷ đồng.

Lũy kế năm 2020, Phước Hòa ghi nhận doanh thu 1.632 tỷ đồng, tương đương năm 2019 nhưng lãi ròng đạt 1.080 tỷ đồng, tăng 140% so với năm trước. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) năm 2020 đạt 7.700 đồng.

Tại mức giá đóng cửa ngày 22/1 là 65.900 đồng/cp, cổ phiếu PHR đang giao dịch với P/E 8,6 lần.

Cao su Phước Hòa (PHR) lãi hợp nhất gần 400 tỷ đồng trong quý 4/2020, chuyển dịch mạnh sang đầu tư BĐS KCN - Ảnh 1.

Biến động cổ phiếu PHR

Chiến lược chuyển đổi dần đất cao su sang đất Khu công nghiệp

Phước Hòa là một trong những công ty cao su tự nhiên niêm yết hàng đầu tại Việt Nam. Ngoài ra, Phước Hòa đang sở hữu 85% cổ phần của KCN Tân Bình, thuộc khu vực phía Nam của tỉnh Bình Dương và 32,9% cổ phần tại CTCP KCN Nam Tân Uyên (NTC). Phước Hòa đã gia tăng sự hiện diện trong mảng KCN vốn có khả năng sinh lời cao hơn, xu hướng chuyển đổi chiến lược này sẽ tiếp diễn trong thời gian tới.

Cao su Phước Hòa (PHR) lãi hợp nhất gần 400 tỷ đồng trong quý 4/2020, chuyển dịch mạnh sang đầu tư BĐS KCN - Ảnh 2.

Với nhu cầu về đất KCN gia tăng mạnh tại Việt Nam, Phước Hòa được đánh giá là doanh nghiệp được hưởng lợi lớn với quỹ đất lên tới 15.000 ha.

Đến năm 2025, Phước Hòa có kế hoạch chuyển đổi khoảng 5.600 ha đất cao su sang đất KCN (bao gồm khoảng 4.000 ha đất KCN tự phát triển và khoảng 1.600 đất chuyển nhượng cho các chủ đầu tư KCN khác).

Phước Hòa hiện đang hoàn thiện các thủ tục trình Tỉnh Bình Dương về việc thành lập mới 2 Khu Công nghiệp – Đô thị - Dịch vụ (Hội Nghĩa 715 ha và Bình Mỹ 1.002 ha) và hoàn thành các thủ tục để sớm triển khai KCN Tân Lập 1 (201,62 ha), KCN Tân Bình mở rộng 1.055 ha.

Theo đánh giá của CTCK Bản Việt (VCSC), việc chuyển đổi đất trồng cao su cho KCN VSIP III sẽ là yếu tố dẫn dắt lợi nhuận và dòng tiền cho Phước Hòa trong ngắn hạn. Theo đó, Phước Hòa sẽ chuyển đổi 691 ha đất cho VSIP và thu về 898 tỷ đồng phí bồi thường đất; 20% thu nhập ròng (tối thiểu 1,2 tỷ đồng/ha) từ cho thuê đất KCN và Phước Hòa sẽ đóng góp 20% vốn điều lệ cho KCN VSSIP III để nhận được lợi nhuận từ KCN này.

Ngoài ra, KCN Tân Lập tự phát triển sẽ là yếu tố dẫn dắt trong ngắn và trung hạn. Hiện nay, khu Tân Lập 1 đang hoàn thiện nốt các thủ tục cuối cùng trình Thủ tướng phê duyệt và có thể mang lại ngay doanh thu và lợi nhuận năm 2021. Phước Hòa có mục tiêu đầy tham vọng khi muốn KCN Tân Lập thành trung tâm sản xuất vật liệu gỗ lớn nhất tại tỉnh Bình Dương với sự hỗ trợ từ một NĐT chiến lược là một trong những công ty nội thất có vốn FDI lớn nhất tại Việt Nam.

Theo Phước Hòa, KCN Tân Lập dự kiến là giải pháp phù hợp cho ngành cung cấp vật liệu gỗ vốn có tính phân mảng cao tại tỉnh Bình Dương. Mục tiêu chính của KCN là thu hút các nhà cung cấp vật liệu gỗ và dịch vụ phụ trợ để chuyển KCN này thành trung tâm tập trung của ngành gỗ tại tỉnh Bình Dương. Diễn biến này dự kiến cũng sẽ giúp làm giảm chi phí kho bãi, logistics và thu mua cho các nhà sản xuất sản phẩm gỗ. Phước Hòa có kế hoạch sở hữu 51% cổ phần tại KCN Tân Lập; đất KCN sẽ được chuyển đổi từ đất cao su tại Phước Hòa. KCN Tân Lập 1 có tổng diện tích 200 ha và chủ yếu bao gồm các nhà máy/nhà kho xây sẳn để cho thuê (chiếm 80% diện tích) và dự kiến tạo ra doanh thu cốt lõi ổn định cho Phước Hòa trong ngắn và trung hạn.

Nhiều kế hoạch chuyển đổi đất KCN hiện đang nằm trong kế hoạch dài hạn

Nhiều kế hoạch chuyển đổi đất KCN hiện đang nằm trong kế hoạch dài hạn của Phước Hòa. KCN Lai Hưng (tổng diện tích 600ha với Becamex là chủ đầu tư và thông qua quy hoạch tổng thể 2020 tại tỉnh Bình Dương) cũng nằm trong quỹ đất trồng cao su của Phước Hòa.

Ngoài ra, Phước Hòa đã đề xuất các KCN mới trong quy hoạch tổng thể trong giai đoạn 2021-2025 (bao gồm KCN Tân Bình Mở rộng, Hội Nghĩa, Bình Mỹ và Tân Thành). Theo quy hoạch tổng thể của tỉnh Bình Dương, khoảng 570 ha các dự án công và 400 ha cho các dự án thương mại (nhà máy xử lý rác thải) nằm tại các khu đất trông cây cao su của Phước Hòa.

Cao su Phước Hòa (PHR) lãi hợp nhất gần 400 tỷ đồng trong quý 4/2020, chuyển dịch mạnh sang đầu tư BĐS KCN - Ảnh 3.

Trong khi Phước Hòa chỉ mới nhận được phê duyệt quy hoạch tổng thể cho dự án KCN Tân Lập 1, công ty kỳ vọng ghi sẽ nhận được phê duyệt cho nhiều dự án với tổng diện tích khoảng 3.800ha trong giai đoạn 2021-2025.

VCSC cho rằng Phước Hòa có kế hoạch gia tăng sự hiện diện trong mảng KCN thông qua kế hoạch tự đầu tư các KCN cũng như thông qua thương thảo với các chủ đầu tư KCN khác khi chuyển đổi đất trồng cao su sang đất KCN (Phước Hòa thường yêu cầu cổ phần tại các KCN này). Chiến lược này sẽ chuyển đổi yếu tố dẫn dắt của Phước Hòa sang mảng KCN trong trung và dài hạn.

Triển vọng ngắn hạn tích cực cho mảng cao su tự nhiên (CSTN)

PHR hiện quản lý khoảng 13.600 ha đất cao su tại tỉnh Bình Dương, trong đó diện tích cao su đang khai thác chiếm 7.072 ha (52% tổng diện tích cao su của PHR tại Việt Nam) và 5.678 ha chưa đến tuổi thu hoạch (42% tổng diện tích cao su của PHR tại Việt Nam) tính đến cuối năm 2019.

Các đồn điền cao su tại Cambodia dự kiến bắt đầu ghi nhận lợi nhuận từ năm 2020. PHR trồng 7.664 ha cây cao su tại Cambodia trong giai đoạn 2009-2014 thông qua công ty con mà PHR sở hữu 100% là công ty TNHH Phát triển Cao su Phước Hòa Kampong Thom. Các công ty con này sẽ bắt đầu ghi nhận lợi nhuận từ năm 2020 sau khi gánh nặng từ lãi vay của công ty giảm dần.

Theo đánh giá của VCSC, nhờ nhu cầu CSTN từ các nhà máy Trung Quốc phục hồi trong thời gian gần đây cũng như nguồn cung toàn cầu gián đoạn do dịch COVID-19 và các điều kiện thời tiết bất lợi tại các quốc gia nguồn cung lớn như Thái Lan, giá CSTN đã tăng rất mạnh trong năm 2020. Từ đầu năm 2021 đến nay, giá cao su tiếp tục tăng thêm hơn 23%.

Cao su Phước Hòa (PHR) lãi hợp nhất gần 400 tỷ đồng trong quý 4/2020, chuyển dịch mạnh sang đầu tư BĐS KCN - Ảnh 4.

Giá cao su tự nhiên tăng "phi mã"

VCSC cho rằng giá trị cây cao su được khai thác tối ưu bởi chuỗi sản xuất tích hợp gồm chế biến gỗ cao su thông qua công ty con mà Phước Hòa sở hữu 70% là CTCP Cao su Trường Phát. Mảng kinh doanh chính của công ty con này là chế biến gỗ cao su xẻ và pallet gỗ cao su. Tổng công suất chế biến của Trường Phát là 20.000 m3/năm. Trong giai đoạn 2013-2019, mảng chế biến gỗ chiếm 10%-26% tổng doanh thu của Phước Hòa.

Một điểm hấp dẫn khác của Phước Hòa là chính sách cổ tức tiền mặt cao. Công ty luôn chia cổ tức tiền mặt ở mức rất cao năm 2018 là 40%, năm 2019 là 30%, năm 2020 ít nhất 40%. Theo ban lãnh đạo, cổ tức tiền mặt dự kiến tăng đạt 4.000-5.000 đồng/CP trong vòng 5 năm tiếp theo khi ghi nhận dòng tiền mặt mạnh mẽ đến từ khoản thu cho việc chuyển đổi đất cao su sang đất KCN.

Long Nhật

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên