MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 chuẩn bị khởi công và nguy cơ đối mặt nhiều 'rào cản'

Thi công đoạn cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu. Ảnh tư liệu: Huy Hùng/TTXVN

Thi công đoạn cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu. Ảnh tư liệu: Huy Hùng/TTXVN

Tại cuộc họp giao ban Bộ Giao thông Vận tải vừa tổ chức giữa tuần qua, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trong tháng 12/2022 tất cả 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021 - 2025) đều phải đảm bảo đủ điều kiện khởi công 1 gói thầu.

Như vậy, thời điểm khởi công "siêu dự án" này đang cận kề, song nhiều chuyên gia giao thông cho rằng nhiều bất cập ở dự án thành phần giai đoạn 1 đang hiện hữu, chưa có giải pháp cụ thể để tháo gỡ các khó khăn, tồn tại. Vì vậy, cần sớm có giải pháp giải quyết những vấn đề này nếu không đây cũng rất có thể là "rào cản" cản trở tiến độ thực hiện dự án thành phần giai đoạn 2.

Trước đây một trong những khó khăn lớn nhất đối với các dự án xây dựng hạ tầng giao thông là chậm trễ giải phóng mặt bằng, tuy nhiên, thời gian qua việc thiếu hụt nguồn vật liệu phục vụ công tác thi công mới là nỗi ám ảnh hàng đầu đối với các nhà thầu. Riêng đối với cao tốc Bắc - Nam, nguồn vật liệu khan hiếm, "bão giá" vật liệu đã càn quét từ khi giai đoạn 1 của dự án đang triển khai và vẫn đang là "điểm nóng" nhức nhối cho đến tận bây giờ.

Nguyên nhân được các cơ quan quản lý, doanh nghiệp thi công chỉ ra là do xuất phát từ các quy định hiện hành về thủ tục cấp phép khai thác mỏ vậy liệu, quy hoạch bãi đổ thải vẫn còn chồng chéo giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các địa phương, dẫn tới hiện tượng khan hiếm nguồn vật liệu, vật liệu đào không thích hợp không thể vận chuyển đi xử lý. Điều này vô tình tạo điều kiện cho các chủ mỏ, chủ bãi thải đang có quyền khai thác đầu cơ nâng giá, giá bán khác với giá công bố nhằm trốn thuế, trốn nghĩa vụ ngân sách khác.

Mặc dù công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án cao tốc được Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo thực hiện trước khi triển khai dự án trên thực địa, tuy nhiên do nhiều địa phương bàn giao mặt bằng xôi đỗ cũng khiến nhà thầu không thể thi công đồng loạt, đồng bộ mà phải vừa làm vừa chờ. Điều trớ trêu thay là đến khi nhận đủ mặt bằng, để kịp tiến độ theo yêu cầu thì nhà thầu phải tăng ca/kíp để thi công, tuy nhiên đơn giá nhân công, ca máy công bố chậm, đặc biệt chưa ban hành và không tính chi phí nhân công làm ca 3… Trong khi đó, việc tổ chức thi công ca 3, nhà thầu phải trả chi phí bằng 1,3 lần tiền công ca ngày.

Một nhà thầu thi công cao tốc Bắc – Nam qua Bình Thuận chia sẻ, việc công bố giá vật liệu, giá nhân công của các địa phương ban hành không kịp thời và chỉ phù hợp cho các dự án xây dựng hạ tầng giao thông quy mô nhỏ, khối lượng ít, yêu cầu kỹ thuật không cao và thi công trong thời gian dài trên địa bàn, mà không phù hợp với các công trình đặc biệt như đường cao tốc có yêu cầu kỹ thuật cao, phức tạp, thi công trong thời gian ngắn.

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ là dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 là một ví dụ điển hình. Mặc dù được khởi công từ 01.2021 nhưng hơn một năm sau nhà thầu vẫn chưa nhận đủ mặt bằng để triển khai thi công đồng loạt. Bên cạnh đó, mỏ vật liệu, đường vận chuyển vật liệu… theo tính toán ban đầu chưa phù hợp, chưa sát thực tế và không đáp ứng được nhu cầu thi công thực tế.

Việc điều chỉnh và công bố giá cũng diễn ra rất chậm trễ, tháng 9/2022 tỉnh Vĩnh Long mới công bố chỉ số giá cho năm 2021 mà chưa có chỉ số giá của năm 2022.

Trong khi đó, tại Điều 10 Thông tư 11/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định: "Chỉ số giá xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố theo quy định tại khoản 3 Điều 27 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP phải đảm bảo kịp thời, phản ánh khách quan, phù hợp với xu hướng biến động giá của thị trường trong khoảng thời gian được lựa chọn…".

"Đối với các chỉ số giá xây dựng công bố theo quý, thời điểm công bố là trước ngày 15 tháng đầu quý sau. Đối với các chỉ số giá xây dựng công bố theo năm, thời điểm công bố là trước ngày 15 tháng một năm sau; trường hợp cần công bố chỉ số giá xây dựng theo tháng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định để đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng và điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng trên địa bàn. Thời điểm công bố chỉ số giá xây dựng theo tháng là trước ngày mùng 10 tháng sau".

Trong tháng 7 vừa qua, hơn 20 nhà thầu của dự án đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đã đồng loạt kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tháo gỡ kịp thời khó khăn về "bão giá" vật liệu để các dự án không "vỡ" tiến độ.

Giá vật liệu tăng "phi mã", giá nhân công tăng… khiến nhiều nhà thầu rơi vào tình trạng mất cân đối dòng tiền, suy kiệt về tài chính, tiền thanh toán từ chủ đầu tư không đủ trang trải chi phí thi công vì đã chạm ngưỡng hạn mức vay ngân hàng để bù đắp thiếu hụt dòng tiền. Được biết, theo tính toán sơ bộ, đa số nhà thầu thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đang rơi vào tình cảnh thua lỗ từ 20 - 30%.

Đó chỉ là một số trong rất nhiều bất cập đang hiện hữu khiến việc triển khai cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đứng trước nguy cơ rơi vào thế khó, đòi hỏi cần có sự vào cuộc kịp thời của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành để tạo niềm tin và động lực cho các nhà thầu tham gia các dự án giao thông trọng điểm quốc gia này.

Các chuyên gia giao thông nhìn nhận, cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, phần xây lắp các gói thầu vẫn được áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh. Trường hợp biến động giá vật liệu, việc bù giá sẽ thực hiện dựa trên chỉ số giá vật liệu do địa phương công bố. Tuy nhiên, từ thực tế triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 cho thấy các quy định hiện hành còn nhiều bất cập, công tác ban hành chỉ số giá của các địa phương chậm và không phù hợp, không sát với thực tế dẫn tới không đủ chi phí bù đắp cho việc trượt giá.

Một "ông lớn" trong ngành thi công xây dựng các công trình giao thông đường bộ cho hay: "Các nhà thầu đều đang trông chờ vào những động thái quan tâm, giải quyết từ Nhà nước. Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng có các biện pháp kịp thời để bình ổn giá vật liệu xây dựng, cho phép chủ đầu tư và nhà thầu phối hợp cùng các đơn vị tư vấn để xây dựng chỉ số giá riêng cho những dự án đặc thù như cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, giai đoạn 2. Cũng cần xử lý nghiêm những hành vi đầu cơ, găm hàng nhằm nâng giá, nhũng nhiễu doanh nghiệp".

Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải song song việc tiếp tục đánh giá chất lượng các nhà thầu đã và đang thi công giai đoạn 1, loại bỏ nhà thầu yếu kém không đáp ứng chất lượng và tiến độ công trình, ưu tiên lựa chọn các nhà thầu có năng lực và kinh nghiệm hoàn thành các công trình cao tốc có quy mô tương tự, thì cũng cần chấm điểm năng lực Ban quản lý dự án.

Đồng thời, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 có tính chất phức tạp, đi qua các điều kiện địa hình khó khăn nên công tác thiết kế, thẩm tra, thẩm định trong thời gian ngắn cần có chế tài ràng buộc để xử lý cá nhân, tập thể với các đơn vị thẩm định, thẩm tra, tư vấn khi để xảy ra tình trạng xác định mỏ vật liệu, bãi thải, các mặt bằng phụ trợ… không đảm bảo cho công tác thi công. Giá dự toán cần phải được tính đúng, tính đủ trên cơ sở việc công bố giá, đồng thời chỉ số giá xây dựng của địa phương cũng cần được cập nhật chính xác, bám sát thực tiễn.

Đây là giai đoạn Chính phủ dốc toàn lực để phát triển hạ tầng giao thông, cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 cũng được áp dụng nhiều cơ chế đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện. Tuy nhiên, các bộ, ngành, địa phương cần sớm tháo gỡ, xử lý dứt điểm các bất cập đang tồn tại ở dự án thành phần giai đoạn 1 để phần nào giải quyết khó khăn và tạo dựng niềm tin cho các nhà thầu tham gia thực hiện cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 hoàn thành theo đúng tiến độ đặt ra.

Theo Quang Toàn

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên