MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cao tốc Bắc - Nam ì ạch tiến độ: Cơ quan quản lý, giám sát dự án yếu kém

30-03-2022 - 07:02 AM | Xã hội

Cao tốc Bắc - Nam ì ạch tiến độ: Cơ quan quản lý, giám sát dự án yếu kém

Mặc dù đại diện Bộ GTVT báo cáo với lãnh đạo Chính phủ chỉ có một, hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam chậm tiến độ, tuy nhiên qua khảo sát, tìm hiểu của PV Tiền Phong có đến 5/10 (50%) dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đang thi công chậm, nguy cơ vỡ tiến độ. Nguyên nhân được xác định, có trách nhiệm quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước tại dự án.

50% dự án nguy cơ vỡ tiến độ

Cùng với dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt không đạt tiến độ đề ra, nhà đầu tư (NĐT) dự án được đánh giá là năng lực yếu, qua khảo sát, tìm hiểu của PV Tiền Phong còn có một số dự án khác cũng đang bị chậm tiến độ.

Dự án Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế), dài 98,3 km vừa qua đã không thể “cán đích”, thông xe vào 2/2022. Dự án được khởi công vào 9/2019 và có kế hoạch thông xe vào 2/2022, tuy nhiên hiện công trường vẫn ngổn ngang và chưa biết lúc nào dự án chốt được thời gian thông xe. Hiện có 6/11 gói thầu của dự án phải điều chỉnh thời gian hoàn thành; các gói thầu đang bị chậm tiến độ nhiều nhất, gồm gói XL6, XL9.

Đánh giá về dự án này, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT cho biết, dự án đang bị chậm so với tiến độ được đặt ra ban đầu từ 4 đến 8 tháng

 Cao tốc Bắc - Nam ì ạch tiến độ: Cơ quan quản lý, giám sát dự án yếu kém  - Ảnh 1.

Công trường mặt bằng đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt được bàn giao nhưng chưa thi công người dân lại trồng cây và thả bò - Ảnh: Thu Hiền

Tương tự, tại dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết, dài 100,8 km đi trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, hiện 100% các gói thầu của dự án đều chậm tiến độ, riêng các gói thầu xây lắp XL01 chậm tiến độ 11,2%; gói thầu xây lắp XL04 chậm tiến độ 10,4%. Dự án khởi công tháng 9/2020, theo kế hoạch sẽ hoàn thành tháng 12/2022. Tuy nhiên đã gần hết thời gian thi công nhưng toàn dự án đến tháng 3 mới đạt 28,4% sản lượng thi công theo hợp đồng. Do vậy, thời gian dự án hoàn thành theo cam kết là cuối năm nay là điều khó xảy ra.

Với dự án thành phần đoạn Phan Thiết (Bình Thuận) - Dầu Giây (Đồng Nai), dài 99 km, dự án được khởi công tháng 9/2020 và có kế hoạch hoàn thành tháng 12/2022, sau nửa năm thi công hiện dự án đạt 33,2% khối lượng công việc. Đánh giá về tiến độ thực hiện dự án, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT cho rằng, tiến độ đang bị chậm so với kế hoạch ban đầu khoảng 3 tháng.

Tại dự án cầu Mỹ Thuận 2, dài 6 km bao gồm cả hệ thống đường dẫn, dự án được khởi công tháng 3/2020 có tiến độ hoàn thành tháng 12/2023, đánh giá về tiến độ đại diện Bộ GTVT cho biết vẫn đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, đại diện Bộ GTVT cũng cho biết, hiện gói thầu xây lắp XL01 đang phải kéo dài tiến độ so với kế hoạch ban đầu 9 tháng, nguyên nhân của việc này do vướng giải phóng mặt bằng và tại đây còn phải có thời gian xử lý nền đất yếu.

Đại diện cơ quan quản lý nhà nước vắng bóng ở dự án

Dù dự án chậm tiến độ gần 10% so với yêu cầu sau nửa năm thực hiện, nhưng trong các ngày từ 23-25/3, có mặt trên mặt bằng dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, PV Tiền Phong ghi nhận, nhiều vị trí từ Nghệ An đến Hà Tĩnh công trường vắng bóng công nhân thi công. Tại nhiều đoạn, chính quyền đã giải phóng xong mặt bằng nhưng đơn vị thực hiện dự án chỉ huy động máy móc đến rồi để đấy, có một số công trường dựng lán, trại để công nhân thi công lưu trú, nhưng thay vì thi công, họ lại ra ngồi câu cá ở các ao sâu cạnh công trường.

Hội đồng giải phóng mặt bằng UBND tỉnh Nghệ An tại dự án cho biết, hiện trên 90% mặt bằng dự án đã được bàn giao cho Ban Quản lý dự án 6 (PMU6), Bộ GTVT (đơn vị quản lý dự án) và NĐT thực hiện dự án là Cty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng (Cty Phúc Thành Hưng), tuy nhiên có vị trí đã được bàn giao để lâu ngày, người dân lại tái lấn chiếm để trồng cây, thả trâu bò. Báo cáo cam kết thi công với lãnh đạo Bộ GTVT, Cty Phúc Thành Hưng luôn báo cáo có từ 50 đến 60 mũi thi công, tuy nhiên thực tế thi công ở hiện trường, đại diện CTy Phúc Thành Hưng xác nhận, chỉ có khoảng 30 mũi đang thi công ở dự án.

Với cơ quan được giao quản lý dự án về mặt nhà nước tại dự án là PMU6, được yêu cầu lập chỉ huy ngay tại hiện trường dự án và luôn có người giám sát thi công, theo dõi tiến độ, tuy nhiên trong khoảng thời gian từ ngày 24 đến ngày 25/3 PV Tiền Phong đã có mặt tại nhiều vị trí công trường dự án và liên lạc từ lãnh đạo PMU 6 cho đến lãnh đạo Ban Điều hành dự án đóng tại Nghệ An… vẫn không thấy ai xuất hiện ở công trường. Qua trao đổi thông tin chúng tôi được biết, dự án có tổng chiều dài 50 km nhưng Ban Điều hành dự án, PMU6 chỉ có 5 - 6 người. PV Tiền Phong liên lạc với ông Trần Đức Hải, Giám đốc PMU 6, ông cho biết, ông đã cử 1 Phó Giám đốc Ban và một số cán bộ tại PMU 6 vào Nghệ An thường trú và điều hành dự án trực tiếp tại đây.

Sáng 24/3, (thứ Năm) khi PV Tiền Phong đi khảo sát hiện trường và đã điện cho Phó Ban PMU 6 được phân công vào Nghệ An phụ trách dự án, nhưng ông cho biết ông đang ở Hà Nội. Liên lạc với 1 trong 2 phó Ban điều hành dự án khác, chúng tôi nhận thông báo cả 2 phó ban này đang điều trị COVID-19 ở nhà, các cán bộ khác của Ban điều hành dự án - PMU 6 cũng không thể ra công trường với lý do dịch COVID-19 (?!).

Quản lý dự án yếu kém

Trong báo cáo về nguyên nhân dự án chậm với Chính phủ, lãnh đạo Bộ GTVT, PMU 6 và các cục, vụ nói rằng, nguyên nhân dự án chậm, thi công không đạt tiến độ yêu cầu là do yếu kém trong công tác quản lý, điều hành dự án của NĐT, đơn vị thi công.

Qua thực tế hiện trường thi công và ghi nhận công tác quản lý, giám sát các dự án cao tốc Bắc - Nam chúng tôi thấy rằng, đánh giá trên là chưa đầy đủ, chưa công bằng và thuyết phục. Với tình trạng theo dõi, giám sát, điều hành dự án của cơ quan đại diện Nhà nước tại đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt được đề cập như trên thì việc dự án bị chậm, không đạt tiến độ yêu cầu nguyên nhân đầu tiên phải thuộc về cơ quan quản lý nhà nước được giao quản lý, giám sát dự án.

Để dự án thi công chỉ đạt 1,7% sau nửa năm (yêu cầu là 6 đến 7%); gần 1 năm nhà đầu tư mới ký được hợp đồng tín dụng (trong khi hợp đồng BOT là 6 tháng)… Một số chuyên gia giao thông cho rằng, để dự án không hoàn thành 2 nội dung quan trọng như vậy thì người trực tiếp được phân công quản lý dự án đã phải chịu trách nhiệm do công tác quản lý, giám sát không hiệu quả, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện lãnh đạo Bộ GTVT nhìn nhận, ngoài nguyên nhân khách quan như chậm mặt bằng, thời tiết, ảnh hưởng dịch COVID-19, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam thi công chậm, không đạt tiến độ đề ra có nguyên nhân của công tác quản lý dự án của một số Ban Quản lý dự án chưa đạt yêu cầu.


Theo Trọng Đảng - Nhóm PV Miền Trung

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên