Cáo trạng 'cột' SCB cho nhóm Đông Phương vay 1.700 tỷ, nữ lãnh đạo nói gần 'gấp ba'
Trả lời Hội đồng xét xử (HĐXX), cựu Phó tổng giám đốc SCB Trần Thị Mỹ Dung khai đã giải ngân cho nhóm Đông Phương nhưng tiền thì bà Trương Mỹ Lan và ông Nguyễn Thanh Tùng (Chủ tịch HĐQT Công ty Đông Phương) sử dụng. Về cáo trạng nêu số tiền giải ngân cho nhóm Đông Phương là 1.700 tỷ đồng, bị cáo Dung nói rằng mình nhớ con số này nhiều hơn, khoảng 4-5.000 tỷ đồng.
- 12-03-2024Vụ án Vạn Thịnh Phát: Bất nhất lời khai giữa nhiều bị cáo
- 12-03-2024Cựu cục trưởng thanh tra khai làm việc đến 2-3 giờ sáng để có ‘bức tranh toàn cảnh của SCB’
- 11-03-2024Cựu phó tổng giám đốc SCB tự trách sau khi bà Trương Mỹ Lan phủ nhận vai trò
Sáng nay (12/3), HĐXX xét xử sơ thẩm các bị cáo trong vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan, đã cho các luật sư tham gia xét hỏi.
Trả lời các câu hỏi của luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn Luật sư TPHCM, bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan – cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó tổng giám đốc SCB) xác nhận, tại phiên tòa ngày 11/3, bị cáo có nói: “ Thất vọng về bà Trương Mỹ Lan ”, nay bị cáo xác nhận giữ nguyên ý kiến này, không giải thích gì thêm rồi trình bày các nội dung khác.
Bà Dung cho biết, để được bổ nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc SCB, bà có nhờ có bà Lan, về hồ sơ thì từ HĐQT và Tổng giám đốc đề xuất.
Bị cáo Dung cũng khai, chỉ biết bà Lan và các con gái bà Lan nắm giữ khoảng 15% cổ phần tại SCB và có biết việc bà Lan đưa tài sản, bán tài sản để tái cơ cấu SCB.
Bị cáo Dung khai không tham gia vào việc tái cơ cấu, nhưng có đọc báo cáo nên biết bà Lan đưa tài sản vào SCB. "SCB tái cơ cấu nhiều giai đoạn. Năm 2012, bà Lan có đưa tài sản vào" - bị cáo Dung khai từ 2021 đến nay, không thấy bà Lan đưa tài sản vào SCB; tiền không ra khỏi ngân hàng, mà các khoản vay mới dùng để trả các khoản nợ cũ.
Về Dự án Mũi Đèn Đỏ sử dụng làm tài sản thế chấp, bị cáo Dung cho biết, dự án có diện tích khoảng 117ha ở quận 7, TPHCM; bắt đầu đền bù từ năm 2003, đến năm 2013 thì được phê duyệt 1/500. Sau đó, có thay đổi nên tới thời điểm bị cáo cho vay, dự án này chưa có chủ trương chấp thuận đầu tư.
Cũng theo bị cáo Dung, tuy nói Dự án Mũi Đèn Đỏ còn vướng một số vấn đề pháp lý, nhưng nói dự án này không có giá trị là không đúng, vì chủ đầu tư đã đền bù và làm một số hạng mục công trình.
Về các khoản vay của nhóm Công ty Cổ phần Dầu khí Đông Phương (Công ty Đông Phương - 35 công ty hoạt động trong ngành nông sản) bị cáo Dung khai tất cả đều có hợp đồng vay, có mục đích vay… nhưng tiền thì bà Lan và ông Nguyễn Thanh Tùng (Chủ tịch HĐQT Công ty Đông Phương) sử dụng.
Về cáo trạng nêu số tiền giải ngân cho nhóm Đông Phương là 1.700 tỷ đồng, bị cáo Dung nói rằng mình nhớ con số này nhiều hơn, khoảng 4-5.000 tỷ đồng.
Trong vụ án sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị liên quan, bị cáo Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch HĐQT và Đào Chí Kiên - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Dầu khí Phương Đông (Công ty Dầu khí Phương Đông) bị cáo buộc có hành vi “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.
Hai bị cáo nêu trên bị cáo buộc giúp sức bà chủ Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan, rút tiền của Ngân hàng SCB trái pháp luật.
Theo cơ quan tố tụng, Công ty Dầu khí Phương Đông có quan hệ vay vốn tại SCB. Quá trình đó, thông qua Trương Khánh Hoàng - quyền Tổng Giám đốc SCB, Nguyễn Thanh Tùng có quen biết với Trương Mỹ Lan.
Tháng 5/2022, để tiếp tục rút tiền từ SCB, Trương Mỹ Lan đã thoả thuận với Nguyễn Thanh Tùng về việc sử dụng các công ty trong nhóm của ông này đứng tên, tạo lập hồ sơ vay vốn của ngân hàng này, để cùng sử dụng vào các mục đích khác nhau.
Bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo Trần Thị Mỹ Dung - Phó Tổng Giám đốc SCB phối hợp với Nguyễn Thanh Tùng lập hồ sơ vay vốn và tài sản đảm bảo do mình đưa vào. Thực hiện thoả thuận, Nguyễn Thanh Tùng chỉ đạo Đào Chí Kiên và các đối tượng khác trong nhóm đưa thông tin 35 công ty cho nhân viên SCB lập 37 hồ sơ vay vốn, với tổng số tiền hơn 1.720 tỷ đồng.
Trong đó Nguyễn Thanh Tùng và Đào Chí Kiên trực tiếp quản lý và chuyển thông tin 11 công ty cho nhân viên SCB lập 11 hồ sơ vay vốn, giải ngân 443,6 tỷ đồng cho Tùng sử dụng vào việc nộp thuế của Công ty Phương Đông. Đến ngày 17/10/2022, 11 khoản vay này còn tổng dư nợ là hơn 446 tỷ đồng.
Viện Kiểm sát cáo buộc, Nguyễn Thanh Tùng gây thiệt hại cho SCB hơn 850 tỷ đồng; Đào Chí Kiên là hơn 356 tỷ đồng.
Tiền Phong