Cựu phó tổng giám đốc SCB tự trách sau khi bà Trương Mỹ Lan phủ nhận vai trò
Nghe bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày với HĐXX rằng, nhân viên SCB tự lập các khoản vay, cựu Phó Tổng giám đốc ngân hàng này nói "cảm thấy thất vọng" và tự trách bản thân đã quá tin tưởng, “trung thành tuyệt đối” khi làm việc với bà Lan.
Chiều 11/3, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị tiếp tục xét hỏi các bị cáo thuộc nhóm phạm tội “Tham ô tài sản”, “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” của các đồng phạm giúp sức cho bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).
Trình bày trước HĐXX và Viện Kiểm sát, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng Giám đốc SCB) cho biết, bản thân không tham gia vào công việc tìm người vay và thành lập các công ty.
Về các khoản giải ngân, bà Dung cho biết, khi bà Trương Mỹ Lan cần tiền thì sẽ nói với Nguyễn Phương Anh (Phó Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula) và Đặng Phương Hoài Tâm (Trưởng Văn phòng HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) để cung cấp hồ sơ.
Bị cáo Dung cũng trình bày rằng, bản thân bà và các thành viên SCB đều rất tin tưởng khi làm việc với bà Trương Mỹ Lan. Tuy nhiên, bị cáo Dung bày tỏ sự thất vọng khi nghe bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày với HĐXX vào buổi sáng, rằng cán bộ nhân viên SCB tự lập các khoản vay, mượn tài sản của bà Lan.
Bị cáo Dung cũng tự trách bản thân đã quá tin tưởng, “trung thành tuyệt đối” khi làm việc với bà Trương Mỹ Lan. Bị cáo này nói sẵn sàng chịu trách nhiệm về sai phạm của bản thân.
Khi được hỏi về việc nâng khống tài sản để giải ngân số tiền lớn, bà Dung giải bày đây là công việc “kế thừa” từ lãnh đạo cấp trên để lại.
Đối với một số tài sản không đáp ứng được sau khi định giá, bị cáo Dung khai rằng, bà Trương Mỹ Lan yêu cầu tăng thêm và tiền chi trả cho các đơn vị thẩm định giá được lấy từ nguồn giải ngân của SCB .
Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Phương Anh xác nhận, phần trình bày của bị cáo Dung về tiền chi trả cho các công ty thẩm định giá được lấy từ nguồn giải ngân của SCB là đúng.
Nguồn tiền này còn sử dụng vào việc trả lương cho các cá nhân đứng tên công ty không có thật từ 8 - 10 triệu đồng. Công ty Sài Gòn Peninsula được cấp 100 tỷ đồng để duy trì hoạt động và trả lương nhân viên.
Được mời lên bục xét hỏi, bị cáo Tạ Chiêu Trung (cựu Phó Chủ tịch HĐQT SCB) cho biết, công việc theo dõi cổ đông do bà Trương Mỹ Lan giao và quản lý bằng cách cập nhật biến động chuyển nhượng, thay đổi tên…
Theo bị cáo Trung, nguồn tiền để SCB hoạt động được huy động từ người dân. Khi sự việc vỡ lỡ, các cổ đông phải có trách nhiệm trả cho người dân, trong đó có bà Trương Mỹ Lan.
Tiền Phong