MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cấp bách cứu ngành du lịch

Cấp bách cứu ngành du lịch

Những "cú đấm bồi" liên tiếp khiến hàng loạt doanh nghiệp du lịch không còn sức để bám trụ

Thời điểm này những năm trước, người làm du lịch cả nước đang tất bật đón khách khi thị trường vào mùa cao điểm du lịch hè. Nhưng hiện tại, 2 trung tâm du lịch lớn nhất cả nước là TP Hà Nội và TP HCM đều đang chống chọi với đợt dịch Covid-19 thứ 4, ảnh hưởng lớn đến toàn ngành.

Phía sau 171 công ty rời thị trường...

Một thống kê mới đây của Sở Du lịch TP HCM cho thấy có đến 90% doanh nghiệp (DN) lữ hành vừa và nhỏ, DN chuyên kinh doanh thị trường inbound (đón khách quốc tế) trên địa bàn TP đang phải tạm ngưng hoạt động. Chưa hết, 5 tháng đầu năm 2021, có tổng cộng 171 DN rút giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành (152 DN kinh doanh lữ hành quốc tế và 19 DN kinh doanh lữ hành nội địa). DN nào còn bám trụ được phải cắt giảm 50%-80% lao động để duy trì hoạt động, chờ vượt qua giai đoạn khó khăn này.

"Thật sự là quá sức chịu đựng" - ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour, nói ngay khi phóng viên Báo Người Lao Động liên lạc để hỏi thăm về tình hình hoạt động. Theo ông Dũng, khi 2 đầu tàu du lịch bị tổn thương và DN du lịch phải đóng cửa chống dịch thì không còn ai "khuấy động" thị trường. Một số địa phương chưa có dịch, mở cửa cho khách tắm biển trở lại... nhưng thực tế du lịch vẫn tê liệt vì không có khách đến.

"Nếu không có những động thái hỗ trợ kịp thời cho ngành du lịch, đặc biệt trong việc giữ chân người lao động, thì sợ rằng khi đợt dịch này qua đi sẽ không còn bao nhiêu DN trụ lại được trên thị trường" - ông Dũng lo lắng.

Ngay tại Vietravel - một trong những tập đoàn về du lịch, lữ hành hàng đầu của Việt Nam hiện nay, từ 1.700 cán bộ nhân viên giờ chỉ duy trì khoảng 50 người. Trong khi đó, DN này có tới 64 văn phòng trên 40 tỉnh, thành trong cả nước và 6 văn phòng ở nước ngoài...

"Một DN lữ hành lớn như Vietravel cũng phải tạm dừng hoạt động là điều chưa từng có trong lịch sử ngành du lịch nhưng không còn cách nào khác" - ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel Holdings, nhìn nhận. Theo ông, không chỉ ở TP HCM mà toàn bộ công ty lữ hành cả nước đã dừng hoạt động.

Ông Kỳ cho rằng áp lực lớn nhất với Vietravel và các công ty lữ hành khác hiện nay là phải giữ bằng được người lao động. Tài sản lớn nhất của DN lữ hành là chất xám của người lao động. Trớ trêu là DN không có doanh thu nên không có tiền để trả lương hoặc chỉ có thể trả mức lương cơ bản, không đủ để giữ chân nhân sự.

"Nhân lực ngành du lịch đang rời bỏ thị trường lên tới hàng ngàn người nhưng các gói hỗ trợ của nhà nước đa phần rất khó tiếp cận. Qua hệ thống ngân hàng, DN cũng rất khó vay được vốn ưu đãi, ngay cả Ngân hàng Chính sách xã hội. Tất cả cũng vì nút thắt không có tài sản thế chấp lâu dài để tiếp tục vay vốn" - ông Nguyễn Quốc Kỳ phân tích.

Lãnh đạo một số DN khác nói thẳng con số 171 DN xin rút giấy phép chỉ là bề nổi. Thực tế, rất nhiều DN đã ngừng hoạt động hoặc chuyển ngành khác nhưng không đăng ký với cơ quan chức năng. "Chúng tôi vẫn là công ty du lịch nhưng nhân sự đã chuyển sang mảng khác như sản xuất phim, marketing... Mảng du lịch chỉ còn lại quy trình, bộ máy một vài người và... một đống nợ. Các DN trong ngành đều nhìn vào thực tế là phải chờ lâu lắm mới hồi phục được. Nếu đầu năm còn cố gắng trụ lại thì đến giờ này, du lịch quá khó khăn" - ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Giám đốc Công ty Golden Smile Travel, bộc bạch.

Cấp bách cứu ngành du lịch - Ảnh 1.

Những địa điểm du lịch ở TP HCM vắng bóng du khách vì đang trong đợt giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 Ảnh: Tấn Thạnh

Đề xuất mãi, song...

Có một thực tế được nhiều DN du lịch chua xót nói với nhau là cứ mỗi đợt dịch đến, DN nào cũng nhận được văn bản yêu cầu đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn... Song đến giờ, qua 4 đợt dịch rồi mà chính sách hỗ trợ họ được nhận lại rất ít.

Theo bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP HCM, ngành du lịch vốn lao đao, chưa thể phục hồi nay đang bị tê liệt hoàn toàn, một số DN đã phá sản. Nhiều DN có nguy cơ không thể trả được nợ, lãi vay. Những khó khăn của ngành du lịch - trong đó có lữ hành, khách sạn, khu du lịch, nhà hàng, chuỗi cung ứng dịch vụ... - ảnh hưởng không nhỏ đến các ngành như vận tải đường bộ, hàng không, đường sắt, đường thủy... "Đừng yêu cầu chúng tôi đề xuất nữa mà hãy cấp bách gỡ khó để chúng tôi trụ lại qua dịch" - lãnh đạo một DN kiến nghị.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ cho biết du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, từng chiếm 11% GRDP của TP HCM nên rất cần được lãnh đạo TP quan tâm về chính sách hỗ trợ DN trả lương cho người lao động, tạm dừng đóng BHXH, bảo hiểm khác trong thời gian dịch bệnh. Cần cơ chế thuận lợi cho DN có thể tiếp nhận nguồn vốn ngân hàng.

"Kiến nghị Chính phủ xem xét miễn giảm thuế thu nhập DN trong năm 2021, giảm thuế GTGT từ 10% về 5% để kích thích thị trường. Số thuế còn lại (5%) cho DN được vay để phục hồi kinh doanh không lấy lãi trong ít nhất 12 tháng tính từ đầu năm 2022. Tại sao chỉ cơ sở lưu trú là được dùng điện theo giá hỗ trợ, còn DN lữ hành, vận chuyển, dịch vụ trong ngành du lịch lại không được? Cần bình đẳng vì các DN trong ngành này đều chịu thiệt hại như nhau" - ông Nguyễn Quốc Kỳ nhận xét.

Ông Trần Văn Long, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt, cho biết đặc thù của ngành lữ hành là biên lợi nhuận không cao nên không nhiều DN tích lũy được nguồn lực tài chính mạnh. Nếu có thì cũng đã "gồng gánh" hết những khó khăn từ đầu năm ngoái đến giờ. Do đó, ông kiến nghị nhà nước có chính sách thúc đẩy ngành ngân hàng miễn giảm lãi suất trên dư nợ hiện hữu hoặc lãi suất vay mới, góp phần giảm bớt áp lực tài chính cho DN du lịch.

"Về thuế GTGT, thuế thu nhập DN..., chúng tôi cần được miễn, giảm, thay vì giãn, hoãn bởi thực tế DN đang không có doanh thu và sắp tới cũng rất khó khăn. Nếu giãn, hoãn thì cuối cùng chúng tôi vẫn phải đóng trong điều kiện nguồn lực cạn kiệt" - ông Trần Thế Dũng kiến nghị.

Ông Phạm Quý Huy, Giám đốc Công ty Kiwi Travel, cũng đề xuất các ngân hàng thương mại có thể xem xét giảm lãi suất "đặc biệt" cho DN. "Không cần lãi suất 0% mà có thể áp dụng lãi suất ưu đãi 4%-5%/năm cũng là một cách đồng hành cùng DN. Nhà nước có thể đưa ra những tiêu chí đánh giá thiệt hại của từng ngành nghề, lĩnh vực, từ đó có chính sách hỗ trợ đặc biệt hơn. Khi đó, các ngân hàng có thể căn cứ vào tiêu chí đánh giá này để miễn, giảm lãi suất cho DN du lịch" - ông Phạm Quý Huy nói.

Dưới góc độ cơ quan quản lý, Sở Du lịch TP HCM vừa kiến nghị UBND TP xem xét trình HĐNĐ TP chấp thuận chủ trương sử dụng vốn ngân sách ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh TP HCM thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng theo hình thức tín chấp với lãi suất vay 0% cho DN du lịch. Các DN được vay sẽ không phân biệt lớn, nhỏ đang gặp khó khăn để trả lương cho người lao động trong 3 tháng.

Hiệp hội Du lịch TP HCM cũng đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND TP và các đơn vị liên quan, kiến nghị mở rộng chính sách hỗ trợ DN bị thiệt hại do dịch Covid-19. Cụ thể, sớm có chính sách đặc thù cho lĩnh vực du lịch như giảm lãi suất vay đang áp dụng; không áp dụng chuyển nhóm nợ; ân hạn gốc và lãi toàn bộ dư nợ hiện hữu; cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) là 24 tháng theo Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước.

Một trong những đề xuất được nhiều DN du lịch đưa ra là cần sớm có cơ chế để DN được tự bỏ kinh phí tiêm vắc-xin Covid-19 cho cán bộ, nhân viên, người thân, khách hàng của mình. Bởi trước đây, khách từ TP HCM đi các địa phương được hoan nghênh thì nay, nếu đi du lịch có thể bị “báo công an” hoặc cách ly 21 ngày, rất ảnh hưởng đến việc phục hồi du lịch sau này.

Theo Thái Phương

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên