Cấp bách giải cứu lưới tải điện mặt trời
Chỉ trong quý II/2019, đã có hơn 4.000 MW điện mặt trời hòa lưới vận hành, gây áp lực lớn lên khả năng giải tỏa công suất của hệ thống truyền tải.
- 16-07-2019Điện mặt trời, điện gió: Bí đầu ra, vì sao?
- 15-07-2019Vận hành thương mại điện mặt trời nổi trên hồ thủy điện Đa Mi
- 01-07-2019Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng: Đầu tư điện mặt trời để sinh lời không dễ
Báo cáo giải trình mới nhất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gửi Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đã đề cập câu chuyện thiếu đồng bộ trong phát triển nguồn điện mặt trời và đầu tư lưới truyền tải. Đây cũng là thực trạng mà Báo Người Lao Động đã phản ánh ngay từ cuối năm 2018 khi nhận thấy hàng trăm nhà đầu tư hăm hở đi theo điện mặt trời nhưng không lường đến nguy cơ vỡ trận thu xếp lưới tải.
Giảm sản lượng phát 32%-34%
Theo báo cáo của EVN, đến hết tháng 6-2019, cả nước có 89 nhà máy điện mặt trời hòa lưới phát điện với tổng công suất 4.442,3 MW. Nếu tính cả điện gió, tổng quy mô công suất đặt nguồn điện năng lượng tái tạo toàn quốc là 4.880 MW. Đáng lưu ý, chỉ trong thời gian ngắn từ tháng 4 đến 6, có trên 4.000 MW điện mặt trời hòa lưới vận hành và tập trung mật độ lớn tại Ninh Thuận, Bình Thuận. Từ đó, gây áp lực lớn lên khả năng giải tỏa công suất của lưới điện truyền tải, khiến nhiều thời điểm các nhà máy điện cùng phát đồng loạt, đường dây và trạm biến áp liên quan đã bị quá tải.
Một dự án điện mặt trời ở Bình Thuận Ảnh: VIỆT KHÁNH
Điểm tên cụ thể, EVN cho biết khi các nhà máy điện tái tạo đi vào vận hành và phát ở công suất thiết kế, với cấu hình lưới điện hiện tại, máy biến áp (MBA) 500 KV Di Linh quá tải 140%, MBA 220 KV Đại Ninh quá tải 140%, trục đường dây 110 KV Tháp Chàm - Ninh Phước - Tuy Phong - Phan Rí quá tải 260%-360%...
Hậu quả là để bảo đảm cung cấp điện liên tục cho phụ tải và vận hành an toàn lưới điện, tránh sự cố lan truyền xảy ra trên hệ thống điện, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) phải phân bổ công suất phát các nhà máy phù hợp với khả năng truyền tải tối đa của lưới điện. Trong đó, có những cụm nhà máy điện phải hạn chế sản lượng phát tới 32%-34%.
Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc A0, cho hay việc phải giảm công suất do quá tải lưới điện là điều mà EVN và A0 không hề mong muốn, bởi giá điện năng lượng tái tạo hiện nay dù được đánh giá là đắt (2.086 đồng/KWh) nhưng vẫn rẻ hơn nguồn chạy dầu có giá 3.000-5.000 đồng/KWh. Trong khi đó, hiện nay, EVN vẫn đang phải huy động nhiệt điện dầu để đáp ứng nhu cầu phụ tải. Các chủ đầu tư dự án điện mặt trời bày tỏ lo lắng nếu tình trạng quá tải kéo dài sẽ khiến các bên đều thiệt hại. Khi đó, ngành điện phải phát điện giá cao còn nhà đầu tư tư nhân thì khó thu hồi vốn.
Cần bổ sung dự án lưới mới
Ông Trần Đình Nhân, Tổng Giám đốc EVN, cho hay tập đoàn đã làm việc với lãnh đạo các địa phương để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án. Tuy nhiên, nhiều thông tin cho thấy việc triển khai làm lưới nhanh để giải tỏa công suất đang gặp nhiều khó khăn do các vướng mắc về thủ tục, mặt bằng, nhất là khi giá đền bù đất đang được đẩy lên rất cao vì nhu cầu cấp bách.
"Để triển khai một dự án điện mặt trời chỉ mất khoảng 6 tháng, thậm chí ngắn hơn. Trong khi đó, để thực hiện một dự án lưới điện truyền tải 220 KV, 500 KV mất khoảng 3-5 năm. Do đó, song song với nỗ lực tối đa của EVN, để triển khai nhanh nhất có thể các dự án giải tỏa công suất các nhà máy điện tái tạo đang vận hành, chúng tôi mong muốn nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ từ chính quyền các địa phương và các chủ đầu tư" - ông Nhân bày tỏ.
Trước mắt, một số các công trình trọng điểm đã được EVN đẩy mạnh đầu tư như: đường dây 110 KV Ninh Phước - Tuy Phong - Phan Rí mạch 2; trạm biến áp (TBA) 220 KV Phan Rí và đấu nối TBA 220 KV Hàm Tân, TBA 220 Cam Ranh, nâng công suất TBA 220 KV Tháp Chàm lên 2x250 MVA.
Về dài hạn, theo EVN, cần tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình lưới điện truyền tải mới. Nguyên nhân do đến hết năm 2018, tổng công suất dự án điện mặt trời đã tăng cao so với thời điểm EVN trình bổ sung các công trình lưới điện truyền tải bởi làn sóng chạy đua đóng điện để có giá tốt 9,35 UScent/KWh trong 20 năm đầu.
Người lao động