Cấp đông thịt lợn: Doanh nghiệp không mặn mà vì đầu tư "khủng", rủi ro lớn
Theo các doanh nghiệp, cấp đông thịt lợn không những tốn kém mà còn tạo nhiều rủi ro cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi hoành hành.
- 30-05-2019Cho phép giết mổ lợn khỏe trong vùng dịch tả lợn Châu Phi
- 30-05-2019Dịch tả heo châu Phi đang tăng tốc, Đồng Tháp công bố đường dây nóng
- 29-05-2019Đồng Tháp công bố dịch tả heo châu Phi trên cả heo rừng
Doanh nghiệp không "mặn mà" cấp đông
Tại cuộc họp bàn giải pháp đảm bảo nguồn cung thịt lợn do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ NNPTNT tổ chức hôm 30.5, một trong những giải pháp được các bộ ngành đồng thuận, cần triển khai gấp là cấp đông thịt lợn.
Giải pháp này được sẽ giúp người chăn nuôi giảm thiệt hại, đảm bảo bình ổn thị trường trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành.
Việc cấp đông thịt từ lâu đã được các nước chăn nuôi xem như một trong những quy trình cần có trong sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, ở Việt Nam, cả người dân và doanh nghiệp (DN) lại không mấy mặn mà với điều này.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, hiện nay, kho lạnh trên địa bàn thành phố Hà Nội đảm bảo tương đối cho việc cấp đông thịt. Tuy nhiên, cả thành phố mới chỉ có một DN thực hiện cấp đông. Bà Lan đánh giá, nguyên nhân là do chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ cho các DN.
Là DN thực hiện việc cấp đông trên địa bàn Hà Nội, Cty TNHH thực phẩm Minh Anh cho biết, DN đã tổ chức cấp đông được hơn 500 tấn.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, đại diện DN cho biết, kho lạnh đã hết chỗ. DN đang gặp nhiều khó khăn về vốn, bởi để đầu tư hệ thống kho cấp đông rất tốn kém. Thêm vào đó, chi phí để vận hành kho cũng không hề nhỏ. Hiện nay, mỗi tháng doanh nghiệp mất 200 triệu tiền thuê kho và các chi phí để vận hành.
Ông Võ Viết Dũng, Chủ tịch HĐQT, Cty CP Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội, cho biết: "Chúng tôi không chỉ cần hỗ trợ về vốn, chính sách mà chúng tôi cần có bảo hiểm cho DN, trong bối cảnh cấp đông thịt lợn tại khi đang có dịch tả lợn châu Phi. Hiệu quả nhưng không an toàn, chúng tôi cũng không làm".
Vị lãnh đạo DN này đặt câu hỏi: Ai sẽ đảm bảo cho DN khi DN thực hiện cấp đông với số lượng lên tới hàng trăm tấn, thậm chí là hàng ngàn tấn?
Năng lực cấp đông của Việt Nam thấp
Liên quan đến năng lực cấp đông của ngành chăn nuôi và chế biến thực phẩm, đại diện Cục chế biến Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho biết, đặc thù của chế biến, cấp đông là phải kiểm tra an toàn rồi đưa vào kho cấp đông ngay với nhiệt độ dưới -40 độ C. Trong 24h, tâm thịt phải đạt -24 độ C thì mới đảm bảo. Nên việc giết mổ 1 chỗ và chuyển cấp đông tại chỗ khác là không ổn.
Cả nước có 380 cở sở giết mổ tập trung song điều kiện cấp đông của các cơ sở này lại chưa có. Hiện nay, mới chỉ có 14 DN thực hiện giết mổ tập trung có hệ thống cấp đông, trong có 5 DN xuất khẩu thịt lợn sữa, đạt công suất 5000 tấn/năm. 9 DN còn lại đảm bảo cấp đông được 6.000 tấn/năm. Con số này còn rất nhỏ so với quy mô 3,81 triệu tấn thịt lợn tiêu dùng/năm của cả nước.
Cũng theo vị lãnh đạo này, hiện nay, Việt Nam chưa có chính sách hỗ trợ cho thu mua, giết mổ, cấp đông. Nhưng các DN có thể vận dụng nhiều chính sách như Nghị định 98/2018 của Chính phủ về hỗ trợ liên kết, sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm. Hay Nghị định 55/2015 của Chính phủ về hỗ trợ cho vay phát sinh phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông sản. DN cũng có thể vận dụng Quyết định 68/2013 của Chính phủ về hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch.
Lao động