MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cấp khống giấy tờ làm căn cứ hưởng chế độ ốm đau, thai sản

22-05-2018 - 21:05 PM | Xã hội

Trong năm 2017, BHXH các địa phương đã từ chối thanh toán chế độ này của trên 520.000 lượt người do hồ sơ không hợp lệ, hồ sơ giả, hưởng trùng chế độ, đã hưởng hết chế độ, không đủ điều kiện hưởng.

Theo Bộ LĐ-TB-XH, năm 2007- năm đầu tiên thực hiện Luật BHXH, cả nước có khoảng 2 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau; 300.000 lượt người hưởng chế độ thai sản; 750 lượt người hưởng chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe (DSPHSK). Như vậy, cứ 100 người tham gia BHXH thì có 27 lượt người hưởng chế độ ốm đau, 4 lượt người hưởng chế độ thai sản và 11 lượt người hưởng DSPHSK. 

Tuy nhiên, đến năm 2017, có khoảng 7,5 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, gần 1,8 triệu lượt người hưởng chế độ thai sản và 320 lượt người hưởng DSPHSK. Tính theo tỉ lệ, cứ 100 người tham gia BHXH, thì có 50 lượt người hưởng chế độ ốm đau (gấp 2 lần năm 2007) và 12 lượt người hưởng chế độ thai sản (gấp 3 lần năm 2007).

Tỉ lệ chi 2 quỹ này trên số thu cũng có xu hướng tăng. Năm 2008, thu được gần 4.640 tỉ, nhưng chi lên tới 3.000 tỉ đồng. Từ năm 2008 đến 2011, tỉ lệ chi bình quân khoảng 64% số thu; đến năm 2012 tăng lên 80%; từ năm 2013 đến 2016 (do điều chỉnh thời gian nghỉ hưởng thai sản từ 4 lên 6 tháng) nên số chi xấp xỉ bằng số thu. Năm 2017, số thu tương đương số chi- khoảng 20.000 tỉ đồng. Quỹ ốm đau, thai sản trong thời gian dài có kết dư, nhưng từ năm 2015 bắt đầu mất cân đối.

Bộ LĐ-TB-XH cảnh báo đã xuất hiện tình trạng lợi dụng chính sách để trục lợi quỹ rất tinh vi, như: Giả mạo chứng từ hưởng chế độ ốm đau, thai sản; mua bán, cấp khống giấy tờ, hồ sơ hưởng chế độ; thành lập các công ty "ma" nhằm mục đích trục lợi quỹ; hoặc có trường hợp mới đăng ký tham gia BHXH đã hưởng ốm đau nhiều ngày, sau đó không tham gia nữa.

Tình trạng trục lợi quỹ ốm đau, thai sản vẫn xảy ra dưới nhiều hình thức, thậm chí là hành vi có tổ chức, như: Gửi đóng BHXH, tăng mức đóng cao bất thường, làm giả giấy tờ, con dấu. Nhiều vụ việc đã được chuyển sang cơ quan Công an để xử lý. Trong năm 2017, BHXH các địa phương đã từ chối thanh toán chế độ này của trên 520.000 lượt người với nhiều lý do khác nhau, như: Hồ sơ không hợp lệ, hồ sơ giả, hưởng trùng chế độ, đã hưởng hết chế độ, không đủ điều kiện hưởng...

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm dụng chế độ, là do một số cơ sở y tế và UBND cấp xã cố tình cấp khống giấy tờ làm căn cứ hưởng chế độ ốm đau, thai sản để cùng trục lợi. Một số trường hợp trục lợi không vì lý do chiếm đoạt tiền, mà chỉ nhằm mục đích được nghỉ việc. Bên cạnh đó, quy định về điều kiện, mức hưởng còn khá rộng rãi.

Theo K.Linh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên