MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cập nhật vụ pate Minh Chay: Thêm nạn nhân nhập viện, độc tố mạnh gấp 10 nghìn lần xyanua

01-09-2020 - 11:09 AM | Xã hội

Một phụ nữ 41 tuổi ngụ ở Bình Dương là ca thứ 9 ghi nhận bị ngộ độc pate Minh Chay tại TPHCM trong vòng 10 ngày qua.

Sáng 1/9, ThS-BS Trần Văn Sóng- Phó giám đốc Bệnh viện Nhân Dân 115 xác nhận nơi đây vừa tiếp nhận và điều trị cho nữ bệnh nhân L.T.T.H., 41 tuổi ngụ ở Bình Dương. Theo bác sĩ Sóng, tại thời điểm nhập viện cấp cứu, bệnh nhân tỉnh nhưng yếu cơ tứ chi và vùng mặt. 3 ngày nhập viện, bệnh nhân suy hô hấp phải đặt nội khí quản. Đến nay, bệnh nhân được thay huyết tương 5 lần, sử dụng dịch truyền, kháng sinh, điều trị hỗ trợ tại khoa hồi sức tích cực chống độc.

Theo hồ sơ bệnh án, trước đó ngày 27/7, chị H. mua pate Minh Chay qua mạng. Sau ít ngày sử dụng, chị H bắt đầu hoa mắt, chóng mặt, tê lưỡi, nói đớ, yếu cơ tứ chi kèm khó thở. Gia đình chuyển chị vào Bệnh viện Columbia ở quận Bình Thạnh, TPHCM điều trị nhưng không thuyên giảm, sau đó được chuyển qua Bệnh viện Nhân Dân 115.

“Hiện bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc được nhưng cơ hô hấp của bệnh nhân còn yếu nên vẫn phải thở máy, sức cơ tứ chi hiện mới chỉ đạt 4/5”- bác sĩ Sóng cho hay.

Theo ghi nhận đến nay tại TP HCM đã ghi nhận 9 bệnh nhân phải nhập viện điều trị sau khi ăn sản phẩm pate Minh Chay có chứa độc tố Clostridium botulinum của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới ở huyện Đông Anh, Hà Nội. Trong đó, 6 người vào Bệnh viện Chợ Rẫy, 2 người được Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM điều trị và 1 trường hợp nhập Bệnh viện Nhân Dân 115.

Trước đó, vào sáng hôm qua ( 31/8), chị N.T.L 40 tuổi, ở Thái Nguyên đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (TP Hà Nội) khám và mang theo hộp sản phẩm pate Minh Chay.

Chị L cho biết chị thường xuyên ăn pate Minh Chay. Mới nhất, hôm 12/8, chị dùng sản phẩm 2 lần bữa sáng và chiều. Một ngày sau, người phụ nữ 40 tuổi này bắt đầu có biểu hiện mệt mỏi và nói khó, ngày 15/8 chị bắt đầu vào Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên do bệnh tiến triển, nhược cơ, sụp mí mắt...

Bệnh viện này sau đó đã chuyển chị xuống Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vào ngày 18/8. Từ đó đến nay chị điều trị tại bệnh viện này, nhưng không phát hiện ra nguyên nhân.

Hai ngày trước, khi Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân không ăn pate Minh Chay do có độc tố gây ngộ độc, chị L mới biết và từ sáng 31/8 chị được chuyển sang Trung tâm Chống độc. Được biết, trong sáng nay có tới 4 bệnh nhân đến đây để xét nghiệm, khám vì do ăn thực phẩm pate Minh Chay.

Theo TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), thông thường những người ngộ độc nặng, nhược cơ do ngộ độc độc tố Clostridium Botulinum sẽ phải thở máy ít nhất trong 2 tháng. Quá trình điều trị sau đó sẽ kéo dài nhiều tháng nữa để hồi phục. Đó là chưa kể nguy cơ bệnh nhân có thể mắc thêm các bệnh khác do việc thở máy kéo dài. Đây là chứng bệnh rất hiếm gặp ở Việt Nam, nhưng gặp thì bệnh khá nặng nề.

Theo bác sĩ Trần Văn Phúc, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, vi khuẩn Clostridium botulinum và độc tố của nó là Botulinum luôn khiến tất cả bác sĩ, chuyên gia thực phẩm “sợ hãi” khi nói tới.

Botulinum bị coi là “chất độc khét tiếng số một thế giới”. Với liều 0,004μg/kg cân nặng, chất độc này có thể giết chết một người trưởng thành, 1 kg botulinum đủ khiến 1 tỷ người tử vong.

Chất độc này mạnh gấp 10.000 lần chất cực độc Kali Xyanua, thậm chí nguy hiểm hơn cả nguyên tố phóng xạ “mạnh nhất hành tinh” Polonium.

Botulinum là chất độc thần kinh cực mạnh, xâm nhập vào các tế bào thần kinh, ngăn chặn sự giải phóng chất dẫn truyền acetylcholine từ các đầu dây thần kinh. Một khi chất dẫn truyền thần kinh này bị chặn, xung thần kinh không thể truyền dẫn được nữa, giao tiếp các tế bào thần kinh không được thực hiện, làm cho các cơ bị tê liệt.

Độc tố Botulinum có 7 loại, ký hiệu bằng các chữ cái theo thứ tự từ A đến G, riêng loại C gồm hai loại phụ, như vậy tổng cộng có 8 dạng chất độc. Nhiễm độc ở người loại A và B là phổ biến nhất, sau đó đến loại E và F, 4 loại còn lại ít gặp hơn.

Dù là chất cực độc nhưng Botulinum không chịu được nhiệt. Nếu đun ở 100⁰C, sau 2 phút chất độc bắt đầu biến tính và giảm độc lực, đến 10 phút có thể bị phá hủy. “Đây là điều may mắn, bởi thực phẩm đun sôi nhiệt độ xấp xỉ 100⁰C, nên đồ ăn tươi nấu chín về cơ bản là yên tâm”, bác sĩ Phúc nhấn mạnh.

Tuy nhiên, với thực phẩm chế biến sẵn, dù đã đun nóng ở nơi sản xuất, vẫn còn công đoạn vận chuyển và lưu thông. Loại thực phẩm này được bảo quản trong vài ngày đến vài tháng, người sử dụng sẽ ăn ngay chứ không đun sôi lại nên khó đảm bảo an toàn.

Liên quan đến vụ việc pate Minh Chay gây ngộ độc, trong văn bản khẩn số 1955/ ATTP-NĐTP ký ngày 29/8 và phát đi hôm nay 30/8 về việc xử lý khẩn cấp sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm cho biết đã yêu cầu công ty ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, niêm phong lô đã sản xuất ở khu vực riêng biệt. Đồng thời cảnh báo khẩn cấp người tiêu dùng tạm thời không mua, dùng sản phẩm của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới.

Trong văn bản gửi các Sở Y tế tỉnh/thành, Ban Quản lý ATTP Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, Cục An toàn thực phẩm đề nghị phối hợp với cơ quan chức năng trên địa bàn, chủ động kiểm tra, giám sát, thu hồi sản phẩm của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới.

Hiện công ty có 13 sản phẩm, gồm Pate Minh Chay Pate nấm hầu thủ, Ruốc nấm Heri vị hảo hạng, Muối vừng bát bảo đặc biệt, Ruốc nấm Heri hương thảo mộc, giò nấm lúa mì, Ruốc nấm truyền thống, Ruốc nấm sả ớt, Ruốc nấm cháy tỏi...

Đối với sản phẩm Pate Minh Chay, cần ngừng ngay việc sử dụng, niêm phong phần còn lại ở khu vực riêng biệt, theo dõi sức khỏe và đến ngay cơ sở y tế nếu có bất thường.

Theo Lâm Trần - Thuận Phương

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên