Cấp phó càng nhiều, chứng tỏ cấp trưởng yếu
“Cấp phó mà cần càng nhiều thì chứng tỏ cấp trưởng yếu và ngược lại. Như ở Nhật và Singapore, mỗi cơ quan hành chính chỉ có 1 cấp phó”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nêu quan điểm.
Ngày 25/8, Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo Chính phủ và chính quyền địa phương, lấy ý kiến để sửa luật Tổ chức Chính phủ và luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, việc sửa đổi sẽ theo tinh thần của Nghị quyết TƯ 6, TƯ 7, trong đó có nội dung sửa luật theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và ủy quyền giữa Chính phủ và chính quyền địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương.
Ngoài ra, sẽ sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, xã cho phù hợp trong điều kiện xây dựng chính quyền điện tử, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế cũng cần được quy định thêm trong luật để có cơ sở rà soát, sáp nhập, sắp xếp lại.
Tinh thần chung được nhấn mạnh là giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp, giảm đại biểu HĐND công tác ở các cơ quan quản lý nhà nước; giảm số lượng cấp phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện từ 2 xuống 1. Số lượng Phó chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã cũng sẽ được quy định lại.
“Cấp phó mà cần càng nhiều thì chứng tỏ cấp trưởng yếu và ngược lại. Như ở Nhật và Singapore, mỗi cơ quan hành chính chỉ có 1 cấp phó”, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nêu quan điểm.
Tại buổi làm việc, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Đặng Đình Luyến cho rằng việc giảm số lượng đại biểu HĐND một cách hợp lý, kiện toàn bộ máy một cách gọn nhẹ là quan điểm cần quan tâm. Bởi thực tế HĐND đông nhưng không mạnh. “Tư tưởng ban đầu cơ cấu ĐB HĐND nhiều để nâng cao vai trò, vị thế và chất lượng hoạt động nhưng thực tế thì không phải”, ông Luyến cho hay.
Theo ông, hoạt động của HĐND theo kỳ họp, mỗi năm 2 kỳ, nhưng qua thực tiễn, đại biểu tham gia không đồng đều. Vì vậy việc bố trí đông chỉ gây lãng phí về công sức, thời gian, kinh phí.Ông Luyến nhấn mạnh, đây là vấn đề bất cập cần khắc phục.
Tiền Phong