Cặp vợ chồng lên núi thuê căn nhà gỗ cũ hơn 3 triệu đồng/tháng: Làm nơi thưởng trà, tận hưởng cuộc sống nhàn nhã!
Họ thuê một căn nhà gỗ cũ rồi tự tay cải tạo thành một nơi thưởng trà, thư giãn và tận hưởng một cuộc sống gần gũi với thiên nhiên.
- 27-09-2023Chán việc văn phòng, cặp vợ chồng bán toàn bộ tài sản, liều mua bất động sản trị giá 39 tỷ đồng: Sau vài năm nhận cái kết không ngờ
- 24-09-2023Nhật Bản: Bỏ phố về quê, cặp vợ chồng xây căn nhà to đẹp trong mơ
- 17-09-2023Từng ở nhà trọ chật chội và mơ ước về ngôi nhà riêng: Sau 2 năm phấn đấu, cặp vợ chồng tậu được căn chung cư mãn nhãn
Năm 2014, Đại Mỹ là một nhà thiết kế đã bỏ công việc của mình ở thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc về lại quê hương cùng chồng mình khởi nghiệp. Một vài năm sau, do ảnh hưởng của đại dịch và vì tình yêu với cuộc sống trên núi, họ đã chuyển lên núi sống và thuê một căn nhà gỗ cũ với mức giá 1.000 nhân dân tệ/tháng (khoảng hơn 3 triệu đồng) làm một nơi để thưởng trà.
Sau khi chuyển đến sống trong núi, họ như một lần nữa được quay về tuổi thơ. Họ thích thú ngắm hoa vào mùa xuân, hái rau vào mùa hè, thu hoạch bạch quả vào mùa thu và nhóm lửa nấu trà vào mùa đông. Họ nói rằng, so với cuộc sống ở các thành phố lớn, cuộc sống trong núi không còn căng thẳng và hối hả như vậy. Chỉ cần tận hưởng không gian yên bình này cũng đủ để họ cảm thấy cuộc sống trở nên thư thái và tốt đẹp hơn.
Quyết định lên núi, tự tay cải tạo căn nhà gỗ làm nơi thưởng trà
Khi mới trở về quê hương, họ đã mở một nhà nghỉ ở khu phố cổ và kinh doanh một cửa hàng nhỏ. Trong vài năm, việc kinh doanh của họ thuận lợi và cuộc sống dần ổn định, nhưng sau đó, họ đã phải đối mặt với tình hình khó khăn do đại dịch COVID-19. Trước khi tổn thất trở nặng, họ đành bán toàn bộ cửa hàng đã kinh doanh trong vài năm qua.
Sau khi bán cửa hàng, họ đã quyết định nghỉ ngơi trong nửa năm, dành thời gian cùng gia đình leo núi, bơi lội và đi dạo. Vào mùa thu năm 2021, vợ chồng Đại Mỹ đã đến vùng núi này để thám hiểm núi rừng, khi tình cờ thấy một cây bạch quả cổ thụ, họ đã rất thích. Cây bạch quả này rợp bóng một ngôi nhà cũ đã bỏ hoang nhiều năm.
Thấy ngôi nhà cũ dưới gốc cây, đã mọc rêu trên các viên đá, nhưng tổng thể vẫn rất đẹp, vợ chồng Đại Mỹ đã đã liên hệ chủ nhà để thuê ngôi nhà cũ này cùng với khoảng sân rộng. Tiền thuê là 1000 nhân dân tệ mỗi tháng (khoảng hơn 3 triệu đồng).
Sau đó, họ bắt đầu cải tạo ngôi nhà gỗ cũ này. Không gian nhà cũ được thiết kế theo kiểu “ba gian” truyền thống của các đồng bào dân tộc ở địa phương. Trên cơ sở này, họ đã tạo ra 6 phòng nhỏ bằng cách sử dụng tủ bếp và bàn dài làm vách ngăn. Đại Mỹ thích những không gian mở như vậy. Cầu thang ban đầu đi lại bất tiện nên họ phá bỏ và dùng gỗ đã tháo dỡ để xây một cầu thang mới ở giữa nhà, chia gác mái thành 2 không gian nhỏ.
Ánh sáng tự nhiên là một vấn đề quan trọng cho ngôi nhà cũ này, vì vậy họ đã tháo bỏ những viên đá xếp thành tường để thay bằng kính. Nhiều tấm kính này đều do họ tự tìm về và không cần phải mất tiền.
Đại Mỹ thích phòng gác mái nên cô ấy đặt tên cho căn phòng là Đại Mỹ. Cửa sổ kính của phòng gác dài và hẹp, chỉ đủ để nhìn thấy những chiếc lá bạch quả, xanh mướt vào mùa hè và chuyển vàng vào mùa thu. Đại Mỹ treo một chiếc gương trên bức tường đối diện với cửa sổ kính để có thể nhìn thấy cây bạch quả từ mọi góc độ trong phòng.
Ngoài ra còn có một số không gian nhỏ nằm ở sân trước và sân sau của ngôi nhà, trước kia bị bỏ hoang. Nhưng sau này, vợ chồng cô vẫn cải cải tạo và tận dụng không gian này như một khoảng sân để ngồi thư giãn, uống trà.
Toàn bộ không gian hòa hợp với núi rừng, thiên nhiên xung quanh. Đại Mỹ rất thích cây cối nên trồng nhiều cây trong khoảng sân nhà mình.
Tất cả đồ nội thất và vật dụng trong ngôi nhà này về cơ bản đều đến từ chợ đồ cũ, hoặc đơn giản là nhặt được từ trên núi hoặc ven đường. Lý do chính vừa tiết kiệm, vừa bảo vệ môi trường. Vợ chồng Đại Mỹ quan niệm rằng: "Thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta món quà tuyệt vời nhất, tại sao không tận dụng nó?".
Chẳng hạn, gỗ cũ nhặt từ trên núi về đã được đánh bóng, gọt giũa, sơn màu và đóng thêm chân để trở thành những chiếc bàn, ghế. Một chiếc tủ thuốc đông y ở chợ đồ cũ với nhiều ngăn kéo và hình dáng cổ điển, sau khi mua về đã được đặt trong phòng chính, có thể được sử dụng làm phân chia không gian và để lưu trữ đồ đạc. Lưới dây thép ở lề đường cũng được Đại Mỹ tận dụng, cô lấy về và cuộn tròn rồi đặt một cái bóng đèn ở giữa, tạo thành chiếc đèn lồng treo.
Mỗi ngày thưởng trà, hái hoa, cần mẫn làm những việc mình thích
Cách ngôi nhà gỗ khoảng 100m, họ thuê hai khuôn viên nhỏ nằm ở 2 bên đường. Một bên đã được Đại Mỹ cải tạo thành thành cửa hàng thủ công và bên kia trở thành nơi ở của họ hiện tại.
Vợ chồng Đại Mỹ đã thiết kế lại toàn bộ không gian ở và lên ý tưởng cải tạo cũng tương tự như ý tưởng của ngôi nhà gỗ để thưởng trà: không gian phải càng kết nối càng tốt, đồ nội thất nên tự làm hoặc đồ cũ, nhiều ánh sáng.
Mỗi buổi sáng, chồng của Đại Mỹ đều đưa con đến trường trước. Khi anh trở lại núi cũng là lúc Đại Mỹ vừa tỉnh dậy rồi vợ chồng họ lên núi tìm hoa và cây cỏ. Cắm hoa là một việc quan trọng trong cuộc sống của họ, và trên núi luôn có những loại hoa mà họ muốn. Cách nhà không xa có một cái hồ nhỏ, họ từng dẫn một đoàn làm phim đi hái hoa sen. Dù phải đi bộ qua những con đường lầy lội, trơn trượt để vào hồ và bị muỗi đốt nhưng họ không nề hà gì.
Buổi chiều, chồng của Đại Mỹ sẽ giải quyết nhiều công việc khác nhau. Điều này bao gồm sửa chữa những mặt bàn không phẳng, bịt một số bức tường đá bị hở dẫn đến bị nước hắt vào... Anh rất khéo léo trong việc xử lý những vấn đề đó.
Còn Đại Mỹ thì ở lại cửa hàng thủ công để may quần áo và đồ thủ công. Chất liệu quần áo của cô đều là bông và lanh tự nhiên, cô tin rằng đây là những món quà từ thiên nhiên và cần phải được sử dụng tốt. “Từ khi lên núi, tôi có thể tự may quần áo, trang sức nên gần như không bao giờ tiêu tốn gì cả”, Đại Mỹ nói.
Ngoài công việc, họ dành phần lớn thời gian cùng nhau tận hưởng sự trong lành, tự tại mà cuộc sống trên núi mang lại. Trước khi trời sáng, ở đây không có tiếng còi xe và tiếng chim chóc. “Đó là khoảng thời gian yên tĩnh nhất, một loại yên tĩnh không thể tìm thấy trong thành phố”, Đại Mỹ nói. Sau đó, mặt trời bắt đầu mọc, và ánh nắng mặt trời di chuyển một cách rất chính xác từ một bên sân vào bên kia, trở thành một thước đo thời gian của họ.
Với vợ chồng Đại Mỹ, mùa nào trên núi cũng đẹp. Mùa hè dịu mát, họ không cần đến điều hòa. Vào mùa thu, khoảng sân được lấp đầy bằng một màu vàng của lá của cây bạch quả. Vào mùa đông, khi tuyết rơi, họ nấu trà bên đống lửa than ngoài sân như là một hoạt động thú vị cuối năm.
Cuộc sống thảnh thơi, không lo âu
Vợ chồng Đại Mỹ đã ở bên nhau mười năm và hầu như không có mâu thuẫn. Họ có cùng khiếu thẩm mỹ, tính cách lạc quan và hài lòng với cuộc sống, họ nói chuyện về mọi thứ và có rất nhiều điều để nói mỗi ngày.
Sau khi lên núi, họ học cách cải tạo nhà, thiết kế vườn tược, nhận biết các loại rau dại giữa đám cỏ dại. Chồng của Đại Mỹ cho biết, anh chưa từng học kiến trúc trước đây và trong quá trình biến đổi không gian, anh chỉ dựa vào sở thích và trải nghiệm.
Họ cũng có thái độ giáo dục tương tự đối với con mình. Khi con đi học về, họ không hỏi nhiều về bài tập về nhà. Điều quan trọng hơn là sau bữa tối, gia đình họ cùng nhau đi dạo trên núi hoặc ven hồ, ngồi cùng nhau thưởng trà. Họ không quá chú trọng đến kết quả học tập của con. Bây giờ họ sống trên núi nên họ thích con cái gần gũi với thiên nhiên và tò mò về thế giới bên ngoài.
Tuy sống ở vùng núi nhưng thực ra họ rất gần thành phố, giao thông rất thuận tiện, chỉ tốn 10 phút đi ô tô. Nhưng ngoài việc đưa đón con cái, họ rất ít khi xuống núi. Đại Mỹ chia sẻ: “Cuộc sống thường ngày trên núi vốn đã quá thoải mái rồi. Bạn không cần phải quá bận rộn hay căng thẳng. Bạn chỉ cần cảm nhận sự thoải mái và yên bình”.
Họ không nghĩ đến cuộc sống trên núi này có thể kéo dài bao lâu hay giai đoạn tiếp theo sẽ ở đâu. Đại Mỹ cảm thấy mọi thứ đến và đi đều là ngẫu nhiên. "Dù cho chúng tôi ở trong một ngôi nhà rất đơn sơ, chúng tôi vẫn cắm hoa, uống trà, ở bất kỳ đâu cũng là nhà và chúng tôi sẽ làm ngôi nhà của mình trở nên đẹp đẽ hơn”, Đại Mỹ nói.
Theo: Toutiao
Phụ nữ số