Cặp vợ chồng trẻ quyết định mua ô tô và tiếp tục thuê nhà ở mặc dù bị bố mẹ phản đối kịch liệt
Khi chưa dư dả kinh tế, nên mua ô tô hay mua nhà trước?
- 02-02-2024100 triệu đồng có mua ô tô được không? Bất ngờ có chiếc chỉ 35 triệu!
- 28-12-2023Tại sao nhiều người tuổi trung niên thích mua ô tô khoảng 300-400 triệu đồng?
- 20-11-2023Tay trắng sang Nhật, 33 tuổi xây nhà 11 tỷ, mua ô tô nhờ "máu liều"
Quan điểm xưa đã cho rằng an cư thì mới lạc nghiệp. Cho đến tận thời điểm hiện tại, người ta thường nghĩ phải có cái nhà để có nơi ăn chốn ở ổn định rồi mới có thể tính đến những chuyện khác.
Thế nhưng giờ đây nhà đất là một khối tài sản rất lớn mà không ít người phải phấn đấu làm ăn cả đời chưa chắc đã có thể mua được. Vậy thì việc nhất định phải có nhà bằng mọi cách có còn được nhiều cặp vợ chồng trẻ ưu tiên?
Mua ô tô thay vì trả góp mua nhà dù bị bố mẹ phản đối
Minh Thu và Hoàng Long là cặp vợ chồng trẻ đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Ngay từ khi mới ra trường đi làm, Thu đã xin bố mẹ ra thuê nhà ở riêng để tự lập cho đến khi lấy chồng.
Sau khi kết hôn, vợ chồng Thu và Long chuyển đến thuê một căn hộ lớn hơn và gần nơi làm việc hơn để thuận tiện cho cả hai trong việc di chuyển.
Thu và Long đều không nhận được sự hỗ trợ tài chính từ gia đình nên việc có thể mua được nhà ở tuổi chưa đến 30 với mức lương bình quân của nhân viên văn phòng là việc khá bất khả thi. Vì vậy, hai vợ chồng đều quyết tâm tập trung cho sự nghiệp và có con cái trước khi tính đến việc mua nhà.
Thế rồi cả hai vợ chồng bắt buộc phải chuyển về khu vực xa trung tâm thuê nhà gần với nhà bố mẹ đẻ của Thu để có thể gửi cháu cho ông bà. Lúc này hai vợ chồng ngày nào cũng phải cả đi cả về trên xe máy ngót nghét 50km.
Việc di chuyển đường dài khiến sức khỏe và tinh thần của cả hai vợ chồng cùng mệt mỏi và xuống dốc. Thời điểm này, vợ chồng Thu và Long đã tiết kiệm được 600 triệu đồng, hai vợ chồng thống nhất sẽ mua ô tô để tiện đi lại cho gia đình.
Lý do vợ chồng Thu và Long quyết định như vậy vì không thể thuê nhà ở xa bố mẹ, sẽ không có người chăm sóc con trai nhỏ, mà đứa lớn thì đi học gần nơi làm việc của bố mẹ nên di chuyển bằng xe máy suốt đoạn đường dài, nhất là vào thời tiết lạnh lẽo cũng sẽ khiến cậu bé dễ ốm đau hơn.
Tuy nhiên, việc quyết định mua ô tô của hai vợ chồng gặp phản đối kịch liệt từ bố mẹ hai bên. Người lớn cho rằng với số tiền hiện tại của vợ chồng Thu và Long hoàn toàn có thể mua được một căn chung cư trả góp thay vì mua một thứ tiêu sản như ô tô.
Chỉ trả góp mua nhà khi số tiền bỏ ra mỗi tháng tương đương tiền thuê nhà
Mặc dù không nhận được sự ủng hộ của bố mẹ nhưng vốn dĩ là những người độc lập về tài chính ngay từ khi bước chân vào đời, Thu và Long vẫn quyết định mua xe ô tô thay vì tìm một căn hộ để mua trả góp.
Kể từ ngày có phương tiện di chuyển này, gia đình Thu cảm thấy tinh thần thoải, sức khỏe cũng được bảo đảm hơn rất nhiều, nhất là vào thời điểm Hà Nội giao mùa.
Giải thích với bố mẹ hai bên về việc chọn mua ô tô trước chứ không phải mua nhà, ngoài các lý do liên quan đến thuận tiện di chuyển, bảo đảm sức khỏe, vợ chồng Thu và Long còn phân tích kỹ bài toán kinh tế mà hai vợ chồng đã dự trù.
Với khoản tiền tiết kiệm của cả hai thời điểm đó, Thu và Long quả thật có thể mua một căn chung cư trả góp. Tuy nhiên, trả góp hàng tháng bao nhiêu mới là vấn đề cần phải tính toán thật kỹ.
Thu nhập hiện tại của cả hai vợ chồng là 30 triệu/tháng. Các chi phí cho gia đình, con cái chiếm khoảng 2/3 tổng thu nhập, còn lại 1/3 sẽ là khoản tiết kiệm. Như vậy với 20 triệu/tháng, Thu có thể cân đối mọi chi phí sinh hoạt để cả nhà có thể sống thoải mái, không phải tằn tiện chi tiêu.
Mỗi tháng, tiền thuê nhà của gia đình Thu là 4 triệu. Thu và Long sau nhiều lần chuyển nhà thuê đều nhận ra rằng với khoảng từ 4 triệu đến 6 triệu mỗi tháng dành cho tiền thuê nhà là hợp lý nhất với gia đình mình. Tuy nhiên, nếu mua nhà trả góp, họ sẽ phải trả ít nhất từ 10 triệu đến 15 triệu mỗi tháng.
Long và Thu chỉ sẵn sàng mua nhà trả góp khi số tiền trả góp hàng tháng tương đương với số tiền mà họ đang chi ra để thuê nhà.
Có nên cố sức mua nhà khi lúc nào cũng phải suy nghĩ việc trả nợ?
Nếu lựa chọn mua nhà trả góp đồng nghĩa với việc để giải quyết việc "ở", số tiền gia đình Long và Thu phải chi ra sẽ tăng lên không hề ít. Nếu vẫn muốn tiết kiệm đúng 1/3 thu nhập thì họ sẽ phải tằn tiện rất nhiều trong việc sinh hoạt hàng ngày.
"Với mình, khoản tiền chi cho việc 'ở' chỉ nên ở khoảng đó để phù hợp nhất với gia đình nhà mình. Đương nhiên, ai chẳng muốn an cư lạc nghiệp, thế nhưng với mỗi giai đoạn của cuộc sống, mình cần có kế hoạch phù hợp nhất để không phải rơi vào trạng thái giật gấu vá vai."
Thu chia sẻ rằng không phải cô không có kế hoạch mua nhà, việc tiết kiệm 1/3 thu nhập hàng tháng chính là kế hoạch dài hơi để mua nhà của vợ chồng cô. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, gia đình cô thấy việc mua ô tô trước, mua nhà sau là việc thiết thực, hợp lý và nên làm.
"Chồng mình từng hỏi vợ rằng nếu cứ cố kiết mua cái nhà để rồi lúc nào cũng đau đầu suy nghĩ việc làm sao đủ tiền trả nợ thì có nên hay không? Đây chính là lý do khiến mình quyết tâm mua ô tô trước thay vì trả góp mua nhà, mặc dù bị người lớn phản đối kịch liệt!"
Phụ nữ số