Case study Sony Ericsson, Pepsi x Bitis...: Khi 2 thương hiệu "nương tựa" lẫn nhau, chi phí thương hiệu sẽ được "double", Thuế TNDN cũng bị ảnh hưởng?
Trên thế giới có Sony Ericson là ví dụ điển hình của trường hợp liên kết 2 thương hiệu trên 1 sản phẩm, có "bố" là tập đoàn Sony của Nhật Bản và "mẹ" là công ty truyền thông Ericsson Thụy Điển. Ở Việt Nam, Tập đoàn Unicharm đã mua 95% cổ phần của Diana từ năm 2011, nhưng đến nay trên bao bì sản phẩm vẫn sử dụng đồng thời thương hiệu Diana và Unicharm.
- 05-11-2021Thế giới Di động: Case study điển hình của việc doanh nghiệp sử dụng nghiệp vụ treasury, 'tay trái đỡ tay phải' nhằm cải thiện lợi nhuận trong năm COVID
- 02-09-2021Case study hiếm ngành bán lẻ: Tăng trưởng mạnh nhưng vẫn có lãi, CEO Con Cưng tự tin với mục tiêu doanh thu tỷ đô vào năm 2023
- 26-08-2021Giải mã lí do Microsoft cứu Apple khỏi phá sản - case study từng khiến cả thế giới ngỡ ngàng: Là lòng tốt với đối thủ hay nước cờ cao tay của Bill Gates?
Chương trình hỗ trợ thanh tra, kiểm tra Thuế 2022 với chủ đề "Trút bỏ gánh nặng thanh, kiểm tra thuế" do công ty kiểm toán KPMG tổ chức ngày 14/04 vừa qua có sự tham gia của ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ quản lý thuế Doanh nghiệp lớn thuộc Tổng cục thuế và các Trưởng bộ phận đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Thuế tại KPMG.
Ông Hoàng Thuỳ Dương, trưởng bộ phận Thuế KPMG Việt Nam chia sẻ, không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới năm 2022 -2023, Tổng cục thuế và các cơ quan thuế địa phương sẽ tăng cường công tác thanh kiểm tra, để ngoài việc thực hiện nhiệm vụ hàng năm, còn đảm bảo mục tiêu thu đúng, thu đủ, đúng đối tượng, đúng lĩnh vực có đánh giá rủi ro cao về thuế.
Theo số liệu của Tổng cục thuế, hết quý I/2022, tổng thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) đạt 389,3 tỷ đồng, được 33% so với dự toán thu năm 2022. Trong các nguồn thu của NSNN thì tiền truy thu thuế từ các kết luận thanh tra, kiểm tra đóng góp phần không nhỏ.
" Lãnh đạo DN cần thích ứng với tình hình mới khi thu NSNN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 - 2023, trong đó có hoạt động thanh tra kiểm tra thuế." Ông Dương nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thu Hường, chuyên gia hơn 20 năm kinh nghiệm về tư vấn thuế tại KPMG chia sẻ từ kinh nghiệm và tổng hợp của KPMG, xu hướng thanh, kiểm tra thuế năm nay sẽ tập trung vào những vấn đề chính sau: "Một là các doanh nghiệp phát sinh lỗ (đặc biệt lỗ nhiều năm kéo dài). Hai là các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế. Ba là các khoản chi trả cho tập đoàn. Bốn là các khoản hoàn thuế giá trị gia tăng. Năm là lĩnh vực thương mại điện tử
Và cuối cùng là chủ đề luôn "nóng" nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết triệt để, chủ đề " Chuyển giá".
Nguồn: KPMG
Trong số đó, nội dung về "Các khoản chi trả cho tập đoàn" khá phong phú và rất thường gặp trong thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp FDI. Trên thực tế, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam dù ít hay nhiều cũng khó tránh khỏi có sự phụ thuộc hoặc liên quan đến công ty mẹ hoặc các công ty trong cùng tập đoàn ở nước ngoài.
Những khoản chi phí thường gặp (không tính chi phí nguyên vật liệu trực tiếp) ở các doanh nghiệp FDI có liên quan đến công ty mẹ, công ty liên quan như chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ, bản quyền, nhãn hiệu, hỗ trợ liên quan đến chuyên gia,...
Chuyên gia KPMG nhấn mạnh, các doanh nghiệp nào phát sinh những khoản chi trả cho tập đoàn, công ty mẹ, các bên liên kết ở nước ngoài, sẽ được cơ quan thuế rà soát và yêu cầu giải trình, chứng minh một cách chi tiết.
Những nguyên tắc của khoản chi phí được trừ khi tính thuế TNDN đó là phải thực tế (có phát sinh thực), hợp lệ (đầy đủ hóa đơn, chứng từ, tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan) và hợp lý (tạo ra doanh thu, lợi ích cho doanh nghiệp trong kỳ).
Ông Phụng - Vụ trưởng Vụ quản lý thuế Doanh nghiệp lớn đã nói về trọng tâm thanh kiểm tra năm 2022 "Các bạn nào liên quan đến dịch vụ kỹ thuật, bản quyền, nhãn hiệu thương mại, giấy phép sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật liên quan đến chuyên gia, tất cả các khâu đó các bạn rà soát giúp tôi"
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin phép đề cập đến 1 góc độ khá thú vị về chi phí thương hiệu, nhãn hiệu gắn với sản phẩm qua câu chuyện kinh nghiệm thực tế của chuyên gia tại KPMG.
Doanh nghiệp (DN) FDI thành lập năm 2017, có công ty mẹ ở Nhật Bản, sản xuất hàng tiêu dùng bán tại Việt Nam. Công ty này nhận sáp nhập 1 doanh nghiệp khác vào hệ thống. Sản phẩm đưa ra thị trường sau đó sử dụng đồng thời thương hiệu DN của mình và DN được sáp nhập.
Nói qua về việc nhà sản xuất sử dụng hơn 1 thương hiệu trên sản phẩm, đây không phải là chuyện hi hữu trên thế giới cũng như tại Việt Nam.
Từ lâu, hợp tác thương hiệu được biết đến là chiến lược tiếp thị mà nhiều doanh nghiệp sử dụng nhằm tạo ra các sản phẩm hoặc dịch vụ sở hữu nhiều tên thương hiệu khác nhau như một phần của liên minh chiến lược (strategic alliance).
Hình thức này còn được gọi là quan hệ đối tác thương hiệu, đồng thương hiệu hoặc hợp tác thương hiệu, bao gồm sự tham gia của ít nhất hai công ty khác nhau.
Không có giới hạn ý tưởng nào cho những sự hợp tác, chẳng hạn 1 công ty nước giải khát có thể bắt tay với hãng giày cho ra mắt phiên bản giầy hợp tác quốc tế đặc biệt vào năm 2018
Sản phẩm mang dấu ấn của Pepsi và Bitis's Hunter - Hình ảnh minh họa
Hoặc Điện tử "tìm đến" Thời trang như Samsung hợp tác với Thom Browne trong sản phẩm Galaxy Z Flip 3 mới ra mắt vào năm 2021.
Hình ảnh minh họa
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể hợp tác thương hiệu thành phần, khi sản phẩm của thương hiệu này là linh kiện để sản xuất nên một sản phẩm của thương hiệu khác như câu chuyện của Máy tính Dell với thương hiệu chip xử lý Intel.
Hình ảnh minh họa
Ngoài các doanh nghiệp độc lập liên kết tạo ra sản phẩm đồng thương hiệu thì cũng có những "đám cưới" tạo ra pháp nhân mới, sử dụng cả thương hiệu của "bố" và "mẹ" như tập đoàn Sony và công ty truyền thông AB L.M. Ericsson đã liên doanh với nhau theo tỉ lệ góp vốn 50:50 cho ra đời một thương hiệu điện thoại mới với cái tên là Sony Ericsson Mobile Communication, từ tháng 9 năm 2001. Kết quả của nhiều thương vụ M&A cũng cho ra những sản phẩm sử dụng thương hiệu của cả 2 bên.
Tuy cái tên Sony Ericsson (liên minh Nhật Bản - Thụy Điển) hiện nay không còn nữa, mà thay vào đó là nhãn hiệu Sony, nhưng những sản phẩm từng làm nên tên tuổi của hãng vẫn là một phần trong lịch sử của công ty.
Lợi ích dễ nhận thấy của việc hợp tác thương hiệu là mở rộng tập khách hàng, nâng cao được sự tin cậy và thích thú với sản phẩm. Qua đó giúp doanh nghiệp gia tăng doanh thu do người tiêu dùng có tâm lý muốn trải nghiệm các sản phẩm độc đáo và sẵn sàng bỏ ra chi phí cao hơn để mua các sản phẩm này.
Vào năm 2012, Taco Bell và Frito-Lay đã cùng nhau tạo nên một sản phẩm với sự kết hợp những gì tinh túy nhất của hai công ty đặt tên là Locos Tacos: với vỏ ngoài phô mai của bánh Doritos (sản phẩm của Frito-Lay) và nhân bánh Tacos (loại bánh truyền thống của Mexico, sản phẩm chủ lực của Taco Bell). Kết quả là đã có hơn 450 triệu chiếc bán ra trong năm đầu tiên.
Hình ảnh minh họa
Vấn đề phát sinh ở đây là chi phí thương hiệu, bản quyền sẽ bị tăng lên do sử dụng cùng lúc 2 thương hiệu. Nói đến chi phí, nghĩa là trực tiếp ảnh hưởng đến số thuế TNDN phải nộp. Chi phí thương hiệu, bản quyền trở thành "điểm bị soi" khá kỹ trong mỗi cuộc thanh kiểm tra của cơ quan thuế.
Quay trở lại doanh nghiệp A, sau khi sáp nhập với 1 doanh nghiệp khác, sản phẩm của doanh nghiệp A mang thương hiệu của cả 2 công ty. Hệ quả của việc đó là phát sinh chi phí 2 nhãn hiệu trên sản phẩm.
Điều này được Cơ quan thuế đánh giá là tính trùng chi phí thương hiệu và Cơ quan thuế đã đề nghị xuất toán chi phí thương hiệu của doanh nghiệp bị sáp nhập.
Với sự tư vấn, hỗ trợ của KPMG, doanh nghiệp đã thực hiện giải trình trên những cơ sở sau:
Thứ nhất, về cơ sở pháp lý, điều kiện khấu trừ chi phí là chi phí thực sự phát sinh, thực sự liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN theo quy định tại Điều 6, Thông tư 78/2014/TT-BTC.
Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;
b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Thứ hai, về mặt nguyên nhân, việc áp dụng cả 2 nhãn hiệu trên cùng 1 sản phẩm là do cả 2 thương hiệu đều được người tiêu dùng tin cậy. DN không muốn bỏ bớt đi nhãn hiệu nào sau khi sáp nhập và DN xác định có rủi ro mất thị phần, giảm doanh thu nếu bỏ đi 1 nhãn hiệu.
Có thể lấy ví dụ 1 sản phẩm là băng vệ sinh Diana - Unicharm. Mặc dù tập đoàn Unicharm của Nhật Bản đã mua tới 95% cổ phần của Diana từ năm 2011, nhưng cho đến nay các gói băng vệ sinh do hãng sản xuất vẫn giữ nguyên thương hiệu Diana trên bao bì sản phẩm, vì mức độ quen thuộc và phổ biến của Diana trong lòng người tiêu dùng.
Hình ảnh bao bì sản phẩm Diana Unicharm
Thứ ba, về mặt kết quả, sau khi sáp nhập, DN có sự tăng trưởng về doanh thu phù hợp với chi phí. Ngoài ra, trong quy định pháp luật VN cũng không có điều nào cấm việc sử dụng 2 nhãn hiệu trên cùng 1 sản phẩm.
Sau một loạt những lập luận chặt chẽ và dẫn chứng được thực tế, kết quả tích cực là cơ quan Thuế đã chấp nhận giải trình của doanh nghiệp và không tiến hành điều chỉnh.
Bài học kinh nghiệm các DN có thể rút ra từ ví dụ này là với bất cứ khoản chi phí nào ngoài việc đầy đủ hóa đơn, chứng từ liên quan, DN còn cần xem xét đến tính hợp lý.
Nếu trong trường hợp trên, DN không chứng minh được việc "cộng hưởng" thương hiệu đem đến doanh thu tăng trưởng phù hợp với mức tăng chi phí thì việc "double" chi phí thương hiệu chưa chắc được cơ quan Thuế chấp nhận, dẫn đến khả năng cao sẽ bị truy thu thuế TNDN.
Nhịp sống Việt