MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Case study] Startup thất bại dù gọi vốn thành công hơn 300 triệu USD

24-03-2019 - 21:15 PM | Tài chính quốc tế

Dù có ý tưởng tuyệt vời và huy động được số vốn "khủng", Pay By Touch vẫn phá sản do những bê bối liên quan đến người sáng lập.

Startup: Pay By Touch là một công nghệ cho phép người dùng sử dụng dấu vân tay để thanh toán hóa đơn. Nói cách khác, công ty cung cấp hình thức thanh toán bán lẻ sáng tạo thông qua sinh trắc học.

Số tiền huy động: 340 triệu USD

Thời gian hoạt động: 2002 - tháng 5/2008

Nguyên nhân thất bại:

Ra đời ở thời điểm các dịch vụ thanh toán chưa phát triển, Pay By Touch nhận được một số tiền đầu tư khổng lồ - đến từ rất nhiều tỷ phú và giám đốc các doanh nghiệp - với niềm tin vào một công nghệ tuyệt vời của tương lai. Tuy nhiên, với sự điều hành kém cỏi và việc lạm dụng chi phí vận hành của công ty từ CEO John P. Rogers, đến tháng 5/2007, công ty thậm chí không trả được lương cho nhân viên và buộc phải đóng cửa một năm sau đó.

Một nguyên nhân khác dẫn tới thất bại của Pay By Touch là do nhiều khách hàng vẫn quen với việc sử dụng thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ thay vì chuyển sang một công nghệ mới.

[Case study] Startup thất bại dù gọi vốn thành công hơn 300 triệu USD - Ảnh 1.

Pay By Touch huy động được nguồn vốn khổng lồ nhưng vẫn thất bại. Ảnh: SlideBean.

Điều gì đã xảy ra:

Công nghệ thanh toán dựa trên sinh trắc học mà Pay By Touch tập trung phát triển là điều còn rất mới vào đầu những năm 2000. Đến nay, công nghệ nhận diện bằng vân tay, khuôn mặt, thậm chí là bằng mống mắt đã được nhiều công ty trên thế giới áp dụng.

Pay By Touch thực sự đã có mọi thứ để có thể thành công, bao gồm cả một logo tuyệt vời.

Được thành lập vào năm 2002 bởi John P. Rogers, Pay By Touch mang theo sứ mệnh thay đổi cách mọi người trả tiền. Rogers là một người đàn ông có ý tưởng tuyệt vời, nhạy bén trong kinh doanh và có những bước đi ban đầu vô cùng vững chắc. Đầu tiên, ông ấy thuyết phục cựu giám đốc điều hành của Oracle và Accdvisor cùng tham gia. Sau đó, ông nói với các nhà đầu tư thiên thần rằng họ đang bắt đầu một cuộc cách mạng: Một ngày nào đó, tiền mặt và thẻ tín dụng sẽ không còn tồn tại và các điểm Pay By Touch sẽ được sử dụng trên toàn thế giới.

Các nhà đầu tư lắng nghe và tin tưởng Rogers. Đến năm 2007, Pay By Touch đã huy động được số tiền lên tới 340 triệu USD. Một năm sau, công ty đóng cửa và nộp đơn xin phá sản. Lần này, những gì xảy ra được cho là có nhiều bí ẩn và có cả sự "điên rồ" trong con đường kinh doanh.

Sau khi chi hơn 150 triệu USD để mua lại các đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực thanh toán, Rogers bị cáo buộc chi tiêu lên tới 8 triệu USD mỗi tháng cho các hoạt động, trong đó bao gồm cả việc sử dụng chất gây nghiện. Ông bắt đầu ném tiền vào các bữa tiệc một cách quá mức và thậm chí còn bị cáo buộc cung cấp ma túy cho đồng nghiệp. Nghiêm trọng hơn, Rogers bị buộc tội lạm dụng tình dục. Ông bị cáo buộc dùng tiền để phục vụ cho cuộc sống tình ái của mình.

Khi Hội đồng quản trị (HĐQT) nhận thấy những gì đang diễn ra và yêu cầu Rogers từ chức, ông đã phản ứng lại bằng việc nổi giận, sa thải thành viên HĐQT và những nhân viên có ý kiến về đạo đức của mình. Không có gì là ngạc nhiên khi Pay By Touch sụp đổ. Năm 2008, công ty nộp đơn xin phá sản và đóng cửa mà không thông báo trước cho bất kỳ khách hàng nào.

Bài học:

Câu chuyện về Pay by Touch là một bài học có ý nghĩa. Dù có một ý tưởng kinh doanh tuyệt vời với tất cả tài năng, tiền bạc và định hướng cần thiết để doanh nghiệp đi đến thành công, Pay By Touch trở thành một đống đổ nát bởi chính người sáng lập và CEO công ty. Thất bại của Pay By Touch cho thấy sự lãnh đạo đúng đắn có thể quan trọng hơn bất kỳ một ý tưởng đúng, một tập thể đúng hoặc thậm chí là mô hình kinh doanh đúng.

Theo Trang Trang

NDH

Trở lên trên