MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Case Study] World Cup – Sự kiện “lỗ” nhất thế giới? Chi phí cao, rủi ro nhiều, chỉ có FIFA là "hốt bạc"

25-06-2018 - 20:07 PM | Tài chính quốc tế

Liệu các nước đang khó khăn ở các châu lục kém phát triển như Châu Phi, Nam Mỹ hay Châu Á có nên chi một khoản tiền khổng lồ cho hạ tầng bóng đá chỉ để xài có 1 tháng hay không?

World Cup – Biết là lỗ nhưng vẫn làm!

Việc đem cuộc "tỷ thí banh bóng" đi vòng quanh thế giới nghe có vẻ hơi khoa trương. Nhưng… tại sao lại không? Các cổ động viên Châu Âu luôn có cơ hội gặp thần tượng của mình mỗi cuối tuần, vì thế, việc "dịch chuyển" vòng quanh thế giới của World Cup trở nên khá hợp lý, khi các cổ động viên Nam Phi, Brazil, Nga hay Qatar ít nhất cũng có giấc mơ của mình trở thành thành hiện thực, dù chỉ trong 1 tháng.

Nhưng xét trên khía cạnh kinh tế, việc tổ chức một giải đấu với 32 đội chỉ trong vòng 1 tháng là một trách nhiệm cực kỳ to lớn, đặc biệt với những yêu cầu ngày càng gắt gao của FIFA, việc tổ chức World Cup đang trở nên tốn kém hơn bao giờ hết.

Điều đó dẫn đến câu hỏi. Liệu các nước đang khó khăn ở các châu lục kém phát triển như Châu Phi, Nam Mỹ hay Châu Á có nên chi một khoản tiền khổng lồ cho hạ tầng bóng đá chỉ để xài có 1 tháng hay không?

Brazil 2014 – Một kỳ World Cup đầy … bất ổn

[Case Study] World Cup – Sự kiện “lỗ” nhất thế giới? Chi phí cao, rủi ro nhiều, chỉ có FIFA là hốt bạc - Ảnh 1.

World Cup năm 2014 cho chính phủ toàn cầu một ví dụ kinh điển. Đây được xem là giải đấu mang lại rất nhiều cảm xúc cho cổ động viên và nhiều "hậu quả" cho người dân cả nước.

Dù gặp phải không ít phản kháng và đặc biệt là rất nhiều cuộc biểu tình trước khi sự kiện được diễn ra, chính phủ Brazil luôn trấn an dư luận rằng các khoản đầu tư sẽ được đổi lại bằng một hệ thống hạ tầng phát triển đồng đều khắp cả nước.

Nhưng trên thực tế, chỉ hạ tầng của những thành phố lớn được đầu tư và phát triển cho du khách tham dự World Cup, và hầu hết các dự án giao thông nhanh chóng bị "bỏ rơi" sau khi sự kiện kết thúc.

Đến tận "giờ G" của giải bóng đá lớn nhất hành tinh, chỉ 2/3 ngân sách được giải ngân và một số dự án bị dời ngày hoàn thành đến tận… 2016, tức là hai năm sau World Cup.

World Cup hoàn toàn có thể diễn ra nếu không có các hệ thống vận tải trên, nhưng sự kiện này sẽ không tránh khỏi thất bại nếu như không có sân vận động. Và may mắn thay, cả 12 sân vận động khổng lồ đã được gấp rút hoàn ngày ngay trước khi World Cup diễn ra.

Nhưng cuộc "chạy đua phút 89" này đã tiêu tốn Brazil tận… 4 tỷ USD.

World Cup 2014 – Lời hay lỗ?

[Case Study] World Cup – Sự kiện “lỗ” nhất thế giới? Chi phí cao, rủi ro nhiều, chỉ có FIFA là hốt bạc - Ảnh 2.

Nhưng cũng có một vài mặt tích cực sau sự kiện này. Lượng khán giả trung bình mỗi trận tại giải quốc gia Brazil đã tăng lên 16.500, cao nhất kể từ năm 2009. Dù vẫn còn khá khiêm tốn so với các giải ở Châu Âu, số lượng fan kia được đánh giá là rất ấn tượng so với chất lượng thấp, số bàn thắng ít ỏi và các kết quả không công bằng của giải đấu trong nước.

Tiếc rằng cũng như đội tuyển quốc gia tại World Cup 2014, không một CLB Brazil nào vượt qua được vòng bán kết của Copa Libertadores – giải đấu lớn nhất Nam Mỹ, dù cho quốc gia này đã "bơm" một ngân sách khổng lồ cho bóng đá.

Nhưng Amir Somoggi, một trong những nhà phân tích tài chính công khai chỉ trích World Cup 2014 được tổ chức tại Brazil, hiện cũng đang rất kỳ vọng lượng khán giả đến xem các trận bóng nội địa sẽ tăng lên đến 25.000 trong 3 hay 4 năm tới.

Theo Somoggi, kết quả tích cực này "đến trực tiếp từ các khoản đầu tư sân vận động và niềm đam mê bóng đá được dâng cao sau kỳ World Cup". Nói cách khác, những khoản đầu tư của Brazil trong World cup 2014 đã đem lại một số kết quả tích cực, nhưng nếu xét cho cùng thì nó chỉ như "muối bỏ bể".

Chính phủ Brazil đã tự rước họa cho mình

[Case Study] World Cup – Sự kiện “lỗ” nhất thế giới? Chi phí cao, rủi ro nhiều, chỉ có FIFA là hốt bạc - Ảnh 3.

Và người biến World Cup "lỗ càng thêm lỗ" không ai khác ngoài nước chủ nhà Brazil. Trong khi Fifa đề xuất tổ chức World Cup chỉ trong 8 thành phố, chủ nhà Brazil quyết định mở rộng lễ hội này khắp… 12 thành phố khác nhau!

Dù được giải thích là nhằm "Phủ rộng niềm vui bóng đá cho mọi người", nhưng quyết định "chơi sang" này đã dựng nên hàng loạt các sân vận động "vắng như chùa bà đanh" khắp Brazil. Chẳng hạn như Brasilia – sân vận động "mắc" thứ 2 thế giới, được đặt tại một thành phố không sở hữu bất kì đội bóng hạng 1 nào.

Ngoài ra thì còn sân vận động Manaus, tiếp giáp với rừng Amazon và Sân vận động Cuiaba, nằm cạnh đầm lầy Pantanal, cũng chả có đội bóng chuyên nghiệp nào trong khu vực để sử dụng.

Vậy, chính quyền Brazil đã làm gì? Câu trả lời là: Ép các trận đấu chuyên nghiệp phải được tổ chức tại những địa điểm trống kia.

[Case Study] World Cup – Sự kiện “lỗ” nhất thế giới? Chi phí cao, rủi ro nhiều, chỉ có FIFA là hốt bạc - Ảnh 4.

Thậm chí là các chính quyền địa phương phải bỏ tiền túi ra để kéo các đội bóng hạng nhất tại Rio và Sao Paulo di chuyển đến các sân vận động "xa xôi" trên để thi đấu.

Phương án này thoạt đầu nghe có vẻ có lý, nhưng nó lại vi phạm một trong những tiền lệ cơ bản nhất của những giải đấu bóng đá: Mỗi đội sẽ có cơ hội đá với một đối thủ 2 trận, một tại sân nhà của mình và một tại sân của đối phương. Các trận đấu bị "ép" phải di chuyển vô tình phá vỡ nguyên tắc này khi không một đội nào tận hưởng được lợi thế sân nhà.

Không những thế, việc xuất hiện của các đội bóng hạng nhất còn cản trở khả năng phát triển của các đội bóng "nghiệp dư" tại khu vực khi các khán giả địa phương đã quá quen với các tên tuổi lớn. Điều đáng quan ngại hơn là nếu các đội bóng ngay tại khu vực các sân vận động "vắng teo" kia không tạo được dấu ấn trong lòng người hâm mộ, một tương lai "hòa vốn" sẽ còn xa vời hơn nữa.

Và giá vé tại Brazil cũng là một chủ đề đáng bận tâm. Hiện đất nước này đang thả nổi giá vé "theo cung cầu thị trường", nhằm đem lại doanh thu lớn nhất.

Nhưng việc này lại góp phần làm người dân Brazil trở nên thêm bất bình, vì tiền thuế của họ đã từng góp phần xây nên những sân vận động hoành tráng kia, nhưng họ lại là những đối tượng bị "móc túi" lần nữa qua giá vé cao chót vót.

Pluri Consultaria, một công ty tài chính địa phương gần đây đã công bố một số liệu kinh hoàng: Brazil đang sở hữu giá vé cao nhất thế giới xét trên bình quân thu nhập trên đầu người.

Website uy tín của Mỹ - FiveThirtyEight từng phân tích kết quả tài chính của World Cup Brazil năm 2014 và kết luận: "Khoản đầu tư vào sân vận động của Brazil xét cho cùng đã thất bại. Đất nước này chỉ có một điểm sáng duy nhất là trở thành chủ nhà World Cup có nền kinh tế bất ổn nhất và vẫn hoàn thành được nhiệm vụ của mình một cách "thần kỳ".

Nhưng xét cho cùng thì World Cup không phải là một sự kiện để "kiếm lời", Nga hiện có kế hoạch chi đến… 7 tỷ USD cho sân vận động của mình, và World Cup Qatar 2022 còn dự định phá kỷ lục với những sân vận động lắp… máy điều hòa.


Theo Lê Thanh Sang

Trí thức trẻ

Trở lên trên