Cắt cơn sốt đất, người có tiền từ từ không vội
Thị trường bất động sản chậm lại dưới tác động của dịch bệnh.
Ở một số khu vực đã từng xảy ra sốt đất như tại Hải Phòng, Bắc Ninh, Đà Nẵng... mức độ quan tâm đến BĐS đang giảm mạnh nhất. Trong khi đó, để đối phó với dịch bệnh, nhiều DN buộc phải gác lại kế hoạch bán hàng.
Dữ liệu mới nhất của Batdongsan.com.vn ghi nhận, mức độ quan tâm toàn thị trường tháng 4/2021 giảm 18% và lượng tin đăng giảm 1% so với tháng trước đó. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm trước, mức độ quan tâm vẫn tăng 44% và lượng tin đăng vẫn tăng 63%.
Cũng theo đơn vị này, tại một số các tỉnh thành khác, mức độ quan tâm tháng 4 vừa qua có xu hướng giảm ở mức từ 10-34% so với tháng trước và diễn ra ở hầu hết các tỉnh thành. Trong đó, mức độ quan tâm giảm mạnh nhất ở một số khu vực đã từng xảy ra sốt đất như tại Hải Phòng giảm 34%, tại Bắc Ninh giảm 29%, Đà Nẵng giảm 21%...
Chưa hết, trong tuần đầu tiên của tháng 5, khi có sự quay trở lại của dịch bệnh, mức độ quan tâm tại các tỉnh thành có nhiều ca nhiễm có sự sụt giảm.
Cụ thể, nếu so sánh dữ liệu 7 ngày trước và sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, mức độ quan tâm đến bất động sản tại Bắc Ninh giảm 21%, Vĩnh Phúc giảm 39% và Đà Nẵng giảm 25%.
Đối với phân khúc chung cư, chỉ số giá chung cư ở Hà Nội trong tháng 4 vừa qua lại ghi nhận tăng nhẹ 1%, trong khi chỉ giá chung cư ở TP.HCM không có sự biến động đáng kể.
Tuy nhiên, lượng tin đăng và mức độ quan tâm đến chung cư ở Hà Nội giảm lần lượt ở mức 22% và 8% so với tháng trước. Số liệu này tại thị trường TP.HCM cũng giảm ở mức 2% ở lượng tin đăng và 17% mức độ quan tâm.
Đáng chú ý, lượt quan tâm phân khúc chung cư bình dân ở TP.HCM giảm nhiều nhất là 27% và phân khúc chung cư cao cấp là 23%, trung cấp là 22%.
Còn đối với doanh nghiệp, những kế hoạch bán hàng chuẩn bị trước đó của buộc phải gác lại và thay đổi để thích ứng với tình hình mới trong bối cảnh dịch bệnh.
Chia sẻ với PV Infonet, ông Nguyễn Văn Hậu – Tổng giám đốc Công ty CP bất động sản Asian Holding cho biết, công ty ông cũng đã phải tạm dừng lại kế hoạch “bung” hàng vào giữa tháng 5 do tình hình dịch bệnh.
“Tất cả kế hoạch truyền thông, marketing, TVC... đều đã chuẩn bị nhưng đều phải dừng lại để nghe ngóng tình hình kiểm soát dịch. Nếu tình hình kiểm soát tốt thì có thể sang tháng 6 công ty sẽ triển khai, nếu chưa ổn có thể lại phải chuyển sang tháng 7”, ông Hậu nói.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Tổng giám đốc Tập đoàn Đại Phúc Land, khi có thông tin bùng dịch ở các quốc gia lân cận, doanh nghiệp đã đẩy nhanh việc bán hàng trực tiếp trong 4 tháng đầu năm.
Ngoài ra, công ty cũng lên kế hoạch cho kịch bản xấu nhất là dịch sẽ kéo dài trong vài tháng tới; trong đó có các phương án sử dụng công nghệ để không gián đoạn quá trình bán hàng các sản phẩm công ty đang triển khai.
Báo cáo mới nhất từ Bộ Xây dựng đã dẫn số liệu từ Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho thấy, tốc độ tăng tín dụng của quý 1/2021 đang cao hơn so với mức tăng 1,3% của cùng kỳ năm trước và với mức tăng này, dư nợ tín dụng nền kinh tế đã đạt trên 9,46 triệu tỷ đồng.
Trong đó, tín dụng lĩnh vực bất động sản là 1.835.504 tỷ đồng, tăng 2,13% so với cuối năm 2020 (kinh doanh bất động sản tăng 2,82%). Tín dụng bất động sản các năm gần đây vẫn tăng nhưng tốc độ tăng chậm dần. Cụ thể, năm 2019 tăng khoảng gần 30%; năm 2020 tăng trên 11%; quý 1/2021 tăng khoảng 3%.
Bộ Xây dựng cho biết, từ số liệu trên cho thấy tín dụng bất động sản vẫn đang được kiểm soát chặt chẽ và có thể nhận định rằng nguyên nhân thị trường bất động sản tăng trong thời gian gần đây không chỉ xuất phát từ tín dụng. Theo phân tích của nhiều tổ chức, cá nhân chuyên ngành thì có hiện tượng nguồn tài chính thay vì chuyển vào sản xuất - kinh doanh do dịch bệnh khiến hàng loạt cơ sở sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn đã chuyển hướng sang bất động sản.
Bên cạnh đó, lãi suất gửi tiết kiệm thời gian qua giảm mạnh, khiến dòng tiền nhàn rỗi chuyển vào kênh đầu tư bất động sản.
Infonet