MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cắt giảm chi phí “cứu” doanh nghiệp dệt may

12-09-2021 - 15:50 PM | Doanh nghiệp

Cắt giảm chi phí “cứu” doanh nghiệp dệt may

Trao đổi với DĐDN, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, cần phải dừng, giảm và cắt nộp nhiều khoản kinh phí để "cứu" doanh nghiệp dệt may trong lúc này.

Chuỗi cung ứng đối mặt với nguy cơ đứt gãy, nhân lực thiếu hụt, vận chuyển gián đoạn và sự điều hành thiếu thống nhất của các địa phương trong sản xuất, lưu thông hàng hóa, nguyên liệu… khiến doanh nghiệp ngành dệt may như “ngồi trên đống lửa”, mục tiêu xuất khẩu năm 2021 của toàn ngành trở nên xa vời.

-Thưa ông, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất mà ngành dệt may đang phải đối mặt khiến mục tiêu 39 tỷ USD năm sẽ xa vời, thưa ông?

Vâng, nhờ sự vào cuộc chống dịch quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong năm 2020 đi đôi với chủ trương thực hiện mục tiêu kép, nên tình hình sản xuất, xuất khẩu của ngành dệt may các tháng đầu năm 2021 đã có kết quả tích cực. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam 8 tháng đầu năm 2021 ước đạt 25,9 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ 2020. Kim ngạch nhập khẩu nguyên, phụ liệu ước đạt 16,2 tỷ USD tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trị giá xuất siêu trong 8 tháng của ngành đạt 9,73 tỷ USD.

Tuy nhiên, mới đây diễn biến vô cùng phức tạp của đại dịch Covid-19 tại TP. HCM và các tỉnh phía Nam đã làm nhiều doanh nghiệp dệt may phải đóng cửa, ngừng sản xuất, sản xuất cầm chừng, không thực hiện được đơn hàng, phải giao hàng bằng máy bay hoặc bị khách hàng hủy đơn hàng.

Tổn thất không những về kinh tế mà cả uy tín đối với khách hàng. Kim ngạch xuất khẩu tháng 8/2021 của ngành ước giảm 18,7% so với tháng 7/2021 và giảm 5,8% so với tháng 8/2020.

Đặc biệt hơn, 4 tháng cuối năm 2021 sẽ là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn đối với ngành dệt may, do không ít khách hàng chuyển đơn hàng đi nước khác và sẽ thiếu nhân công do nhiều người lao động đã về quê không dễ quay trở lại ngay.

Nếu tình hình dịch bệnh không kiểm soát được trong tháng 9/2021 khả năng ngành chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu 33 – 34 tỷ USD và mục tiêu năm 2021 đạt mức thực hiện 39 tỷ USD của năm 2019 sẽ rất xa vời.

Cắt giảm chi phí “cứu” doanh nghiệp dệt may - Ảnh 1.

Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp

-Vậy doanh nghiệp có kiến nghị những chính sách hỗ trợ như thế nào để giải quyết khó khăn hiện tại, thưa ông?

Để thực hiện “mục tiêu kép” vừa tập trung kiểm soát dịch, vừa duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng ngành dệt may, thì một số vấn đề cấp bách cần triển khai.

Cụ thể, đề nghị Nhà nước tiếp tục khai thác nguồn vacxin nhiều nhất, nhanh nhất và tiêm đúng đối tượng. Bên cạnh lực lượng tuyến đầu và những người có nguy cơ cao cần ưu tiên tiêm vacxin cho người lao động trong nhà máy và các khu công nghiệp, đội ngũ lái, phụ xe vận tải, shipper, nhân viên làm công tác xuất nhập khẩu.

Đồng thời, thống nhất giữa các địa phương về quy định kiểm tra và phân luồng giao thông để hàng hóa xuất nhập khẩu, nguyên liệu cho sản xuất, hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân không bị tình trạng thông thoáng ở địa phương này nhưng ách tắc ở địa phương khác.

Cho phép các khu công nghiệp, doanh nghiệp đã tiêm đủ 2 mũi vacxin cho người lao động tại các địa phương, các vùng không có nguy cơ cao được quay trở lại hoạt động theo điều kiện “bình thường mới”.

Địa phương và doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ trong xử lý các tình huống phát sinh dịch bệnh và làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người lao động, người dân trong việc thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch theo quy định.

Đặc biệt, đề nghị cắt giảm các chi phí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cụ thể, đề nghị Thành phố Hải Phòng dừng thu phí cảng biển đến 31/12/2021 và nghiên cứu giảm 50% cho năm 2022. Thành phố Hồ Chí Minh hoãn áp dụng thu phí cảng biển tối thiểu đến 30/6/2022. Vì hiện tại các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, trong khi Hải Phòng đã thu từ 01/01/2017 đến nay với số tiền rất lớn, mà Luật phí và lệ phí quy định chỉ thu để “cơ bản bù đắp chi phí đã đầu tư”, còn thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của các tỉnh phía Nam nhưng hầu hết các địa phương này đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 do dịch bệnh bùng phát.

Cắt giảm chi phí “cứu” doanh nghiệp dệt may - Ảnh 2.

Đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống ngân hàng không hạ hạn mức tín dụng đối với với những doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19, tiếp tục giảm lãi suất cho vay tối thiểu 1%/năm và giãn thời gian trả nợ gốc và lãi của năm 2021 và 2022.

Theo số liệu được công bố, 6 tháng đầu năm rất nhiều Ngân hàng có lợi nhuận tăng cao so với cùng kỳ năm 2020, trong khi các doanh nghiệp đang rất khó khăn.

Đề xuất Nhà nước tiếp tục giảm giá điện, nước và thuế VAT từ 20-30% cho các doanh nghiệp ở các địa phương phải thực hiện Chỉ thị 16 tối thiểu đến hết tháng 6 năm 2022.

Các địa phương không điều chỉnh giá thuê đất trong điều kiện các doanh nghiệp phải gồng mình chống dịch và nghiên cứu giảm tiền thuê đất 50% cho doanh nghiệp ở các địa phương áp dụng Chỉ thị 16 đến hết năm 2022.

-Được biết mới đây VITAS cùng 13 Hiệp hội đã đồng kiến nghị miễn phí đóng kinh phí công đoàn năm 2021, thưa ông?

Đúng vậy, đây là kiến nghị cấp bách tiếp theo mà chúng tôi đề xuất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong giai đoạn này. Theo đó, đề nghị dừng hoặc giảm các khoản thu không phải chi ngay mà để kết dư. Đơn cử như Bộ LĐTBXH nghiên cứu đề xuất dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất như quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP nhưng không phải chỉ trong 6 tháng từ khi nộp hồ sơ mà 1 năm từ khi nộp hồ sơ. Đối với các doanh nghiệp nằm trong địa phương áp dụng chỉ thị 16/CT-TTg được giảm 50% số tiền phải nộp.

Đối với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị dừng thu kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn trước mắt đến 30 tháng 6 năm 2022 với các điều kiện như quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP về dừng nộp vào quỹ hưu trí và tử tuất (tức là ít nhất có 15% lao động phải tạm thời nghỉ việc (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn, thỏa thuận nghỉ không lương) thay vì 50% như quy định tại công văn số 2059/TLĐ của Tổng Liên đoàn ngày 28/5/2021.

Cắt giảm chi phí “cứu” doanh nghiệp dệt may - Ảnh 3.

Đồng thời, miễn đóng đến 31/12/2021 cho doanh nghiệp nằm trong các địa phương thực hiện Chỉ thị 16.

Cho phép doanh nghiệp phối hợp với Công đoàn cơ sở được sử dụng quỹ công đoàn đang kết dư tại doanh nghiệp trả chi phí test nhanh, chi phí xét nghiệm cho người lao động, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn...

Vì hiện tại số tiền kết dư của hai quỹ BHXH và BHTN đang còn quá lớn, theo công bố đến nay là 935.100 tỷ đồng, tương tự tiền kết dư của quỹ công đoàn trong hệ thống công đoàn đến cuối năm 2019 theo kiểm toán Nhà nước cũng còn khoảng 29.000 tỷ đồng, trong khi doanh nghiệp đang rất khó khăn, cần phải dừng và giảm nộp để “cứu” doanh nghiệp trong lúc này.

-Vậy còn những cơ chế chính sách lâu dài cho ngành dệt may là gì không, thưa ông?

Về lâu dài, chúng tôi kiến nghị, thứ nhất, Chính phủ sớm ban hành “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến 2035”. Bởi vì, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều FTA tạo điều kiện cho các ngành kinh tế, trong đó có dệt may, mở rộng thị trường xuất khẩu với thuế suất giảm dần về 0%.

Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi thuế quan các doanh nghiệp dệt may phải đáp ứng quy tắc xuất xứ, ví dụ “từ sợi trở đi” đối với CPTPP và “từ vải trở đi” đối với EVFTA. Hiện nay, việc sản xuất nguyên phụ liệu, nhất là vải, lại là khâu yếu và điểm nghẽn của ngành do nhiều địa phương không mặn mà với việc cấp phép dự án dệt, nhuộm vì lo ngại gây ô nhiễm môi trường. Nhưng, hiện nay với công nghệ tiên tiến và sự vào cuộc của cơ quan quản lý môi trường các dự án này hoàn toàn không gây ô nhiễm.

Cắt giảm chi phí “cứu” doanh nghiệp dệt may - Ảnh 4.

Do đó, chúng tôi mong muốn Chiến lược sẽ định hướng hình thành các khu công nghiệp lớn có xử lý nước thải tập trung thu hút các dự án dệt nhuộm có công nghệ hiện đại. Nếu Việt Nam không sản xuất được nguyên phụ liệu đáp ứng yêu cầu xuất xứ, ngành dệt may sẽ không được hưởng lợi ích từ các FTA và tiếp tục phải gia công với giá trị gia tăng thấp và kém hiệu quả.

Thứ hai, Nhà nước nghiên cứu bỏ quy định nộp thuế VAT đối với doanh nghiệp sử dụng vải trong nước để may xuất khẩu, thay vì phải nộp thuế trước rồi hoàn sau như quy định hiện nay.

Lý do là quy định này không tạo thuận lợi hình thành các chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp dệt may trong nước, không khuyến khích sử dụng vải sản xuất trong nước để may XK và không bình đẳng với vải nhập khẩu để gia công xuất khẩu.

Cắt giảm chi phí “cứu” doanh nghiệp dệt may - Ảnh 5.

Thứ ba, Nhà nước sớm ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn 2012 cho phù hợp thực tế và tương thích với những quy định liên quan của Bộ Luật Lao động 2019. Đặc biệt, xem xét, rà soát lại tỷ lệ trích nộp kinh phí công đoàn, giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% về tối đa 1% và được quản lý, phân bổ từ một Hội đồng do Chính phủ thành lập tương tự như Hội đồng quản lý Quỹ BHXH, có sự tham gia của Công đoàn Việt Nam, VCCI, Bộ Tài chính sẽ phù hợp hơn trong hình hình mới.

Thứ tư, Nhà nước nghiên cứu sửa đổi quy định tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp cho phù hợp thực tế. Quy định của Nhà nước về các khoản trích nộp bảo hiểm hiện nay: doanh nghiệp phải nộp tổng cộng 21,5% (17,5% BHXH, 3% BHYT, 1% BHTN); NLĐ phải nộp 10,5% (8% BHXH, 1,5% BHYT, 1% BHTN). Đây là tỷ lệ đóng cao so với khu vực và thế giới. Đề nghị Nhà nước giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm cho DN và NLĐ về tương đương mức đóng của năm 2010 trước đây. Cụ thể: NSDLĐ đóng 17% (BHXH 14,5%, BHYT 2%, BHTN 0,5%) và NLĐ đóng 6,5% (BHXH 5%, BHYT 1% và BHTN 0,5%). Bởi vì, đây là mức đóng quá cao so với sức chịu đựng của DN và NLĐ, là nguyên nhân của nguồn kết dư rất lớn (như trên đã nêu chỉ riêng hai quỹ BHXH và BHTN đến nay đã kết dư gần 1 triệu tỷ đồng).

Thứ năm, khoản 2, điều 50 Luật Việc làm quy định: “Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng”. Đề nghị sửa đổi quy định theo hướng “đóng từ đủ 12 tháng đến 24 tháng được hưởng 2 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó cứ đóng thêm đủ 12 tháng thì được thêm 1 tháng nhưng tối đa không quá 12 tháng”.

Quy định hiện hành đã tạo ra tình trạng biến động lao động tại nhiều doanh nghiệp, do người lao động, nhất là lao động trẻ, lợi dụng chính sách này chỉ đi làm đủ 12 tháng để hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, có trường hợp sau đó lại đi xin việc làm tiếp 12 tháng rồi lại nghỉ.

Xin cám ơn ông!

Bài Thy Hằng, ảnh Quốc Tuấn, thiết kế: Thuỳ Linh

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên