MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cắt, giảm hàng loạt điều kiện kinh doanh, Cục Hàng hải sẽ thực hiện vai trò quản lý thế nào?

Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT) được đánh giá là đơn vị có đột phá nhất trong đợt cắt, giảm điều kiện kinh doanh vừa qua của Bộ GTVT. Tuy nhiên, liệu việc cắt, giảm này có thực hiện để "lấy thành tích" hay không và Cục Hàng hải sẽ thực hiện vai trò quản lý của mình thế nào sau khi cắt giảm?

Phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang về vấn đề này.

Đợt cắt, giảm điều kiện kinh doanh hồi tháng 4 vừa qua của Bộ GTVT, ngành hàng hải được cho là lĩnh vực đột phá nhất. Xin ông cho biết Cục Hàng hải Việt Nam đã thực hiện việc này như thế nào?

Ông Nguyễn Xuân Sang: Vừa qua, thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam đã thực hiện rà soát trong tổng số 189 điều kiện kinh doanh và đề xuất bỏ 87 điều kiện, sửa 36 điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải, chiếm tỉ lệ 65,08%.

Lĩnh vực hàng hải được coi là lĩnh vực đột phá nhất bởi ngoài việc cắt giảm 65,08% điều kiện kinh doanh thì Cục Hàng hải đã đề xuất bỏ 1 giấy chứng nhận (giấy chứng nhận kinh doanh vận tải biển); đề nghị đưa ra khỏi danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện 2 ngành nghề kinh doanh có điều kiện gồm ngành nghề nhập khẩu pháo hiệu hàng hải (thuộc ngành nghề kinh doanh các loại pháo) và thanh thải chướng ngại vật (thuộc ngành nghề bảo đảm hàng hải).

Được biết do nước ta chưa sản xuất được, ngành nghề "nhập khẩu pháo hiệu hàng hải" từ trước đến nay được quản lý bằng điều kiện, doanh nghiệp phải có vốn tối thiểu 2 tỷ đồng và có giấy chứng nhận của Tổ chức Hàng hải quốc tế. Nay Cục Hàng hải đề xuất bỏ ra khỏi danh mục liệu có buông lỏng quản lý?

Ông Nguyễn Xuân Sang: Cần phải nói rõ rằng pháo hiệu hàng hải là công cụ trang bị trên các cano cứu sinh, xuồng cứu sinh để khi có sự cố, người sử dụng có thể bắn pháo hiệu để lực lượng cứu hộ tìm thấy. Đây là trang thiết bị bắt buộc phải có trên các xuồng, bè, cano cứu sinh và Việt Nam hiện đang hoàn toàn nhập khẩu ở nước ngoài.

Tuy nhiên, số lượng pháo hiệu này được sử dụng cho lượng tàu, bè của chúng ta cũng không nhiều, hạn sử dụng của pháo hiệu cũng khá dài nên số lượng nhập khẩu rất hạn chế. Bên cạnh đó, khi doanh nghiệp muốn nhập khẩu pháo hiệu hàng hải đều phải báo cáo lên Bộ GTVT xin phép. Tức là từ trước đến nay chúng ta đang kiểm soát 2 lần, vừa áp dụng điều kiện kinh doanh và khi kinh doanh lại phải khai báo từng đợt. Vì vậy, Cục Hàng hải đề xuất đưa ra khỏi danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Việc này không phải buông lỏng quản lý mà vẫn quản rất chặt nhưng theo hướng hậu kiểm. Từ nay, nếu các chủ tàu cần nhập pháo hiệu hàng hải chỉ cần báo cáo lên Bộ GTVT, Bộ sẽ cấp phép cho từng lô hàng với thủ tục rất nhanh gọn, doanh nghiệp nào cũng có thể làm được.

Tương tự, ngành nghề "thanh thải chướng ngại vật" như trước đây yêu cầu doanh nghiệp có vốn tối thiểu 5 tỷ đồng và được trang bị đầy đủ thiết bị, đảm bảo an toàn cho công việc mới được phép hoạt động. Nếu không áp điều kiện kinh doanh, liệu có xảy ra tình trạng doanh nghiệp không đủ trang thiết bị, không đảm bảo an toàn vẫn thực hiện thanh thải không, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Sang: Về việc thanh thải chướng ngại vật, có những chướng ngại vật chìm đắm dưới biển quy định chủ tàu hoặc cơ quan nhà nước (các cảng vụ) tuỳ theo quy mô, kích thước chướng ngại vật đó phải bỏ kinh phí ra để tổ chức thanh thải, đảm bảo an toàn cho tàu, thuyền hành trình, mở rộng luồng cho các khu neo đậu.

Khi thực hiện thanh thải, các đơn vị phải xây dựng phương án chặt chẽ và trước khi đưa phương tiện vào hoạt động thì Cảng vụ phải kiểm soát nhiều vấn đề liên quan như: Phương tiện, phương án thanh thải, phương án phòng chống cháy nổ, đặc biệt là phương án đảm bảo an toàn cho người, cho thợ lặn, cho tàu thuyền... Có thể thấy, việc kiểm soát như vậy đã là rất chặt rồi nên không cần điều kiện kinh doanh cho ngành nghề này. Đồng thời, Cục Hàng hải cũng hướng đến việc mở rộng đối tượng tham gia bằng công tác đấu thầu để chọn được nhà thầu tốt nhất.

Đặc biệt, với những trường hợp phải thanh thải gấp để mở rộng luồng cho tàu bè đi lại, nếu như buộc phải có điều kiện kinh doanh mới được làm thì có thể khu vực biển đó không có doanh nghiệp nào đáp ứng được sẽ gây khó khăn, không đảm bảo cho việc thanh thải, luồng không thông thoáng nhanh cho tàu bè đi lại gây mất an toàn hàng hải. Đây là mục tiêu chính của việc loại bỏ điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực này.

Những bất cập này không phải không nhìn thấy, tại sao trước đây chúng ta lại đưa vào quy định để gây khó khăn cho doanh nghiệp rồi nay lại thực hiện bãi bỏ?

Ông Nguyễn Xuân Sang: Phải thừa nhận rằng, giai đoạn trước đó khác bây giờ, nay chúng ta có điều kiện quản lý tốt hơn, cơ sở vật chất tốt hơn, trình độ tin học cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào quản lý được ứng dụng nhiều hơn. Do vậy, khi cắt, giảm các điều kiện kinh doanh không phải chúng ta buông lỏng quản lý mà là chuyển hướng sang hậu kiểm bằng việc áp dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý.

Theo ông, những điều kiện, thủ tục nào được cắt giảm mà doanh nghiệp mong đợi nhất?

Ông Nguyễn Xuân Sang: Theo tôi, cắt, giảm lần này hướng nhiều vào những điều kiện kinh doanh vận tải biển quốc tế và nội địa sẽ tác động tích cực đến doanh nghiệp.

Ví dụ như, với điều kiện kinh doanh vận tải biển quốc tế, quy định cũ là phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tối thiểu là 5 tỷ đồng. Nay sửa theo hướng, doanh nghiệp được lựa chọn hình thức có thể mua bảo hiểm hoặc có bảo lãnh là được.

Hay những điều kiện về nhân lực của doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển quốc tế như: Người phụ trách bộ phận thực hiện công tác pháp chế phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên thuộc chuyên ngành luật; Thuyền viên làm việc trên tàu biển phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về chuyên môn, tiêu chuẩn về sức khỏe và được cấp chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Thuyền viên Việt Nam phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về chuyên môn, được cấp chứng chỉ chuyên môn do Bộ trưởng Bộ GTVT quy định; Đáp ứng các tiêu chuẩn về sức khỏe do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định... Những quy định này Cục Hàng hải đề xuất bỏ hẳn bởi nhân lực của doanh nghiệp nên do doanh nghiệp tự quyết định để đảm bảo việc kinh doanh của chính họ, cơ quan Nhà nước không cần phải can thiệp.

Tương tự với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển nội địa cũng có những quy định như: Doanh nghiệp phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài mức bảo lãnh tối thiểu là 500 triệu đồng. Cục Hàng hải cũng đề xuất bỏ và để cho doanh nghiệp tự chủ.

Chúng tôi nhận thấy, nếu đưa các điều kiện kinh doanh vào thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ gặp khó khăn. Trước đây, mục tiêu đưa các điều kiện kinh doanh vào để tăng quy mô của doanh nghiệp lên nay chúng ta bỏ đi thì tuỳ thuộc vào thị trường điều chỉnh, nếu thị trường cần số lượng tàu lớn hơn số lượng tàu doanh nghiệp đang có, buộc lòng các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải phối hợp với nhau để làm. Tương tự, các điều kiện về nhân sự cũng theo cơ chế thị trường, doanh nghiệp muốn kinh doanh được thì người quản lý phải có năng lực là điều tất yếu.

Khi nào việc cắt, giảm này sẽ đi vào thực tiễn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp?

Ông Nguyễn Xuân Sang: Theo kế hoạch, Cục Hàng hải đang thực hiện việc trình lên Bộ GTVT một nghị định để sửa tất cả các nghị định (5 nghị định) liên quan đến các điều kiện kinh doanh trên. Dự kiến trong tháng 6 sẽ báo cáo trình lên Bộ GTVT. Tháng 10 Bộ GTVT sẽ báo cáo lên Chính phủ ban hành nghị định.

Cục Hàng hải có cam kết sau khi cắt, giảm sẽ không đưa ra thêm điều kiện nào gây khó khăn cho doanh nghiệp hay không?

Ông Nguyễn Xuân Sang: Việc cắt, giảm điều kiện kinh doanh là việc được Cục Hàng hải làm thường xuyên, liên tục từ nhiều năm nay. Do đó, Cục sẽ tiếp tục làm và không phát sinh thêm bất kỳ điều kiện kinh doanh nào, tạo điều kiện tôí đa cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Cục phụ trách.

Xin cảm ơn ông!


Theo Phan Trang (thực hiện)

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên