MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cắt ưu đãi, ôtô lại ế ẩm

30-05-2021 - 17:35 PM | Thị trường

Doanh nghiệp sản xuất ôtô lo nếu không duy trì được dung lượng thị trường đủ lớn và ổn định thì mục tiêu phát triển công nghiệp ôtô thành ngành xương sống sẽ càng xa vời.

Ngành ôtô lại vừa đón tin buồn khi Bộ Tài chính một lần nữa không đồng ý với kiến nghị của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) về việc gia hạn hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ đối với xe đăng ký mới. Dự báo, thị trường ôtô sẽ tiếp tục ảm đạm trong thời gian dài.

Doanh số sụt thê thảm

Cho biết doanh số tiêu thụ ôtô trong tháng 5-2021 dự kiến giảm khoảng 20% so với tháng trước, ông Lê Ngọc Đức, Tổng Giám đốc Công ty CP Ôtô Hyundai Thành Công Việt Nam (TC Motor), tỏ ra không mấy lạc quan vào thị trường từ nay đến cuối năm.

"Tiêu thụ xe hơi toàn thị trường trong 5 tháng đầu năm 2021 có thể sụt giảm mạnh về mức tương đương với cùng kỳ năm ngoái - thời điểm thị trường bị "sốc nặng" khi dịch Covid-19 lần đầu xuất hiện. Nguyên nhân là bởi dịch bệnh đã bùng phát 2 đợt liên tiếp kể từ đầu năm đến nay, đồng thời chính sách ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ đã không còn hiệu lực. Chưa kể, tình trạng thiếu chip toàn cầu trong mấy tháng qua trở thành "cú đấm bồi" đối với ngành sản xuất ôtô" - ông Đức cho biết.

Ông Đỗ Nguyên Vương, Tổng Giám đốc Volkswagen Việt Nam, cũng thừa nhận doanh số bán xe tháng 5 này giảm mạnh đến 50% so với kế hoạch. Còn Mitsubishi Việt Nam cho biết sức mua tháng 4-2021 giảm 20% so với tháng trước và dự kiến mức giảm của tháng 5 còn nhiều hơn. Nhiều hãng xe khác thông tin tồn kho đang tăng cao do doanh số giảm khá sâu.

Các hãng và đại lý xe hơi đều chật vật xoay xở để ứng phó với tình hình tiêu thụ rất khó khăn. "Nếu tiếp tục được ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ, sức cầu trên thị trường sẽ được kích thích. Thời điểm này, khách hàng chỉ chịu móc hầu bao mua xe khi có nhiều ưu đãi và ưu đãi lớn" - ông Vương nhận xét.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành hãng ôtô MG Việt Nam, ông Đặng Tiền Phương, cho rằng ưu đãi lệ phí trước bạ chỉ hỗ trợ thị trường được một phần. Hàng loạt khó khăn khác đang bủa vây doanh nghiệp (DN) ôtô như dịch Covid-19 kéo dài, chi phí vận chuyển tăng cao, nguồn linh kiện thiếu hụt… "Tình hình sẽ còn khó khăn hơn nữa. Ngoài việc kiến nghị nhà nước tiếp tục hỗ trợ để vượt khó, DN cũng cần có giải pháp, hướng đi riêng của mình" - ông Phương nói.

Cắt ưu đãi, ôtô lại ế ẩm - Ảnh 1.

Doanh số của các hãng ôtô trong nước bị ảnh hưởng bởi việc dừng ưu đãi lệ phí trước bạ. Ảnh: NGUYỄN HẢI

Cần chính sách hỗ trợ dài hơi

Tổng Giám đốc TC Motor Lê Ngọc Đức cho biết thêm DN kiến nghị nhà nước duy trì chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ không phải để nhằm tăng doanh số, lợi nhuận trong ngày một ngày hai mà để hướng tới mục tiêu xa hơn.

"Liên quan câu chuyện phát triển công nghiệp ôtô thành ngành công nghiệp xương sống của quốc gia, cần điều kiện tiên quyết là duy trì dung lượng thị trường ở mức đủ lớn và tăng trưởng tương đối ổn định. Thị trường xe hơi Việt Nam mới chỉ khởi sắc được vài năm rồi lại sụt giảm và chưa hẹn ngày hồi phục. Năm 2020, thị trường ảm đạm suốt gần một năm rồi sáng sủa hơn nhờ hiệu ứng của chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ chưa được bao lâu đã lại lao dốc vì ưu đãi bị cắt. Rõ ràng, như vậy sẽ không có cơ sở vững chắc để DN tăng tỉ lệ nội địa hóa, phát triển ngành" - ông Đức phân tích và cho rằng chính sách hỗ trợ, đặc biệt hỗ trợ trong bối cảnh đặc biệt như dịch bệnh, cần dài hơi để DN kịp hồi phục.

Cũng theo ông Đức, chính sách về lệ phí trước bạ cũng như nhiều chính sách khác liên quan ngành công nghiệp ôtô cần phải được nhìn nhận ở góc độ tổng quát, thay vì bị "mổ xẻ" theo quan điểm riêng từng ngành. Đơn cử, Bộ Công Thương với vai trò của cơ quan phụ trách ngành rất muốn phát triển ngành công nghiệp ôtô nhưng không nắm công cụ thuế trong tay. Bộ Tài chính nắm công cụ thuế thì lại có quan điểm bảo vệ nguồn thu.

"Nếu lãnh đạo Chính phủ không thể hiện vai trò điều tiết của mình đối với chuyện này thì sẽ không đạt được mục tiêu nào cả. Chính sách cho một ngành công nghiệp có nguồn thu lớn phải được cân nhắc từ nhiều phía. Chẳng hạn, việc cắt bỏ ưu đãi lệ phí trước bạ có thể giúp nguồn thu trước mắt không bị hụt nhưng nếu tiếp tục ưu đãi, DN tiêu thụ sản phẩm tốt hơn thì sẽ bù đắp trở lại ngân sách thông qua thuế GTGT, thuế thu nhập DN và một phần lệ phí trước bạ" - ông Đức so sánh.

Lãnh đạo một DN sản xuất ôtô trong nước chỉ rõ ngành này giúp giải quyết số lượng công ăn việc làm không nhỏ, góp phần vào nhiệm vụ an sinh xã hội. Ngoài ra, chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ trước hết tác động có lợi đến khách hàng khi giúp họ mua sắm được phương tiện đi lại dễ dàng hơn, giảm sử dụng phương tiện công cộng trong bối cảnh cần giãn cách xã hội. "Như vậy, một chính sách rõ ràng có tác động tích cực nhiều chiều chứ không nên chỉ nhìn từ phía bài toán ngân sách ngắn hạn" - vị lãnh đạo DN này nêu quan điểm.

Xe nội gặp bất lợi

Các hãng ôtô cho biết chính sách ưu đãi nói chung dành cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước chưa đủ mạnh. Do vậy, DN chưa đủ sức phát triển, không đạt mục tiêu nội địa hóa. Trong khi đó, xu hướng của ôtô thế giới là tăng thêm nhiều công nghệ và giảm giá bán. Như vậy, xe nội sẽ ngày càng bất lợi so với xe nhập khẩu.

Các hãng xe kiến nghị bên cạnh ưu đãi lệ phí trước bạ, quan trọng nhất là cần giảm thuế tiêu thụ đặc biệc theo hướng không tính giá trị linh kiện sản xuất trong nước vào giá trị tính thuế đối với ôtô. Từ đó, có thể tăng dung lượng thị trường, là động lực để tăng năng lực cạnh tranh.

Theo Phương Nhung - Nguyễn Hải

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên