Cầu 8.900 tỷ nối quận Hoàn Kiếm với Long Biên: Không sao chép, "chúng tôi không làm vô trách nhiệm"
Đại diện đơn vị thiết kế cầu Trần Hưng Đạo cho biết: "Thiết kế của chúng tôi hướng tới bản sắc Hà Nội. Chúng tôi cầu thị, muốn tạo ra sản phẩm để lại dấu ấn. Về cái đẹp thì mỗi người nhìn một góc nhìn. Rất khó để nói".
- 21-09-2021Tư vấn TEDI nói gì về những ý kiến trái chiều xung quanh thiết kế cầu Trần Hưng Đạo?
- 18-09-2021Cận cảnh phong cách Đông Dương cầu Trần Hưng Đạo gần 9.000 tỉ đồng
- 14-09-2021Tại sao cầu 8.900 tỷ đồng nối quận Hoàn Kiếm với Long Biên lại xây theo kiểu cổ điển?
Sau khi nhận được nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến kiến trúc của cầu Trần Hưng đạo, mới đây, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) – đơn vị thiết kế cầu Trần Hưng Đạo vượt sông Hồng đã có những chia sẻ về vấn đề này.
Đầu tiên, ông Sơn khẳng định, việc tuyển chọn sai luật là không chính xác. Thời điểm xem xét thành lập hội đồng là tháng 5/2020. Trong khi đó Luật Kiến trúc có hiệu lực từ tháng 7/2020.
Vị trí dự kiến xây dựng cầu Trần Hưng Đạo
Liên quan đến cầu có kiến trúc "xứ Đông Dương", ông Sơn cho biết, TEDI đặt trong bối cảnh công trình tồn tại 100 năm sau nên kiến trúc phải có kiến trúc hài hòa với cảnh quan Việt Nam.
"Đường Trần Hưng Đạo hiện nay vẫn lưu giữ được nhiều dấu tích kiến trúc giá trị từ gần một thế kỷ trước. Việc đưa một hình thức kiến trúc quá hiện đại vào khu vực này cũng cần phải cân nhắc hết sức cẩn thận nếu không muốn không gian đô thị sẵn có bị phá vỡ", Dân trí dẫn lời ông Sơn.
Gọi là ‘xứ Đông Dương’ là sai rồi, không ai dùng ‘xứ’ cả. Theo phong cách Đông Dương có nghĩa là kết hợp phong cách hiện đại của Pháp gắn với yếu tố đặc thù văn hóa Thăng Long. Ví dụ như các công trình trụ sở Bộ Ngoại giao, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam…
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm
Ông Sơn cho biết, do 1 đầu cầu nối sang khu đô thị nên phong cách kiến trúc cũng cần có sự chuyển tiếp. Công ty kiến trúc đã giảm thiểu chỉ còn có 2 tháp lớn, không để nhiều tháp như các nghiên cứu ban đầu.
Trên Tiền Phong, vị này cũng khẳng định, "thực tế, khái niệm về "Xứ Đông Dương" là một khái niệm rộng, do vậy để thể hiện được là việc không đơn giản, có khi phải mất cả một quá trình.
Với "Xứ Đông Dương" được thể hiện trong phương án kiến trúc số 3 tuy chưa thể hiện được hết ý đồ của tác giả, song cũng đã có những nét phác họa cơ bản.
Qua tiếp nhận các nội dung ý kiến vừa qua, chúng tôi thấy rằng, đa số mọi người không bác bỏ, mà chỉ yêu cầu chỉnh sửa, điều chỉnh làm sao có bản sắc Việt Nam hơn. Tôi cho rằng, ý kiến các chuyên gia, kiến trúc sư trên đều có cơ sở, thậm chí hoàn toàn đúng".
Liên quan đến độ cao của cầu, ông Sơn giải thích, cây cầu này bị khống chế tĩnh không cao, vì gần sân bay Gia Lâm. Đoạn tĩnh không dưới cũng bị khống chế bởi phần thông thuyền ăn sang mép đường Vạn Kiếp nên phải thiết kế để đảm bảo hài hòa.
Ngoài ra,ông Sơn cũng cho rằng, nhiều người nhầm lẫn đường tĩnh không của cầu Trần Hưng Đạo. Sông Hồng trong phạm vi dự án là sông cấp II, có khổ thông thuyền phải đảm bảo H=9,5 m, B=50 m, khoang thông thuyền chính nằm sát mép bờ sông phía đê Hữu Hồng. Kích thước khoang thông thuyền đã được quy định rõ trong thông tư 46/2016/TT-BGTVT về phân cấp kỹ thuật đường thủy nội địa.
Cả tĩnh không cao và thông thuyền đều là những thông số không thể thay đổi được. Rất nhiều vấn đề kỹ thuật liên quan nữa chứ thực sự không đơn giản. Còn nhiều người nhầm tĩnh không thông thuyền là 4,75 m. Không phải, 4,75 m là tĩnh không đường chui.
Việc thiết kế trắc dọc cầu cần được thiết kế để đảm bảo tĩnh không các tuyến đường chui dưới cầu là 4,75 m, đây là con số tiêu chuẩn. Còn tĩnh không thông thuyền của cầu Trần Hưng Đạo là 9,5 m.
"Với thiết kế kỹ thuật của cầu Trần Hưng Đạo thì đây là thông số không thể thay đổi. Tôi xin dẫn chứng cho nhận định này, theo quy hoạch thoát lũ và quy chuẩn đường thủy mới của Bộ NN&PTNT thì hiện tại đoạn sông Hồng từ sau cầu Long Biên, Chương Dương về phía hạ lưu (Thanh Trì) là sông cấp 2.
Do vậy độ tĩnh không hiện nay của cầu chỉ được phép 9,5 mét. Ngoài ra, với tĩnh không bên trên, do có quy hoạch sân bay Gia Lâm nên độ cao trụ cầu Trần Hưng Đạo cũng không được cao quá 47 mét", ông Sơn lý giải.
Cuối cùng, đại diện công ty thiết kế này nhấn mạnh, TEDI vẫn tiếp thu, gọt giũa làm sao để có kết quả đẹp nhất, tốt nhất, công ty cũng "không đi sao chép, không làm cho có, làm vô trách nhiệm".
"Thiết kế của "chúng tôi hướng tới bản sắc Hà Nội. Chúng tôi cầu thị, muốn tạo ra sản phẩm để lại dấu ấn. Về cái đẹp thì mỗi người nhìn một góc nhìn. Rất khó để nói. Đó là do cách nhìn. Chúng tôi tôn trọng ý kiến của các chuyên gia để hướng tới sự đồng thuận cao nhất", ông Sơn nếu quan điểm.
Dự án cầu Trần Hưng Đạo thực hiện nhằm nối quận Hoàn Kiếm với Long Biên.Tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 8.900 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước chiếm 50%, vốn nhà đầu tư BOT chiếm 50%. Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến khoảng 20 năm, tiến độ thực hiện dự án từ năm 2022 - 2025.
Kiến trúc cầu mang phong cách cổ điển xứ Đông Dương kết nối trục cảnh quan đường Trần Hưng Đạo với các công trình kiến trúc kiểu Pháp, bờ Bắc khu vực phát triển mới Bắc sông Hồng. Phương án mang dáng vẻ cổ điển, là sự gợi nhớ về vẻ đẹp cổ kính. Sơ đồ nhịp 102 4x156 102, chiều dài cầu 828 m, bề mặt cầu 31 m, với 6 làn xe, chiều dài toàn tuyến khoảng 5,5km.
Doanh nghiệp và tiếp thị