Cầu cao su tăng nhanh hơn cung đang kích thích giá tăng
Giá cao su thiên nhiên tuần này đi lên do kinh tế thế giới tiếp tục hồi phục, các nước duy trì những chương trình kích thích kinh tế khổng lồ giữa bối cảnh cung – cầu cao su thiên nhiên đều tăng.
- 22-05-2021Giá cao su tăng nhanh do sản lượng không theo kịp nhu cầu vì Covid-19
- 16-05-2021Xuất khẩu cao su tăng gần gấp đôi, dự báo sẽ còn tăng tiếp
Phiên cuối tuần 28/5, giá cao su thiên nhiên trên sàn Osaka – tham chiếu cho thị trường Châu Á – có thời điểm đạt mức cao nhất trong vòng 3 tuần.
Theo đó, cao su kỳ hạn tháng 11 trên sàn Osaka sáng 28/5 tăng lên 261 JPY/kg, cao nhất kể từ ngày 7/5 do những dữ liệu kinh tế mạnh mẽ phát đi từ Mỹ và thông tin cho biết Ngân hàng trung ương Nhật bản sẽ duy trì các biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ để vực dậy nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát.
Kết thúc phiên này, giá giảm trở lại về mức 254,3 JPY (2,3 USD)/kg, thấp hơn 1,1 JPY (0,4%) so với phiên liền trước.
Giá cao su kỳ hạn giao tháng 9 trên sàn Thượng Hải phiên cuối tuần cũng có lúc tăng lên mức cao 13.975 CNY/tấn, mặc dù sau đó giảm về 13.660 CNY (2.143 USD)/tấn.
Mặc dù vậy, tính chung cả tuần giá vẫn tăng 1,2%.
Giá cao su tại Việt Nam tháng qua cũng có xu hướng tăng. Theo khảo sát, giá cao su ở Bình Phước hiện dao động trong khoảng 315 - 390 đồng/độ mủ, tăng nhẹ so với 315 - 325 đồng/độ mủ cuối tháng 4/2021.
Giá cao su hàng thực ở các nước sản xuất khác thuộc Châu Á cũng tăng.
Giá cao su physical tại các nước sản xuất
Kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng tích cực, giúp số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 3/2020, trong bối cảnh các doanh nghiệp ở nước này đang cần rất nhiều lao động để đáp ứng nhu cầu tăng do nền kinh tế đang mở cửa trở lại một cách nhanh chóng.
Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Nhật Bản dự kiến sẽ duy trì chương trình kích thích kinh tế khổng lồ bởi dự báo lạm phát trong nhiều năm tới vẫn sẽ không đạt mục tiêu 2%, trong bối cảnh những đợt phong tỏa mới để chống lại Covid-19 làm giảm bớt tác động tích cực từ cơ hội nhu cầu tăng trên toàn cầu.
Tại Diễn đàn Thị trường Phái sinh Thượng Hải lần thứ 18 vừa diễn ra gần đây, Tổng thư ký Tổ chức Nghiên cứu Cao su Quốc tế (IRSG), Salvatore Pinizzotto, cho biết ông dự kiến tiêu thụ cao su thiên nhiên toàn cầu năm 2021 sẽ tăng 7%, sau khi giảm 8,1% trong năm 2020 do đại dịch. Tuy nhiên, ông cũng cho biết nhu cầu cao su năm nay có thể sẽ hồi phục chậm hơn dự kiến nếu đại dịch Covid-19 ở Châu Á diễn biến xấu đi nữa.
Về nhu cầu năm 2022, ông Salvatore Pinizzotto dự báo nhu cầu cao su trên toàn cầu sẽ vẫn tiếp tục tăng thêm 5,3%.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Pinizzotto cho biết: "Tiêu thụ cao su năm 2020 đã giảm đáng kể do cú sốc nhu cầu vì đại dịch, trong khi cường độ sản xuất cao su tự nhiên tiếp tục giảm, mặc dù ở một số khu vực, cây cao su mới trồng - nay đến kỳ cho thu hoạch mủ - sẽ có sản lượng tốt.
Trong khi đó, Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) cho biết sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu năm 2020 ở mức 13,13 triệu tấn, trong khi nhu cầu là 12,904 triệu tấn.
"Nếu chúng ta nhìn vào xu hướng sản xuất và nhu cầu trong năm nay sẽ thấy rằng nhu cầu cao su tự nhiên dự báo sẽ tăng 7%, và nhu cầu cao su tổng hợp cũng sẽ tăng 7,2%", ông Pinizzotto cho biết.
Trên thực tế, nhu cầu tiêu thụ cao su tự nhiên trên thế giới đang tăng đều đặn, phản ánh sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu sau giai đoạn năm 2020 sụt giảm do đại dịch Covid-19. ANRPC cho biết nhu cầu đối với cao su tự nhiên tháng 4/2021 đã tăng 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1,129 triệu tấn, phản ánh sự phục hồi kinh tế toàn cầu, đặc biệt là ở Trung Quốc và Mỹ.
IRSG dự báo sản lượng cao su thiên nhiên năm nay sẽ tăng 5%, thấp hơn mức tăng nhu cầu. Trong đó, sản lượng của khu vực Đông Nam Á giảm nhưng ở các khu vực khác trên thế giới dự báo sẽ tăng.
Báo cáo cập nhật hàng tháng của ANRPC công bố ngày 20/5 cho biết, trong tháng 4 vừa qua, sản lượng cao su thiên nhiên trên thế giới cũng tăng để đáp ứng nhu cầu đang hồi phục mạnh.
Theo đó, sản lượng cao su thiên nhiên tháng 4 đạt 903.000 tấn, tăng 22,5% so với 737.000 tấn của tháng 4 năm ngoái.
Sản lượng cao su của Trung Quốc trong tháng 3 và 4 năm nay đều thấp hơn dự kiến do dịch bệnh nấm mốc trắng bùng phát ở Xishuangbanna, Vân Nam - tỉnh sản xuất cao su thiên nhiên lớn thứ ba của Trung Quốc, sau Hải Nam và Quảng Đông.
Về quý II/2021, ANRPC dự kiến sản lượng ở một số nước thành viên như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Malaysia và Sri Lanka sẽ thấp hơn so với ba tháng đầu năm, do đại dịch Covid-19 bùng phát và dịch bệnh trên cây cao su.
Tổ chức này dự đoán Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia và Philippines sẽ tăng sản lượng, nhưng vẫn còn những yếu tố tiềm ẩn như dịch bệnh thực vật bùng phát và đại dịch Covid-19 diễn biến xấu đi.
Cả IRSG và ANRPC đều cảnh báo về những yếu tố rủi ro đối với sản xuất cao su thiên nhiên. IRSG cho biết yếu tố rủi ro là biến đổi khí hậu – sẽ tác động lâu dài tới sản xuất cao su thiên nhiên, với mưa lớn, khô hạn và nhiệt độ cao.
ANRPC cũng cảnh báo rằng sự bùng phát của các trường hợp Covid-19 và làn sóng mới của các biến thể khác nhau trên thế giới có thể tạo ra những bất ổn trong quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu.
Tham khảo: Reuters, European-rubber-journal