MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Câu chuyện 2 trái táo và bài học đắt giá mà bậc cha mẹ nào cũng cần biết để dạy con

01-08-2017 - 12:00 PM | Sống

Lời nói có thể khiến con người đứng lên và vực dậy sau vấp ngã, nhưng cũng có thể khiến ai đó sụp đổ hoàn toàn. Vì thế, người Việt luôn có câu “Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói” để nhắc nhở chúng ta luôn phải suy nghĩ thật kỹ trước khi nói ra bất cứ điều gì.

Những thứ tưởng vô hại đối với chúng ta nhưng có thể gây tổn thương sâu sắc đến người khác. Lời nói truyền tải năng lượng và sức mạnh, có thể tích cực hoặc tiêu cực. Lời nói có thể thay đổi cuộc đời của một con người, nhưng cũng có thể vùi dập cuộc đời họ. Lời nói nằm trong tay và trái tim chúng ta, vì vậy chúng ta phải sử dụng lời nói một cách khôn ngoan nhất.

Các bậc cha mẹ thường dạy trẻ từ khi còn rất nhỏ về cách sử dụng lời nói để truyền cảm hứng, giúp đỡ, an ủi và mang lại hạnh phúc cho người khác. Nhưng đôi khi, giữa bộn bề của cuộc sống thường ngày, chúng ta lại quên mất chính những bài học mà mình đã từng dạy con trẻ để rồi dùng chính những lời nói khiến trẻ nhỏ bị tổn thương.


Cái lưỡi không xương, nhưng cũng đủ để làm tan nát một trái tim

Cái lưỡi không xương, nhưng cũng đủ để làm tan nát một trái tim

Dưới đây là câu chuyện của một cô giáo đã dùng 2 trái táo để bàn về câu chuyện những tổn thương do lời nói.

Rosie Dutton là một giáo viên người địa phương ở Birmingham, Anh Quốc, chuyên giảng dạy cho trẻ em trong vùng các tiết học về cảm xúc và EQ. Một ngày nọ, trong tiết học, cô đã cùng các em học sinh của mình đã làm một thí nghiệm nhỏ, nhưng đã cho những ai nghe nó một bài học vô cùng thú vị và bổ ích.

“Hôm nay tại một lớp học, tôi có mang ra hai quả táo (trước khi tới lớp tôi cố tình làm rơi một trong hai trái táo xuống đất khá nhiều lần, nhưng nhìn bên ngoài thì trông cả hai quả táo đều nguyên vẹn, và các em học sinh không hề biết về điều này).

Chúng tôi nói về những quả táo và các em đã mô tả rằng cả hai quả trông rất giống nhau; đều có màu đỏ, kích thước tương đương và trông khá ngon mắt.

Tôi nhặt quả táo tôi đã làm rơi trước đó, và bắt đầu nói với các em rằng mình không hề thích quả táo này, rằng tôi nghĩ nó thật kinh tởm, màu xấu khủng khiếp còn cái cuống thì quá ngắn. Tôi bảo vì tôi không thích quả táo này, nên tôi cũng không muốn các em thích nó, và vì vậy ta cần đặt biệt danh cho nó.

Một số em nhìn tôi như thể tôi bị điên vậy, nhưng chúng tôi đã nhanh chóng chuyền quả táo quanh lớp học và đặt cho nó những cái tên xấu xí như: “Đồ táo bốc mùi”, “Tại sao mi lại tồn tại nhỉ”, “Chắc người mi chứa toàn sâu bọ”...

Chúng tôi đã thực sự làm tổn thương quả táo nặng nề. Tôi và một số học sinh bắt đầu cảm thấy có lỗi với trái táo nhỏ bé vô tội này.

Sau đó, chúng tôi chuyển qua trái táo còn lại và bắt đầu nói những từ ngữ tốt đẹp về nó: “Một quả táo trông thật đẹp đẽ”, “Hãy nhìn xem, vỏ của nó nhẵn bóng”, “Quả táo này có màu đẹp quá”... Tôi tiếp tục giữ 2 quả táo trong tay và nói với các em về sự giống-khác nhau giữa chúng. Tất cả học sinh đều công nhận rằng cả 2 quả táo trông bề ngoài không có gì khác biệt – khác biệt duy nhất là cách mà chúng tôi vừa đối xử, nhận xét về chúng.

Sau đó tôi bổ đôi hai trái táo. Quả táo được chúng tôi khen ngợi thì nhìn bên trong rất tươi và ngon mắt. Còn quả táo bị đối xử tệ bạc thì bên trong đã giập nát hết.

Tôi nghĩ đã có thứ gì đó nảy ra trong đầu các học sinh ngay lập tức. Các em hoàn toàn hiểu, những gì chúng nhìn thấy bên trong quả táo đó, những vết bầm giập, tím tái và vài chỗ rạn nứt chính là những gì đang xảy ra bên trong mỗi con người bị ngược đãi bằng lời nói hay hành động của những người xung quanh.

Khi một người bị bắt nạt, đặc biệt là trẻ em, họ sẽ cảm thấy vô cùng tồi tệ và đôi khi không biểu lộ ra ngoài hoặc nói cho người khác biết cảm xúc của mình. Nếu không bổ đôi quả táo ra, chúng ta sẽ không bao giờ biết mình đã gây ra bao nhiêu đau đớn, thương tổn cho người khác chỉ bằng lời nói.

Tôi chia sẻ trải nghiệm cá nhân khi phải hứng chịu những lời ác ý của một người trong tuần trước đó. Nhìn bên ngoài thì tôi vẫn ổn, vẫn gắng nở nụ cười. Nhưng ở bên trong, có người đã khiến tôi đau đớn vô cùng với lời nói của họ và làm tôi tổn thương.

Không giống như một quả táo, chúng ta có khả năng ngăn chặn điều này xảy ra. Chúng ta có thể dạy cho con trẻ rằng nói những điều không tốt về người khác là không ổn chút nào, thảo luận về việc nó làm cho người khác cảm thấy ra sao.

Chúng ta có thể dạy cho con em mình rằng cần phải đứng lên bảo vệ lẫn nhau để ngăn chặn bất kỳ hình thức bắt nạt nào, giống như một cô bé đã làm ngày hôm nay khi em từ chối nói những lời không hay về bạn táo.

Sẽ ngày càng có nhiều thương tổn xảy ra bên trong nếu không ai chịu làm gì để ngăn chặn sự bắt nạt. Hãy cùng tạo ra một thế hệ trẻ em tốt bụng và biết quan tâm.

Cái lưỡi không xương, nhưng cũng đủ để làm tan nát một trái tim. Vì vậy, hãy cẩn thận với lời nói của chính mình".

Trịnh Thơm

Power of positivity

Trở lên trên