MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Câu chuyện cảm động về chàng trai Hà Nội 25 tuổi mất vì ung thư giai đoạn muộn

06-10-2019 - 22:15 PM | Sống

Nằm trên giường bệnh chàng nhạc sĩ trẻ Nguyễn Xuân Minh đã ghi lại những câu chuyện mình chứng kiến, những nghị lực sống để giúp bệnh nhân ung thư có thêm năng lượng sống.

Bình thản chấp nhận bệnh

25 tuổi đang ở độ tuổi đẹp nhất nhất của tuổi thanh xuân Nguyễn Xuân Minh (sinh ra và lớn lên ở Hà Nội) đã phải đối mặt với căn bệnh ung thư tuyến ức giai đoạn muộn.

Lúc này, Minh đang là sinh viên năm cuối Khoa Sáng tác âm nhạc, Trường Đại học New, Sofia, Bulgaria. Tương lai rộng mở phía trước đang mở ra trước mắt bỗng đóng sập lại, biết con mắc ung thư bố mẹ Minh đã rất sốc, nhưng Minh thì rất bình thản tới "lạ lùng".

Minh vừa điều trị ung thư vừa viết sách, cuốn sách của Minh dừng lại ở chương 14 do bệnh ung thư chuyển biến nặng. Minh mất ngay trên giường bệnh vào tháng 2/2019, khi cuốn sách vẫn còn dở dang.

Vào ngày 4/10, anh Nguyễn Xuân Nam và chị Lê Loan (mẹ của Minh) đã nén đau thương cho phát hành 14 chương truyện của Minh trong cuốn sách "Hai thế giới" để phát miễn phí cho bệnh nhân ung thư.

Anh Nam cho biết, Minh là con trai đầu lòng của gia đình và là người sống tình cảm, nội tâm. Niềm đam mê duy nhất của Minh là chơi đàn piano.

"Khi đang học ở bên nước ngoài con nói với bố mẹ, mệt và sút cân nhiều, tôi có nói với con nên đi khám. Con cũng đi khám nhưng không ra bệnh. Sau đó, tôi nói với con nên về Việt Nam khám lại", anh Nam nói.

Tin sét đánh cũng đến với gia đình anh Nam, kết quả khám bác sĩ chẩn đoán Minh bị ung thư tuyến ức gia đoạn cuối. Tiên lượng Minh chỉ sống được 1 năm, tai anh Nam như ù đi, giọng khàn đặc không nói lên lời, chân đứng không vững…

 Câu chuyện cảm động về chàng trai Hà Nội 25 tuổi mất vì ung thư giai đoạn muộn - Ảnh 1.

Bố mẹ Minh ký tặng sách cho bạn đọc, ảnh T.T.

Anh "sốc" và đặt ra câu hỏi vì sao căn bệnh quái ác lại rơi vào Minh. Còn vợ anh khi biết thông tin hai hàng lệ cứ rơi không sao ngăn lại được.

Anh Nam cho hay: "Trái ngược hẳn với phản ứng của bố mẹ thì con lại bình thản đón nhận thông tin. Con chấp nhận điều trị ngay khi phát hiện ra bệnh. Trong suốt quá trình điều trị bệnh tôi chưa bao giờ thấy con từ bỏ hy vọng.

Những ngày cuối cùng trước khi rơi vào hôn mê con thường lên cơn cơ giật đau đớn vô cùng nhưng con vẫn rất bình thản, con lại trở thành người đã an ủi lại chúng tôi".

TS.BS Nguyễn Việt Long, Phụ trách Chủ nhiệm Khoa Hóa trị liệu và bệnh máu, Bệnh viện 108 người trực tiếp điều trị cho Minh đã ấn tượng rất mạnh mẽ với cậu bệnh nhân "đặc biệt", luôn mạnh mẽ và đầy nghị lực chiến đấu với căn bệnh ung thư.

"Nghề bác sĩ ung thư không khác gì là một cái nghiệp, có rất nhiều góc khuất khó thể nói ra. Khi tiếp xúc với bệnh nhân ung thư ở thời gian đầu ai cũng sẽ có những suy tư lo lắng, ảnh hưởng tới tâm lý của bác sĩ", bác sĩ Long chia sẻ.

Khi điều trị cho bệnh nhân Minh bác sĩ Long đã được tiếp thêm năng lượng sống sức tích cực. Hình ảnh một chàng thanh niên trẻ luôn cầm bên mình chiếc smart phone cần mẫn làm gì đó quên cả đau đớn.

 Câu chuyện cảm động về chàng trai Hà Nội 25 tuổi mất vì ung thư giai đoạn muộn - Ảnh 2.

Bác sĩ Long được truyền thêm năng lượng tích cực từ Minh, ảnh T.T

"Lúc đầu tôi nghĩ chàng thanh niên này chỉ cầm điện thoại để chơi sau này tôi mới biết Minh viết truyện trên đó.

Là bác sĩ tôi thừa biết, ung thư tuyến ức giai đoạn cuối thường rất đau đớn. Khi điều trị cho Minh tôi chưa bao giờ thấy cháu kêu đau đớn hay than mệt mỏi. Mỗi lần khám bệnh cho Minh dù sốt cao tới 40 độ cháu vẫn nở nụ cười với bác sĩ" bác sĩ Long chia sẻ.

Qua những trang sách Minh để lại bác sĩ Long cảm nhận ở bất cứ đâu, hoàn cảnh như thế nào tình yêu luôn tồn tại. Người bệnh ung thư cần lắm sự đồng cảm, chia sẻ…

Theo bác sĩ Long, ung thư tuyến ức ở giai đoạn đầu rất khó phát hiện vì triệu chứng rất mờ nhạt. Để phát hiện ra ung thư tuyến ức chỉ có chụp CT, vì vậy hầu hết các bệnh nhân ung thư tuyến ức đến ở giai đoạn muộn.

Bệnh nhân Minh là trường hợp điển hình, Minh đến trong tình trạng được chẩn đoán ung thư biểu mô tuyến ức, bệnh đã ở giai đoạn muộn. Khối u đã xâm lấn phổi khí quản các mạch máu lớn trong trung thất.

Trước đó, bệnh nhân đã tới bệnh viện phổi Trung ương và đã thực hiện phẫu thuật để cắt bỏ khối u. Tuy nhiên, khi mổ ra khối u quá lớn đã xâm lấn nên các bác sĩ tại đây chỉ lấy được một phần khối u để sinh thiết, giải phẫu bệnh.

Sau khi tiếp nhận bệnh nhân Minh, các bác sĩ Bệnh viện 108 đã họp hội đồng chuyên môn và đưa ra chẩn đoán. Với giai đoạn muộn của bệnh nhân Minh thì không còn khả năng phẫu thuật, không thể xạ trị được ngay.

Sau đó, các bác sĩ đã quyết định tiến hành hóa trị cho bệnh nhân để hỗ trợ thời gian đầu và theo dõi tình trạng bệnh tiến triển. Quá trình hóa trị được 4 đợt, bệnh nhân có đáp ứng hóa trị và được tiến hành xạ trị, bệnh ung thư được kiểm soát tốt.

Tuy nhiên, tiên lượng sống của bệnh nhân vẫn rất dè dặt, chỉ khoảng trên dưới 1 năm.

"Ung thư biểu mô tuyến ức ác tính rất cao và kháng với điều trị. Ở giai đoạn sớm phẫu thuật được tiên lượng sẽ khả quản hơn.

Bệnh tiến triển tới giai đoạn muộn các phương pháp hóa trị, xạ trị.. chỉ nhằm mục đích điều trị giảm nhẹ các triệu chứng cho bệnh nhân", bác sĩ Long cho hay.

Theo Ngọc Minh

Trí thức trẻ

Trở lên trên