MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Câu chuyện của cà phê G7 tại thị trường Trung Quốc: Bao bì có chữ tiếng Việt được bán với giá cao hơn

28-11-2022 - 19:33 PM | Thị trường

Nói đến Trung Nguyên, người ta nghĩ đến Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ. Nói đến cà phê Trung Nguyên, người ta nghĩ đến G7. Cuối tháng 11 năm nay, Từ một thương hiệu địa phương nhỏ bé, sau 19 năm, G7 đã vươn mình thành một thương hiệu cà phê hòa tan được yêu thích ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Chiến thuật marketing có một không hai của ông Đặng Lê Nguyên Vũ

Cà phê hòa tan G7 ra đời vào những ngày cuối tháng 11 năm 2003. Khi ấy, Trung Nguyên chỉ là một doanh nghiệp nhỏ với xuất phát điểm gần như từ con số "0": không tên tuổi, không đội ngũ kinh doanh, không hệ thống phân phối, kinh nghiệm hay nguồn lực tài chính dồi dào.

Những gì Trung Nguyên và Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ có khi ấy, tóm gọn lại có lẽ là hai từ "khát vọng". Khát vọng từ cái tên thương hiệu cà phê là G7, đặt tên theo từ viết tắt của "Group of Industrial Countries" gồm 7 quốc gia phát triển trên thế giới.

Không chỉ có khát vọng, ông Nguyên Vũ đã chứng tỏ được sự tinh khôn và cũng rất táo bạo khi chọn cách "chào sân" chẳng giống ai: Tuyên chiến trực diện với một thương hiệu ngoại có lịch sử hơn 100 năm thời điểm đó đang thống trị thị trường để "lăng xê" cho tên tuổi thương hiệu G7 chưa ai biết đến của mình.

Nhiều năm sau này, người ta vẫn nhắc đến chiến thắng của G7 trước đối thủ ngoại trong cuộc thử mù (blind test) với 89% chọn G7 tại Dinh Thống Nhất.

* Thử mù sản phẩm là việc 2 hoặc nhiều hãng cho người tiêu dùng thưởng thức sản phẩm nhưng không biết sản phẩm đó thuộc thương hiệu nào. Người tiêu dùng sẽ có đánh giá khách quan về sản phẩm được đem ra so sánh.

 Câu chuyện của cà phê G7 tại thị trường Trung Quốc: Bao bì có chữ tiếng Việt được bán với giá cao hơn  - Ảnh 1.

Nguồn ảnh: Thanh niên

Như một số người trong nghề nhận xét, vị cà phê của thương hiệu ngoại "nhạt" hơn so với gu uống cà phê của đại bộ phận người Việt Nam. G7 có thể thua về mọi mặt, nhưng chỉ cần nắm một điểm "hơn", Trung Nguyên đã tạo ra được một "tiếng vang", dùng chính đối thủ mạnh nhất để "lăng xê" ngược cho sản phẩm non trẻ của mình.

Nhưng như vậy thôi không đủ. Mặc dù là một phương thức được nhiều doanh nghiệp áp dụng nhưng kết quả của một cuộc "thử mù" chỉ để tham khảo. Đặc biệt, những doanh nghiệp trong lĩnh vực ẩm thực không cần quá quan tâm đến những cuộc thử mù. Nên nhớ, những nhãn hiệu ẩm thực hàng đầu chưa bao giờ là người thắng cuộc trong các cuộc thử mù.

Trung Nguyên Legend đã làm nhiều hơn thế. Đó là liên tục khơi gợi và truyền đi tinh thần dân tộc, yêu nước tự cường trong mỗi sản phẩm cà phê. Trung Nguyên Legend lan tỏa thông điệp về khát vọng vĩ đại cho quốc gia, xác lập danh xưng xứng đáng của đất nước Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Còn nhớ, mỗi hộp cà phê hòa tan G7 năm 2012 được bán ra trên thị trường ngày đó kèm theo một tâm thư với những lời lẽ thống thiết về sáng tạo - kiến quốc - khởi nghiệp. Cho đến ngày nay, những câu chữ của ông Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn còn thấm đẫm tinh thần tự cường dân tộc.

"Đây chính là cuộc chiến giữa tự do và nô lệ mới, là cuộc chiến sống còn của dân tộc chúng ta! Biên giới quốc gia giờ đây không chỉ thuần là khái niệm hành chính: đất liền, biển đảo, không trung.... mà là biên giới mềm về sự xâm lấn của hàng hóa, ảnh hưởng của văn hóa. Hãy cùng nhau biến giấc mơ ngàn đời của cha ông thành hiện thực - xây dựng một nước Việt hùng mạnh và ảnh hưởng, hãy cùng nhau xây dựng một niềm tin chung để mỗi người trong chúng ta, dù ở đâu trên khắp địa cầu này, đều có thể ngẩng cao đầu và tự hào rằng: Tôi là người Việt Nam ".

Cà phê G7 bán tại Trung Quốc bao bì có chữ tiếng Việt sẽ có giá cao hơn

Cuối cùng, cho dù có sử dụng bao nhiêu phương thức marketing quảng bá, thì có một điểm cốt lõi không thể thay thế đó là chất lượng, hương vị sản phẩm.

Tại Việt Nam, G7 tiếp tục khẳng định là thương hiệu cà phê thuộc top 3 thương hiệu cà phê hòa tan được chọn mua nhiều nhất khu vực 4 thành phố trọng điểm và nông thôn năm 2022 (theo báo cáo Brand Footprint của đơn vị nghiên cứu thị trường Kantar).

Ngoài lãnh thổ Việt Nam, G7 đã được xuất khẩu tới 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong năm 2020, G7 xếp hạng Top 5 thương hiệu cà phê được yêu thích và mua sắm nhiều nhất trên kênh online tại Hàn Quốc khi xuất hiện trên hơn 30 trang thương mại điện tử lớn nhất tại thị trường này (theo Báo cáo từ Nielsen).

Tại Trung Quốc, năm 2021, G7 dẫn đầu top 13 thương hiệu cà phê hòa tan được yêu thích nhất tại đất nước này, theo công bố từ Chnbrand – cơ quan xếp hạng thương hiệu hàng đầu Trung Quốc, vượt qua các thương hiệu cà phê Nhật Bản, Mỹ, Malaysia, Đài Loan.

Một minh chứng khác cho sức hút của cà phê Trung Nguyên đó là cửa hàng cà phê mà Trung Nguyên Legend khai trương ở Thượng Hải hồi tháng 10. Mới chỉ sau một tháng hoạt động đã được người tiêu dùng bình chọn là cửa hàng cà phê được yêu thích nhất - Thông tin Trung Nguyên Legend chia sẻ trong sự kiện ngày 25/11 tại Buôn Ma Thuật, Đăk Lăk.

 Câu chuyện của cà phê G7 tại thị trường Trung Quốc: Bao bì có chữ tiếng Việt được bán với giá cao hơn  - Ảnh 2.

Trung Nguyên Legend tại Thượng Hải

Cũng trong sự kiện này, Trung Nguyên chia sẻ một thông tin khá thú vị. Người tiêu dùng Trung Quốc gọi cà phê G7 là tri - tri - hảo (phiên âm, tạm dịch: rất rất tốt). Ngoài ra cà phê G7 bán tại Trung Quốc với bao bì có chữ tiếng Việt được bán với giá cao hơn, vì người tiêu dùng cho rằng sản phẩm tại quốc gia chính gốc (Việt Nam) sẽ có chất lượng tốt hơn hàng xuất khẩu.

Đây chính xác là tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam vẫn thường ưu ái cho các sản phẩm ngoại nhập. Trung Nguyên đã làm được điều ngược lại ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.

 Câu chuyện của cà phê G7 tại thị trường Trung Quốc: Bao bì có chữ tiếng Việt được bán với giá cao hơn  - Ảnh 3.

Bảo tàng cà phê Trung Nguyên ở Buôn Ma Thuật

Nhìn lại một chặng đường 19 năm, để một sản phẩm giữ được vị thế trên thị trường không thể chỉ dựa vào những chiêu thức marketing, quảng cáo. Sức hút của cà phê Trung Nguyên không chỉ nằm ở hương vị, mà còn nằm ở những giá trị phi vật chất được doanh nghiệp gây dựng qua thời gian.

Bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh & Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA), kể một câu chuyện về một đại lý của Trung Nguyên ở Úc.

" Tôi vừa mới gặp một nhà phân phối, chủ một chuỗi siêu thị lớn ở Úc, anh ấy kể cho tôi nghe có người mang cà phê G7 nào đó mời anh mua với giá thấp hơn. Anh ta đã từ chối và trả lời rằng: Tôi luôn luôn chung thủy với anh Đặng Lê Nguyên Vũ và cà phê Trung Nguyên mà tôi đã kinh doanh trong rất nhiều năm rồi ".

Bà Hạnh cảm thấy rất chia sẻ với tình cảm tự nhiên của nhà phân phối đó và nói thêm: " Đã là nhà kinh doanh thì thế nào người ta cũng phải tìm lợi nhuận tốt hơn, tuy nhiên có một cái còn tốt hơn lợi nhuận, đó là tình nghĩa, là sự thiện lương, là đạo đức của những người Việt Nam khi kinh doanh trên toàn cầu".

Theo An Vũ

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên