Câu chuyện của Warren Bufett và bài học kinh nghiệm: Để thành công thì đam mê thôi là chưa đủ, bạn còn cần đối mặt với cả điều này!
Nhiều người vẫn tin rằng, con đường đi tới thành công sẽ luôn rộng mở cho bất kỳ ai có niềm đam mê mãnh liệt. Thế nhưng, mỗi đam mê thôi thì chưa đủ. Bạn chỉ có thể thành công khi biết cách đối mặt với một thách thức: sự nhàm chán.
Năm 1949, chàng trai 19 tuổi Warren Buffett đã đọc một cuốn sách mà không hề biết rằng nó sẽ làm thay đổi cả cuộc đời mình. Cuốn sách đó là Security Analysis (tựa Việt: Phân tích chứng khoán) của tác giả Benjamin Graham, và đó chính là thứ đã định hình nên những triết lý về đầu tư của ông sau này.
Cuốn sách này quan trọng đến nỗi, Buffett quyết định sẽ không đầu tư vào bất cứ thứ gì cho tới khi ông lĩnh hội được mọi thông tin trong đó. Vì thế, vị tỷ phú này quyết tâm đọc đi đọc lại cuốn sách. Buffett đã đọc cuốn sách đó tổng cộng 12 lần trước khi ông cho phép bản thân quay trở lại đấu trường đầu tư (ông đã bắt đầu chơi chứng khoán từ năm 11 tuổi).
Thế nhưng, khác với những gì mọi người hay nghĩ, Buffett không thực sự cảm thấy hứng thú với cuốn sách này. Giống như tất cả chúng ta, ông cũng thấy việc đọc đi đọc lại là một điều quá nhàm chán. Mặc dù vậy, Buffett vẫn chấp nhận sự nhàm chán, vì ông biết cuốn sách đó quan trọng đến nhường nào.
Ảnh (Google Images).
Rất nhiều người trong số chúng ta vẫn luôn tin rằng, phải sở hữu một niềm đam mê mãnh liệt thì mới có thể theo đuổi được một mục tiêu nào đó. Nhưng đam mê đâu chỉ có nghĩa là yêu thích, mà đam mê còn là liệu ta có thể vì nó mà chịu đựng.
Đến một lúc nào đó, sự tập trung và động lực trong ta sẽ dần biến mất. Sẽ có những lúc mà ta ngủ dậy, nhìn vào công việc, và cảm thấy chán nản. Nhưng nếu cứ làm theo những lời khuyên đầy rẫy ngoài kia, bạn sẽ cảm thấy tội lỗi. Bạn khao khát thành công, nhưng bạn lại không có vẻ gì là thực sự mong muốn điều đó. Bạn muốn trở thành người dẫn đầu, nhưng bạn lại chẳng đam mê nhiều như người ta.
Vậy điều gì làm nên sự khác biệt? Không phải đam mê, vì bạn dường như đã có sẵn nó rồi. Thành công hay không thành công, tất cả chỉ dựa vào một thứ, đó là cách bạn đối mặt với sự nhàm chán.
Ảnh (Pexels/energepic.com).
Đúng vậy. Sự nhàm chán.
Hãy thử nghĩ về nó. Chúng ta có thể sẽ phải dành hàng tuần, thậm chí là hàng tháng trời, cho một vài dự án nhất định. Chúng ta sẽ phải mất hàng năm trời để thu thập thông tin hay trau dồi kỹ năng cần thiết để hoàn thiện bước tiếp theo. Warren Buffett trong câu chuyện ở trên cũng không phải ngoại lệ. Ông cũng phải chịu đựng sự nhàm chán của việc đọc đi đọc lại một cuốn sách chỉ để thu nạp kiến thức mà mình cần. Theo Yahoo Finance, nếu phải miêu tả công thức thành công của vị tỷ phú 88 tuổi này trong một từ duy nhất, thì đó chính là "nhàm chán". Nhàm chán một cách có lợi, nhàm chán một cách tuyệt vời.
Ngày nay, khoa học đã chứng minh rằng, ở một mức độ nào đó, cách tốt nhất để tiếp thu kiến thức là tìm hiểu về một chủ đề duy nhất trong vòng vài tháng. Thế nhưng, bộ não của loài người lại ưa thích và dễ bị phân tâm bởi những điều mới lạ. Vậy nên, bạn sẽ phải tìm ra cách để biến những thứ mình đang làm trở nên đặc biệt hay ho. Nhưng đây cũng là một thách thức khổng lồ, ngay cả với những người giỏi nhất. Hoặc không, bạn sẽ phải tìm cách chống chọi lại với sự nhàm chán.
Ảnh (Pexels/Martine Savard).
Vậy làm thế nào để chúng ta chống chọi được với sự nhàm chán? Hãy thử tham khao một số giải pháp sau đây.
Nhớ rằng đây chỉ là những cảm xúc nhất thời
Trầm cảm và lo âu thường hay xảy ra khi chúng ta bị bủa vây bởi sự nhàm chán. Chúng ta sợ rằng mình bị kẹt trong sự rập khuôn, rằng đó là tất cả những gì chúng ta có, và rằng chúng ta sẽ không bao giờ cảm thấy hạnh phúc hay hứng thú với điều gì nữa. Nhưng đừng lo, rồi mọi chuyện sẽ tốt đẹp lên thôi.
Đánh giá lại các công việc thường ngày
Đã có rất nhiều tranh cãi xung quanh việc có nên sử dụng "phần thưởng khích lệ" như một công cụ khiến cho công việc thường ngày trở nên dễ chịu hơn không. Ăn một que kem mát lạnh hay xem một bộ phim vào cuối ngày có thể là những cách để kích thích quá trình sản xuất dopamine của cơ thể, nhờ đó bạn sẽ cảm thấy thoái mái hơn trong công việc. Thực hiện một sở thích nào đó sau giờ làm cũng có thể giúp não bạn được nghỉ ngơi đầy đủ và gia tăng sức sáng tạo.
Tuy nhiên, trong một bài viết trên LinkedIn, bác sĩ Deepak Chopra – người sáng lập ra Quỹ tài trợ Chopra – cho rằng điều này chỉ khiến cuộc sống của bạn bị xẻ làm đôi. Thay vào đó, anh gợi ý rằng mọi người đừng nên quá chú ý vào những mặt trái của công việc thường ngày, mà tập trung vào các lợi ích hay khía cạnh tốt đẹp mà nó đem lại. Đây mới là những điều khiến mỗi ngày của bạn trở nên thú vị và hứng khởi hơn. Hay nói theo cách khác: Đừng chịu đựng cuộc sống, hãy cải thiện nó!
Tập trung vào công việc thay vì nhìn giờ
Bạn tự thưởng cho bản thân vì công sức bạn bỏ ra, chứ không phải vì số giờ bạn làm việc. Theo như nhà tâm sinh lý học, tác giả, bác sĩ Nigel Barber viết trên trang Psychology Today, nguyên nhân lớn nhất của sự nhàm chán và thái độ uể oải bắt nguồn từ việc bạn đo khối lượng công việc bằng đơn vị thời gian, chứ không phải bằng năng suất hay thành tựu. Ông cho rằng, "khi con người ta tập trung vào công việc mà họ đang làm, họ sẽ quên đi thời gian và không còn cảm thấy thời gian trôi đi thật chậm nữa."
Vì vậy, bạn nên chú tâm vào công việc của mình, hơn là cứ 3 giây lại nhìn chằm chằm vào đồng hồ một lần xem đã đến giờ về hay chưa. Đây là lúc mà bạn có thể thử làm nhiều hơn mọi khi, hoặc nghĩ ra một số hoạt động sáng tạo có liên quan đến công việc. Hoàn thành tốt việc mình đang làm và tự hào về nó!
Đam mê rất quan trọng. Nhưng đừng bao giờ nghĩ rằng những người khác chỉ cần mỗi đam mê để thành công, còn bạn thì chẳng có gì. Hãy tin là ngọn lửa đam mê vẫn luôn ở trong bạn. Đừng để sự nhàm chán lừa dối bạn, khiến bạn nghĩ mình thật yếu kém.
Rốt cuộc, cái lạnh của buổi đêm đâu có nghĩa là mặt trời không còn chiếu sáng hay sưởi ấm Trái Đất. Việc chúng ta cần làm là mặc cho tinh thần của mình một chiếc áo len và chờ đợi ánh mặt trời ấm áp sẽ lại đến vào ngày mai.
Inc.