MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Câu chuyện cuối tuần] Bài học từ thất bại thê thảm của nhà văn Mark Twain trên thị trường chứng khoán

Chúng ta có xu hướng tập trung quá nhiều vào suy nghĩ có thể kiếm được bao nhiêu tiền mà quên mất việc đánh giá khả năng thất bại và khả năng chịu đựng rủi ro của mình. Điều đơn giản này đã luôn bị các nhà đầu tư bỏ qua.

Nhà văn Mark Twain (tên thật là Samuel Langhorne Clemens) được cả thế giới biết đến với các tác phẩm nổi tiếng như Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer, Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn, Hoàng tử và Chú bé nghèo khổ, Cuộc sống trên sông Mississippi…

Nhưng không chỉ nổi tiếng trên diễn đàn văn học, Mark Twain còn rất nổi tiếng trong cộng đồng đầu tư bởi những vụ thua lỗ thê thảm.

Vào tuổi 59 (tức thập niên 1880), ông đã có vụ thua lỗ nổi tiếng nhất, khiến thi hào mất ít nhất 150.000 USD tương đương 4 triệu USD ngày nay. Đó là khoản đầu tư vào lĩnh vực chế tạo máy in do Paige phát minh ra – loại máy mà Mark Twain tin rằng sẽ trở thành một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp xuất bản. Tuy nhiên, người phát minh ra cỗ máy, ông Paige đã từ chối tuyệt đối việc đưa cỗ máy ra thị trường cho đến khi ông ta cảm thấy đúng thời điểm. Trong các năm từ 1881 tới 1894, Mark Twain đã lỗ hàng trăm nghìn USD do cỗ máy in kể trên vì các thay đổi về kiểu mẫu, đặc tính.

Và 14 năm sau, khi Paige đưa đứa con tinh thần này ra thị trường thì đã có hàng trăm đối thủ gia nhập, nó phải đối mặt với một cuộc cạnh tranh khốc liệt rồi cuối cùng thất bại.

Khó khăn về tài chính khiến Mark Twain tìm đến thị trường chứng khoán như một kênh đầu tư khác để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, sàn chứng khoán thật lắm rủi ro và khốc liệt hơn những gì mà Mark Twain nghĩ. Quá trình gia nhập thị trường chứng khoán toàn thua lỗ của thi hào nổi tiếng này được đúc kết bằng một câu danh ngôn mà ông mượn miệng nhân vật chính Wanxon thốt ra trong truyện ngắn “Bi kịch của chàng Wanxon ngốc nghếch”:

“Tháng Mười, đấy là tháng chơi cổ phiếu nguy hiểm nhất. Còn các tháng nguy hiểm khác là tháng Bảy, tháng Một, tháng Chín, tháng Tư, tháng Mười một, tháng Năm, tháng Ba, tháng Sáu, tháng Mười hai, tháng Tám và cả tháng Hai nữa.”

Hay nói cách khác, tất cả các tháng trong năm đều là thời gian nguy hiểm để chơi cổ phiếu. Đó nỗi đau của nhà văn trên sàn giao dịch chứng khoán.

Một trong những câu nói nổi tiếng khác của Mark Twain là “Một đồng nhặt được trên đường cũng khiến chúng ta sung sướng hơn là 99 đồng do tự tay làm ra. Tiền kiếm được từ trò đánh bài Faro hay trên thị trường chứng khoán cũng cho chúng ta cảm giác tương tự.”

Sau này đúc kết lại, sai lầm lớn nhất của Mark Twain đơn giản là đã đầu tư nhiều hơn những gì mà ông có thể chịu mất. Dường như đây là một điều hiển nhiên nhưng thực tế, đã luôn bị các nhà đầu tư bỏ qua.

Lý thuyết kinh tế có một câu kinh điển: Lợi nhuận (kỳ vọng) càng cao thì khả năng chấp nhận rủi ro phải càng lớn. Tuy nhiên, chúng ta thường có xu hướng tập trung quá nhiều vào suy nghĩ có thể kiếm được bao nhiêu tiền mà quên mất việc đánh giá khả năng thất bại và khả năng chịu đựng rủi ro của mình.

Cuối cùng, nhà văn đã thoát khỏi khó khăn và phục hồi tài sản bằng tài năng vốn có của mình, đó là đi diễn thuyết. Tương truyền ông được trả 1.000 USD cho mỗi cuộc diễn thuyết và ông đã từng thực hiện nhiều chuyến đi được quảng cáo rầm rộ, tới cả các thành phố xa xôi thuộc Ấn Độ, Nam Mỹ và châu Úc. Mark Twain kết bạn với các nhân vật danh tiếng, giàu có như Andrew Carnegie, William Rockfeller và được trao tặng các văn bằng danh dự tại Đại học Yale vào năm 1901, Đại học Missouri vào năm 1902 và Đại học Oxford vào năm 1907.

Kim Dung

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên